Cơ chế lây nhiễm lao phổi, quai bị?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Nhà em có ông quai bị, lao phổi mới phát hiện hôm qua. Gia đình em sống chung nhưng em sợ lây. Vậy bác sĩ cho em hỏi cơ chế lây nhiễm lao phổi, quai bị? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Cơ chế lây nhiễm lao phổi, quai bị?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở rất nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong đó thể bệnh lao phổi phổ biến nhất chiếm tới 80 đến 85%. Đây là nguồn lây chính cho mọi người xung quanh.

Bệnh lao phổi lây truyền qua đường hô hấp. Cơ chế do hít phải các hạt khí dung lơ lửng trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi giai đoạn tiến triển ho khạc, hắt hơi. Những hạt này có đường kính khoảng 1 - 5 micromet. Chúng bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ. Khả năng lây lan giảm mạnh ở những người đã điều trị từ 2 - 4 tuần trở nên. Do vậy, phát hiện và điều trị sớm bệnh lao giúp làm giảm lây lan trong cộng đồng.

Nhiễm lao là tình trạng có tồn tại vi khuẩn lao trong cơ thể. Tuy nhiên vi khuẩn không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch. Vì vậy chúng tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động. Tới khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vi khuẩn lao có thể bùng phát lên và hoạt động gây bệnh. Những người nhiễm lao thì không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao.

Có khoảng 10% người nhiễm lao sẽ chuyển thành bệnh lao. Đối với những người bị suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.

Các yếu tố sau liên quan tới sự lây truyền bệnh lao cho mọi người xung quanh. Đó là:

  • Số lượng vi khuẩn lao do người bệnh ho khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm
  • Thời gian tiếp xúc với các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao
  • Khoảng cách gần với nguồn các hạt khí dung mang vi khuẩn lao
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm: HIV, tiểu đường, và suy dinh dưỡng...
  • Sử dụng thuốc lá hoặc lạm dụng rượu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao và bệnh lao.
  • Các yếu tố môi trường: Không gian chật hẹp, thông khí kém, phòng điều hòa...

Dựa vào cơ chế lây truyền bệnh và các yếu tố liên quan tới khả năng lây nhiễm để đưa ra các biện pháp phòng bệnh lao phổi dưới đây.

Mục đích của phòng bệnh lao nhằm:

  • Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao
  • Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao

Các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi trong môi trường bệnh viện

  • Kiểm soát vệ sinh môi trường phòng bệnh
    • Những phòng bệnh có người bệnh lao điều trị hoặc sinh hoạt cần được mở cửa thông thoáng khí, đảm bảo không khí được lưu thông.
    • Tránh đóng kín cửa hay bật điều hòa dễ phát tán nguồn bệnh cho những người xung quanh.
  • Hạn chế người bệnh lao phát tán vi khuẩn lao ra ngoài môi trường bằng cách:
    • Những người mắc lao phổi cần dùng khẩu trang. Hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, hay mỗi khi hắt hơi, ho.
    • Không khạc nhổ bừa bãi. Nên khạc đờm vào giấy hoặc ca/cốc. Sau đó bỏ đúng nơi quy định
  • Rửa tay xà phòng thường xuyên.
    • Những người tiếp xúc với người mắc bệnh lao cần tự bảo vệ cho mình. Tốt nhất là đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn mỗi khi nói chuyện với người bệnh lao. Do khẩu trang thông thường ít có tác dụng bảo vệ nhiễm vi khuẩn lao.
    • Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi có AFB dương tính hay lao đa kháng thuốc.

Dự phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi trong gia đình và những người xung quanh

  • Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Như vậy mới đạt hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt các trường hợp còn ho khạc ra vi khuẩn lao, có xét nghiệm đờm AFB dương tính.
  • Tránh lây nhiễm vi khuẩn lao cho người xung quanh bằng cách:
    • Dùng khẩu trang, khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.
    • Không khạc nhổ bừa bãi. Khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt.
    • Rửa tay xà phòng thường xuyên.
  • Vệ sinh môi trường nhà ở của người bệnh sạch sẽ. Đảm bảo cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng được thông khí tự nhiên, có ánh nắng.
  • Thường xuyên giặt giũ phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

Nếu bạn còn thắc mắc về cơ chế lây nhiễm lao phổi, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

46 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan