GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói về "thời điểm vàng" để can thiệp trẻ tự kỷ

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, người đã có hơn 15 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cho rằng, cha mẹ cần quan tâm tới sự tương tác của con với môi trường xung quanh và sẵn sàng đối mặt khi nhận ra những dấu hiệu đáng nghi ngờ: “ Khi điều trị cho trẻ tự kỷ thì cũng cần điều trị cả cho bố mẹ các em”.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, cố vấn Đơn nguyên Kĩ thuật cao điều trị tự kỷ và bại não (Vinmec Times City), đã có chia sẻ ngắn bên lề Hội thảo Nguyên nhân và các phương pháp chẩn đoán, can thiệp hiện đại cho trẻ Tự kỷ, diễn ra từ 12 – 16/3/2018.

Hội thảo Nguyên nhân và các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ, diễn ra từ ngày 12 - 16/3 tại Vinmec Times City

Thưa giáo sư, gần đây người ta bắt đầu nói tới vấn đề di truyền trong tự kỷ. Theo ông, yếu tố di truyền có là nguyên nhân dẫn tới một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ không?

Đa số các tác giả cho rằng tự kỷ là do nguyên nhân di truyền. Tuy nhiên, hiện chưa tìm ra được gen hay tổ hợp gen nào gây ra bệnh này.

Có thể đây là một gen tổ hợp, một biến dị gen hoặc tương tác gen nào đó, vì đại đa số các trường hợp trẻ tự kỷ có bố mẹ hoàn toàn bình thường. Thực tế nghiên cứu trên các trường hợp sinh đôi hay di truyền phả hệ, người ta nhận thấy rằng khoảng 30% trẻ mắc tự kỷ có bất thường về gen.

Nhiều người quan niệm, việc cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái là nguyên nhân khiến trẻ dễ tự kỷ. Điều này có đúng không, thưa giáo sư?

Đó là quan điểm không đúng. Tuy nhiên, việc bố mẹ không quan tâm tới con cái thường khiến các trẻ tự kỷ được phát hiện muộn và can thiệp muộn. Do đó, kết quả can thiệp bị hạn chế.

Vậy thời điểm “vàng” can thiệp trẻ tự kỷ là khi nào?

Về mặt chẩn đoán bệnh, lời khuyên được đưa ra là trẻ cần được phát hiện tự kỷ từ 2 tuổi, nhưng theo tôi, 2 tuổi cũng đã là muộn. Ở một số nước, trẻ được can thiệp tự kỷ trước 1 tuổi, bởi từ 9 tháng, trẻ đã có những dấu hiệu bất thường trong phát triển.

Dấu hiệu dễ nhận biết một đứa trẻ có mắc tự kỷ hay không chủ yếu từ việc trẻ thiếu tương tác với mọi thứ xung quanh chúng. Ví dụ ở giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ biết cười, biết tương tác, chúng ngước mắt nhìn theo khi được gọi, hứng thú với những thứ xung quanh mình... Nếu bố mẹ thấy trẻ không có những dấu hiệu phát triển đúng giai đoạn thì nên đưa con tới can thiệp ngay mà không cần kết quả chẩn đoán. Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả điều trị.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, cố vấn Đơn nguyên Kĩ thuật cao điều trị tự kỷ và bại não (Vinmec Times City)

Điều khó khăn nhất của bố mẹ có phải là nhận ra những bất thường của con không hay có điều gì ngăn cản họ chấp nhận con mình có dấu hiệu của một đứa trẻ mắc tự kỷ, thưa giáo sư?

Có thể nói, gia đình đóng góp phần lớn, quyết định hiệu quả can thiệp trẻ tự kỷ. Nhiều phụ huynh không chấp nhận việc con mình mắc hội chứng tự kỷ. Họ tự nhủ, con chỉ chậm nói, chắc mấy tháng nữa sẽ nói được, hay cháu chỉ chạy nhảy thôi chứ không phải tăng động.

Chấp nhận con mình mắc hội chứng tự kỷ là điều khó khăn nhưng vô cùng quan trọng. Chỉ khi bố mẹ chấp nhận thì họ mới sẵn sàng đối mặt và tìm các biện pháp can thiệp tốt nhất cho con.

Ngoài ra, các gia đình có con tự kỷ thường có xu hướng đổ lỗi cho nhau. Điều này không những không giúp cho trẻ được chữa trị tốt hơn mà còn gây mất thời gian, thậm chí đổ vỡ gia đình.

Việc không chấp nhận và đổ lỗi trong gia đình có trẻ tự kỷ khiến gia đình, đặc biệt bố mẹ gặp phải vấn đề gì?

Một đứa trẻ tự kỷ gây đảo lộn sinh hoạt cho cả gia đình, kéo theo bố mẹ chúng bị trầm cảm. Bạn thử tưởng tượng, gia đình có một đứa trẻ suốt ngày chạy lăng xăng, đánh ông bà, cướp cái nọ, giật cái kia, tối không chịu ngủ, ngày không chịu ăn uống, không nhận ra bố mẹ, thì sẽ thế nào. Phần lớn gia đình đều bị gánh nặng tâm lý nặng nề. Vì vậy, khi điều trị cho trẻ tự kỷ thì cũng cần điều trị cả cho bố mẹ của các em.

Gia đình cần đồng lòng và phối hợp với nhân viên y tế để can thiệp, dạy dỗ trẻ chứ không phải chỉ 1 – 2 thành viên trong gia đình nỗ lực làm điều đó. Gia đình cần có sự thống nhất và quyết tâm cao để đạt được hiệu quả can thiệp tốt nhất có thể.

Hội thảo Nguyên nhân và các phương pháp chẩn đoán, can thiệp hiện đại cho trẻ Tự kỷ do Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen tổ chức từ ngày 12 – 16/3/2018, nhằm cung cấp thông tin cập nhật về các phương pháp hiện đại trong chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình với nhân viên y tế. Hội thảo có sự tham dự của 5 chuyên gia Mỹ nhiều kinh nghiệm trong điều trị tự kỷ, các bác sỹ tâm lý, chuyên viên trị liệu can thiệp cho trẻ tự kỷ từ Đơn Nguyên Kĩ thuật cao điều trị Tự kỷ và Bại não (Bệnh viện Vinmec Times City) cùng nhiều phụ huynh quan tâm.

Tại Trung tâm Kĩ thuật cao điều trị Tự kỷ và Bại não Vinmec, ngoài các lớp giáo dục đặc biệt, trị liệu tâm lý, trị liệu ngôn ngữ, những em bé mắc hội chứng tự kỷ sẽ được điều trị can thiệp, phát triển nhận thức - kĩ năng thông qua lớp học âm nhạc, mỹ thuật và thiền/vận động.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan