Bệnh nhân liệt tứ chi "hồi sinh" nhờ điều trị bằng Tế bào gốc

Tiếp sau thành công bước đầu của những ca ghép tế bào gốc (TBG) điều trị cho trẻ bại não, tự kỷ; Bệnh viện (BV) đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec đã ứng dụng thành công ghép TBG tự thân lấy từ mỡ bụng để điều trị liệt tuỷ dẫn đến liệt tứ chi, hoàn toàn mất cảm giác từ cổ trở xuống cho một bệnh nhân (BN) chấn thương cột sống. Đây thực sự là một tin vui, đem đến cơ hội điều trị mới cho những BN chấn thương cột sống có tuỷ sống bị tổn thương.

Bệnh nhân Đào Công T. (50 tuổi, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) bị tai nạn giao thông từ tháng 2/2014. Vụ tai nạn khiến anh T. ngã lộn đầu xuống đất, gây chấn thương cột sống cổ, liệt tủy dẫn đến liệt tứ chi. Anh T. đã được cấp cứu và điều trị Phục hồi chức năng ở một số bệnh viện nhưng tình trạng cải thiện rất ít, chỉ nhúc nhích được ngón tay, ngón chân, vẫn liệt tứ chi và toàn bộ phần mềm.

Biết được Bệnh viện ĐKQT Vinmec đã thực hiện ghép tế bào gốc để điều trị bệnh, bệnh nhân T. đã được gia đình chuyển tới Vinmec để điều trị. Tại Vinmec, bệnh nhân đã được tiêm tế bào gốc tách chiết từ mỡ bụng tiêm vào khoang màng tuỷ và tĩnh mạch 2 đợt vào tháng 4 và tháng 5/2014. 10 ngày sau khi được tiêm đợt 1, bệnh nhân đã có tiến triển rõ rệt. Tay đã cầm nắm, có cảm giác, cử động được. Chân đã gập, co duỗi được. Sau một tháng bệnh nhân tiến triển tốt hơn cả sự mong đợi của các bác sĩ. Bệnh nhân đã ngồi dậy được, cử động, xoay mình, đã cầm thìa, tự xúc cơm, gọi điện thoại...


Bệnh nhân T. tạm biệt điều dưỡng viên của Vinmec trước ngày ra viện. (Ảnh: Vinmec)

TS. BS. Nguyễn Đắc Nghĩa, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện ĐKQT Vinmec cho biết: Điều trị chấn thương cột sống dẫn đến liệt tuỷ là một vấn đề nan giải, đặc biệt điều trị tuỷ bị hoại tử. Phương pháp điều trị kinh điển từ trước đến nay cho những trường hợp có tổn thương tương tự là phẫu thuật để lấy bỏ những mảnh xương vỡ chèn ép vào tuỷ gây hỏng tuỷ và mở rộng ống tuỷ ra, và cố định vững cột sống lại. Nếu chấn thương nhẹ, không bị đụng dập nhiều, tuỷ có cơ chế tự phục hồi, nhưng bệnh nhân T. đã được sử dụng thuốc và tập Phục hồi chức năng tích cực nhưng không có dấu hiệu phục hồi khả quan nên các bác sỹ đã sử dụng đến phương pháp ghép tế bào gốc.

Nói về thành công “kỳ diệu” của ca ghép tế bào gốc này, GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Vinmec cho biết, tế bào gốc có tác dụng làm giảm viêm, chống phù nề, khi đưa vào làm hạn chế phản ứng viêm, các dây thần kinh tuỷ sống bớt chèn ép. Cơ chế thứ 2 của tế bào gốc là làm tăng sinh các mạch máu: khi mạch máu ở vùng tổn thương phát triển, các chất dinh dưỡng được đưa đến nhiều hơn, các tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn dẫn đến khả năng hồi phục ống TB thần kinh trong tuỷ tốt. Tác dụng thứ 3 là tế bào gốc làm tăng cường dẫn truyền thần kinh và có thể trong nhiều trường hợp biệt hoá thành các tế bào thần kinh và chắp nối lại những vùng có tế bào thần kinh bị gián đoạn.

Do vậy, theo GS. Liêm, những chấn thương cột sống bị liệt tuỷ hay những thương tổn thần kinh thì bên cạnh việc phẫu thuật làm chắc vững cột sống thì nên được ghép tế bào gốc sớm. Đây thực sự là phương pháp điều trị mới cho những bệnh nhân chấn thương cột sống có tuỷ sống bị tổn thương.

Chi phí một ca ghép tế bào gốc từ mỡ bụng tự thân như trường hợp này vào khoảng 200 triệu đồng.

Bệnh viện ĐKQT Vinmec đã ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh như teo đường mật, thoái hoá khớp gối, chấn thương tuỷ sống. Trong năm 2014, Vinmec sẽ ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ và các bệnh tự miễn, đặc biệt là bệnh xơ hoá thần kinh rải rác (khiến tay chân hoạt động yếu, mắt nhìn mờ, nói không rõ) đang có số lượng bệnh nhân muốn điều trị rất đông.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan