Bác sĩ Đỗ Tất Cường: Xứng danh dòng dõi Vua Hùng

Nhân ngày Giỗ tổ, vào 11/4 vừa qua, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra lễ dâng hương và tôn vinh 100 gương mặt trí thức tiêu biểu Việt Nam năm 2012.

Bác sỹ Đỗ Tất Cường



Trong 100 gương mặt đó, có một người đàn ông dù đã hơi ẩn ra phía sau, nhưng vẫn không thoát được sự chú ý. Không chỉ bởi khuôn mặt trẻ trung và cởi mở khiến ông nổi bật, mà còn vì đó là một người rất nổi tiếng, những cống hiến của ông cho ngành y là vô cùng nổi trội và xuất sắc.

Đó là giáo sư, tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện quân y 103 và nay là Tổng giám đốc bệnh viện Vinmec.

Tôi hẹn gặp giáo sư-bác sỹ Đỗ Tất Cường rất khó khăn bởi lịch làm việc của ông kín như bưng. Buổi gặp đầu tiên chỉ có 30 phút giữa hai cuộc họp, một về chuyên môn, một về quản lý của bệnh viện. Chưa kịp hỏi câu nào, chưa kịp để tôi xưng tên, đưa danh thiếp, ông nhìn kỹ và bảo, "qua đây tôi xem, hình như em có một chút vấn đề về tuyến giáp..."

Và cả thời gian đó là ông “thăm bệnh” cho cô phóng viên, bỗng nhiên, tôi thành người bệnh, và "bị phỏng vấn." Thời gian hết, ông bảo, bạn ghi số nhé, chúng ta sẽ chat, hoặc gọi qua Viber...

Thấy tôi ngạc nhiên về trình độ công nghệ của ông, bác sỹ Cường cười rất tươi: "Phải học chứ, và dùng công nghệ rất tiện để trao đổi ở thời buổi mà sự di chuyển và công việc chiếm của chúng ta nhiều thời gian thế này."

Và bài viết này đã được hình thành qua rất nhiều lần chat, nhiều lần điện thoại bị ngắt quãng. Tôi cũng không biết nó có thể đưa đến một phần nhỏ nhoi nào về chân dung và những thành tựu, cống hiến của người bác sỹ này không. Chỉ hy vọng rằng nó sẽ làm độc giả hiểu hơn về nghề y, như mong muốn của giáo sư-bác sỹ Đỗ Tất Cường, và chuyển tải những mong muốn tốt đẹp của ông, tấm lòng của ông với sức khỏe cộng đồng.

Định hướng nghề nghiệp bất ngờ từ lời trăn trối của mẹ

Rất thành công trong nghiên cứu y học cứu người, đã cứu sống biết bao ca bệnh hiểm nghèo, nhưng nghề y không phải là nghề ông lựa chọn ban đầu. Vị giáo sư cho hay thời đó, căn cứ vào thành tích học tập và bảng điểm thì người ta gọi ông vào ngành sư phạm văn.

Nhưng ông lại có nguyện vọng muốn vào học Đại học Bách khoa và bày tỏ điều này với bố. Khi đó, ông được bố nói điều trăn trối của mẹ trước khi mất là định hướng ông theo học ngành y.

Ông kể, ngày xưa lúc mẹ ông bị bệnh (năm 1965), ông mới học lớp 8 và mẹ đã có suy nghĩ hướng ông theo nghiệp bác sỹ. " Bà cho rằng bà có đến cả chục người con, nhất định phải có một người theo nghiệp y để chăm sóc sức khỏe cho gia đình."

Khi ấy, bà đã chia sẻ ý định đó với chồng, và nhận định, "trong từng ý đứa con, thì người làm thầy thuốc trong gia đình thích hợp nhất thì chỉ có Cường thôi." Chính mẹ đã nói với bố tôi là phải cho tôi đi học ngành y,” bác sỹ Cường kể.

Nhãn quan của người mẹ quả là tinh tường, trong khoảng chục người con, người nào cũng thành đạt , đặc biệt trong kinh doanh, thì sự định hướng thấu đáo của người mẹ này đã đem lại cho ngành y học Việt Nam một tài năng hiếm có, một tấm lòng lương y đức độ luôn xác định cho mình nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cuối năm 1967, ông vào đại học y theo lời khuyên của mẹ. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1973, bác sỹ Đỗ Tất Cường nhập ngũ nhưng Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) chọn các bác sĩ có năng lực và thành tích học tập xuất sắc để làm cán bộ giảng dạy vì nhiệm vụ này cũng rất quan trọng. Và ông được phân về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y rồi liên tục cống hiến cho y học gần 40 năm.

"Mỗi bệnh nhân đều là con số 1 đáng trân trọng"

“Nghề thầy thuốc vinh quang lắm, nhưng vất vả và những hiểu lầm dành cho bác sỹ cũng rất nhiều. Và tôi hiểu một điều rằng, mỗi bệnh nhân là một con số 1 nhỏ nhoi trong xã hội, nhưng họ lại là tất cả trong một gia đình," đó là chia sẻ đầu tiên của giáo sư-bác sỹ Đỗ Tất Cường, do ông đúc kết từ 40 năm hoạt động trong ngành y.

Từ sự ra đi rất sớm của người mẹ đã khiến ông thấm thía những nỗi đau của những gia đình phải mất đi người thân.

Hồi tưởng lại những ký ức về người mẹ đã khuất, bác sỹ Cường cho hay mẹ ông khi đó mất mới chỉ ở tuổi 39 và mất vì bị bệnh phổi. Sự ra đi của người mẹ đã để lại cho cả gia đình ông một gánh nặng lớn.

Sau này khi gắn bó với nghề y, ông nhận ra rằng với nền y học hiện đại như bây giờ thì bà không thể mất được. Vì vậy, ông luôn tâm niệm và thấu hiểu một điều rằng vai trò của người bác sỹ đối với những gia đình là rất lớn, tác động lớn đến việc mang lại hạnh phúc cho họ.

Chính điều đó cứ thôi thúc ông suốt cả cuộc đời rằng một người thầy thuốc có rất nhiều bệnh nhân và họ không thể nhớ được hết. Nhưng rõ ràng, với một gia đình, thì những bệnh nhân đó là con số 1 - con số rất nhỏ trong hàng số đếm nhưng lại là tất cả với người thân của họ.

Hạnh phúc là được cứu người

Đến nay, giáo sư Đỗ Tất Cường đã có 40 năm kinh nghiệm trong nghề chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông không chỉ là một chuyên gia hồi sức cấp cứu giỏi mà là một trong những người đầu tiên tham gia vào các ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Bắt đầu là ca ghép thận đầu tiên năm 1992, rồi ca ghép gan đầu tiên năm 2004, và năm 2010 là ca ghép tim đầu tiên. Quá trình thực hiện những công nghệ mới đó đã tôi luyện cho ông và đồng nghiệp những kinh nghiệm và bài học vô cùng quý báu.

Sau mấy chục năm hoạt động trong ngành y, ông đã gặt hái được những thành quả đáng nể. Với thành tích trong lĩnh vực ghép tạng, giáo sư Cường đã vinh dự là đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình ghép tạng và đoạt giải Nhất trong cuộc thi khoa học sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC).

Năm 2009, vượt qua 10 công trình nghiên cứu khoa học khác ở vòng chung khảo, sáng chế "Dụng cụ mở khí quản khẩn cấp TC-08" của đại tá, giáo sư-tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Tất Cường đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009) lĩnh vực y-dược. Đây là sự ghi nhận xứng đáng những nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo của ông trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

Nhờ có dụng cụ mở khí quản TC-08, giờ đây các bác sỹ hồi sức cấp cứu chỉ mất khoảng 2 phút là đã hoàn tất việc mở khí quản, từ rạch da đến luồn ống Sjoberg, lại chỉ cần 1 thủ thuật viên, trong điều kiện ánh sáng thường không cần đèn rọi.

Với đường rạch da khoảng 1,5 cm, bệnh nhân chảy máu rất ít nên không cần khâu cầm máu, không cần khâu da, không cần độn vai.

Nếu mở khí quản bằng phương pháp kinh điển (ngoại khoa) thì mất trung bình 15 đến 20 phút và cần từ 2 đến 3 thủ thuật viên; phải có đèn rọi vào vết mổ, gối độn vai; đường rạch da rộng trên 3 cm, phải khâu vết mổ 1-2 mũi; mổ tách từng lớp gây sẹo to, dễ gây chít hẹp và xẹp khí quản.

Mặc dù trên thế giới đã có dụng cụ mở khí quản qua da (thời gian mở khí quản từ 5 đến 7 phút), tiến bộ hơn phương pháp kinh điển, song phương pháp này vẫn cần tới 2 thủ thuật viên, phải độn vai, nong khí quản nhiều lần, do đó dễ gây chảy máu và tổn thương khí quản, chưa đảm bảo mở khí quản trong những trường hợp khẩn cấp.

Hơn nữa, giá nhập ngoại 1 bộ dụng cụ mở khí quản (dùng 1 lần) từ Pháp hoặc Mỹ cỡ khoảng 300 USD, rất tốn kém đối với bệnh nhân.

Với thành tựu này, ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế “Dụng cụ mở khí quản khẩn cấp TC-08.”

Nhưng, với người bác sỹ dáng nhanh nhẹn, luôn có khuôn mặt phúc hậu và ánh nhìn đầy sự quan tâm thì hạnh phúc nhất, cũng là thành tựu mà ông cho là quan trọng nhất của mình, chính là cứu sống được những bệnh nhân, trả họ về cho gia đình cũng như mang lại sức khỏe cho thật nhiều người cần đến mình.

Kể về những kỷ niệm trong nghiệp y của mình, bác sỹ Cường tâm sự có những cuộc phẫu thuật kéo dài hơn chục tiếng đồng hồ đầy căng thẳng khiến các bác sỹ không chỉ không được ăn mà còn quên cả uống nước. Chẳng hạn như cuộc đứng mổ ghép gan kéo dài tới 17 tiếng và sau đó là giai đoạn hồi sức theo dõi chống thải ghép chặt chẽ 24/24h liên tục nhiều ngày mà ngay cả nhạc phụ của ông ốm nặng nằm viện và ông buộc phải nhờ đồng nghiệp chăm sóc và điều trị.

Hay trường hợp một công nhân làm tại nhà máy điện Hòa Bình bị chiếc máy phát điện ép nát lồng ngực. "Tôi vẫn nhớ như in ca phẫu thuật ấy, bởi lồng ngực của người công nhân như một chiếc bu gà cũ đã bị giập nát." Để cứu tính mạng của bệnh nhân, suốt cả đêm hôm ấy ông và cả kíp mổ không ăn gì.

Ca cấp cứu, phẫu thuật cho người công nhân đó được ông và các đồng nghiệp tiến hành suốt từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Điều vui mừng là sau một tuần được cứu chữa, người công nhân ấy đã bình phục và được ra viện!

Y đức - rất cần cái nhìn công bằng và sự cảm thông

Tâm sự về nghề nghiệp, bác sỹ Cường bày tỏ nhiều điều trăn trở về đạo đức của những người bác sỹ mà dường như nhiều người không hiểu để sẻ chia. Ông bảo, đã có lúc chính những người bệnh lại đặt các bác sỹ vào tình huống khó xử.

Ông nhớ lại: “Mấy năm trước, khi tôi đang đi giữa sân của bệnh viện, đột nhiên tôi thấy có một người không hiểu là người bệnh hay người nhà của bệnh nhân chạy lại và nhét vào túi một bác sĩ chiếc phong bì. Bác sĩ ngỡ ngang không kịp phản ứng thì người đó đã chạy mất. Tôi cảm nhận sự khó xử của bác sĩ này.” Những trường hợp đó, khiến người ngoài nhìn vào rất khó hiểu, và hiểu sai về người bác sỹ.

Trong đời y của mình ông bảo cũng không phải là không có lúc làm mình trăn trở, áy náy. Có rất nhiều người bệnh vì nhiều lý do không cứu được. Mỗi người bệnh chỉ là một cá thể nhỏ, người bác sỹ cũng chỉ có thời gian như mọi người. Không thể nói với một bệnh nhân là vì tôi đang bận phải chữa cho rất nhiều người bệnh đang đợi mà không chữa cho họ, không quan tâm tận lòng đến họ.”

“Đó là cái khổ cũng là cái vinh quang của thầy thuốc, người ta đặt hết niềm tin vào mình," ông bộc bạch. Vì vậy, vị bác sỹ này mong rằng một chút nào đó, những người bệnh cũng phải chia sẻ, cảm thông với các bác sỹ, bởi họ cũng chỉ có quỹ thời gian như mọi người.

Không có nghề nào đòi hỏi phải học nhiều, học cả đời, tính kỷ luật chính xác cao và cái tâm với nghề như nghề thầy thuốc, bác sỹ Cường tâm sự. Với người làm ngành y, vì sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân mà phải gác lại hết những công việc riêng, kể cả những cuộc hẹn liên quan đến nhân duyên cuộc đời, hay giỗ chạp, Tết nhất...

Hỏi về kinh nghiệm mà ông muốn gửi đến lứa học trò, giáo sư-bác sỹ Đỗ Tất Cường bộc bạch áp lực công việc nghề y vô cùng cao nên giữ được thăng bằng tâm lý, giữ được thái độ đúng mực với người bệnh, và cả người nhà nữa là một đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt để người bác sỹ phải cố gắng, phải phấn đấu suốt đời.

Một câu nói, một ánh nhìn, một cử chỉ... cũng có thể tác động tốt hoặc xấu đến người bệnh cũng như tâm lý của họ và gia đình. Có khi chỉ vì lỡ lời, mà gây cho người bệnh nhiều hệ luỵ, bởi khi người ta phải đến bác sỹ là mang sẵn tâm lý hoang mang rồi.

Nên, không chỉ là trau dồi học thuật, nghề nghiệp mà người bác sỹ còn phải luôn giữ cho tâm vững, học cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà họ như những nhà ngoại giao khéo léo. Để bệnh nhân vững tin sẽ được khỏi bệnh, chính là đã góp phần lớn việc cứu, chữa bệnh rồi...

"Một nghề đầy vất vả, nhưng tôi rất biết ơn mẹ đã nhìn nhận ra được đúng nghề cho mình." Trong tất cả những người con danh tiếng của gia đình đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử, giáo sư-bác sỹ Đỗ Tất Cường luôn được các anh chị em "ghen tỵ" vì là thầy, là người được mẹ chọn nghề, với rất nhiều thành tựu y học, khoa học để đời mà "kinh doanh cũng chẳng thua kém ai!"

Và sau chốt, vị bác sỹ này khẳng định, nếu được lựa chọn lại, ông sẽ vẫn chọn cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan