Tìm hiểu về vật lý trị liệu hô hấp ở trẻ em

VỖ RUNG LONG ĐỜM

Viêm nhiễm đường hô hấp là bệnh thường gặp ở trẻ khiến mũi, hầu, họng của trẻ sẽ phù nề và xuất tiết đờm nhớt. Nếu không được hỗ trợ để loại bỏ, xuất ra, đờm nhớt sẽ ứ đọng gây nhiễm khuẩn, khiến trẻ bỏ ăn, nôn ói, khó thở, thở khò khè kèm triệu chứng ho và sốt. Theo nghiên cứu, có khoảng hơn 30-40% trẻ có ít nhất một lần bị viêm nhiễm đường hô hấp trong đời.

Hiện nay vật lý trị liệu hô hấp hay còn được gọi là kỹ thuật vỗ rung long đờm là một trong những phương pháp điều trị viêm nhiễm đường hô hấp hiệu quả nhất. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật vỗ rung long đờm trong bài viết dưới đây.

1. Vỗ rung long đờm l à gì?

Là phương pháp vật lý, hoặc bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai để giúp cải thiện hiệu quả của hô hấp, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, và đào thải, bài trừ các chất tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.

Vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở. Phương pháp này được áp dụng trong một số bệnh lý về đường hô hấp như:

  • Viêm nghẹt mũi
  • Viêm tiểu phế quản
  • Viêm xẹp thùy phổi
  • Các bệnh lý về đường hô hấp khiến trẻ bị ứ đọng đờm nhớt, làm tắc nghẽn đường hô hấp
  • Các bệnh mãn tính gây ứ đọng đờm nhớt như bại não, bệnh thần kinh – cơ, một số bệnh hô hấp mãn tính,...
  • Xẹp phổi do ứ đọng đàm nhớt
  • Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực

Phương pháp này giúp đường thở được thông thoáng khiến trẻ thở dễ dàng hơn, giảm khò khè và giảm nôn ói. Đồng thời, phương pháp này giúp giải phóng những đờm nhớt ứ đọng trong khí quản, phế quản, khiến sẽ dễ chịu hơn và bú mẹ, ăn sẽ tốt hơn.

2. 4 bước trong 1 lần thực hiện vỗ rung long đờm

Ba mẹ nên cho bé nhịn ăn trước khi thực hiện kỹ thuật khoảng hai giờ, nên phun khí dung cho trẻ trước khi đến để làm đờm loãng ra, dễ dàng tống xuất hơn. Sau khi thực hiện kỹ thuật này, ba mẹ nên ôm ấp vỗ về để bé giảm khóc, giảm có chịu, có thể cho bé uống nước ấm và 10 sau khi thực hiện mới được cho bé bú, ăn.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bé mà Bác sĩ sẽ chỉ định số lần thực hiện điều trị cho bé. Thông thường, thời gian thực hiện vỗ rung long đờm cho bé là khoảng 10-15 phút mỗi lần với 4 bước:

  • Thông mũi họng
    • Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn, mẹ đứng phía chân trẻ, giữ hai tay bé.
    • Kỹ thuật viên vật lý trị liệu để trẻ nằm nghiêng đầu về một bên, dùng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) bơm vào phía trên lỗ mũi, tạo dòng chảy liên tục từ khoang mũi trên xuống khoang mũi dưới, nhằm làm đàm nhớt loãng ra để dễ dàng đưa đàm nhớt và đưa các chất tiết ra ngoài qua khoang mũi dưới.
  • Hỉ mũi
    • Giúp tống xuất đờm nhớt tại vùng mũi - trên hầu họng ra ngoài.
    • Thực hiện bằng cách bịt lỗ mũi trên đồng thời dùng ngón tay trỏ đóng kín miệng trẻ lại khiến đờm sẽ được tống xuất ra lỗ mũi dưới, dùng giấy mềm lau sạch, tiếp tục bơm nước muối và hỉ mũi cho đến khi thấy không còn dịch mũi chảy ra.
  • Chặn gốc lưỡi
    • Giúp đẩy đàm từ vùng hầu họng ra khỏi miệng.
    • Đặt trẻ nằm ngửa, ở đầu thì hít vào dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, đồng thời tay kia dùng ngón tay cái chặn ngay góc lưỡi lại cho trẻ hít đờm giãi xuống miệng
    • Thực hiện tương tự với lỗ mũi còn lại.
    • Khi quan sát thấy trẻ chuẩn bị thở ra, kỹ thuật viên dùng ngón cái đặt dưới gốc lưỡi rồi dùng lực nhẹ nhàng di chuyển ngón cái để đưa đàm nhớt và các chất tiết từ hầu họng ra khỏi miệng nhờ lực đẩy của dòng không khí đang thở ra.
  • Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra AFE (Acceleration du Flux Expiratoire)
    • Được thực hiện nhằm tống xuất đờm nhớt còn lại ở phần gần đường dẫn khí như khí quản và phế quản lớn. Kỹ thuật này tạo ra một lực đẩy mạnh luồng không khí trong phổi ra ngoài với vận tốc gần như vận tốc của cơn ho.
    • Kỹ thuật viên đặt một tay ở xương sườn cuối, tay còn lại đặt trên ngực trẻ. Khi trẻ bắt đầu thở ra, kỹ thuật viên sẽ trợ giúp một lực nhẹ nhàng đến khi trẻ gần kết thúc thì thở ra.
    • Động tác trên sẽ thực hiện 5 lần, sau đó sẽ kích thích ho để tống đờm nhớt ra ngoài

Khi thực hiện phương pháp vỗ rung long đờm , trẻ thường sẽ khóc nhiều vì cảm giác khó chịu ngay từ khi kỹ thuật viên bơm nước muối vào mũi. Các thao tác của kỹ thuật thực hiện với 4 bước trên hoàn toàn không làm trẻ đau. Tuy nhiên, chính phản xạ khóc của trẻ giúp việc tống xuất đờm dễ dàng hơn, trẻ càng khóc lớn, đờm nhớt càng được đẩy ra nhiều và nhanh. Nếu trẻ khóc nhiều hơn, rất có thể co thắt đường thở, lúc này kỹ thuật viên cùng cha mẹ sẽ vỗ về trẻ để trẻ thấy dễ chịu hơn và dễ dàng thực hiện kỹ thuật.

3. Ba mẹ có nên thực hiện vỗ rung long đờm tại nhà cho trẻ?

Cha mẹ hoàn toàn không nên tự thực hiện kỹ thuật vỗ rung long đờm tại nhà. Phương pháp này chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn sâu.

Một số việc cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp bé mau khỏi bệnh:

  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon hơn và ăn dễ hơn. Trước khi nhỏ mũi cho trẻ, cha mẹ nên rửa tay sạch sẽ.
  • Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ; tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để đờm loãng ra.
  • Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và không biếng ăn.
  • Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường.
  • Hạn chế việc mẹ dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong khoang miệng của mẹ có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp cấp cứu.
  • Khi bị viêm hô hấp, trẻ thường ho hoặc ói, đây là phản xạ tự nhiên để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Khi đó, cha mẹ nên hỗ trợ trẻ xuất đờm bằng cách vỗ lưng trẻ.
  • Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho mà không có chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa vì sẽ khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài.

MỘT SỐ LƯU Ý:

  • Vỗ rung long đờm là một biện pháp điều trị hỗ trợ, không phải là biện pháp điều trị nguyên nhân.
  • Tổng hợp và phân tích kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy rằng vật lý trị liệu hô hấp không làm thay đổi diễn tiến của hai nguyên nhân gây ho có đờm quan trọng và phổ biến ở trẻ nhỏ là viêm phổi và viêm tiểu phế quản không có biến chứng xẹp phổi.
  • Đối với các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp đơn thuần, kể cả viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản không có biến chứng do ứ đọng đàm nhớt, không được thực hiện vỗ rung long đờm cho trẻ.
  • Không phải khi nào trẻ mắc bệnh hô hấp cũng cần phải tập vật lý trị liệu hô hấp , ngay cả trong nhiều trường hợp trẻ thật sự có đờm. Ví dụ: bệnh nhân hen suyễn, không phải lúc nào cũng nên tập vật lý trị liệu dù cũng là ho có đàm. Đặc biệt cần lưu ý là khi bệnh nhân đang lên cơn suyễn (thường có biểu hiện ho, nặng ngực, khò khè, khó thở) thì không nên tập vật lý trị liệu vì không hiệu qủa và có khi lại làm nặng hơn tình trạng khó thở của trẻ.

Vì vậy, trẻ cần được khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ VINMEC ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: Đường 30 tháng 4, Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương, Phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Số Hotline: 0236 3711 111

Bài viết này được viết cho người đọc tại Đà Nẵng.

828 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan