Bổ sung sắt bằng thuốc có thể là dao 2 lưỡi

Thắc mắc được giải đáp bởi Bác sĩ, Tiến sĩ Dương Bá Trực - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 20% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu sắt. Trong khi vấn đề suy dinh dưỡng, protein, năng lượng được cộng đồng quan tâm thì tình trạng thiếu sắt gây ra thiếu máu lại chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh thiếu sắt hay lạm dụng thuốc có sắt đều có tác hại và gây hậu quả xấu đến sức khỏe của trẻ em. VOV giao thông đã trò chuyện với chuyên gia hơn 30 năm kinh nghiệm về lĩnh vực huyết học ở trẻ em - TS, BS Dương Bá Trực – Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec về vấn đề này.

Thưa bác sĩ, biểu hiện của tình trạng thiếu sắt ở trẻ em như thế nào?

Nếu thiếu nhẹ, ban đầu, biểu hiện thiếu sắt ngắn thì trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt để nhận biết. Khi tình trạng thiếu sắt kéo dài, ở mức độ nặng thì biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ mệt mỏi, kém ăn, da xanh, niêm mạc nhợt, sức chống đỡ với bệnh tật kém; thay đổi ở móng tay, móng chân dễ gãy. Thiếu máu nặng thì trẻ còn có nhiều biểu hiện khác như tóc khô, trẻ hay bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ sinh non, cân nặng thấp hoặc mẹ bị thiếu máu khi mang thai rất dễ bị thiếu máu, thiếu sắt.

Bổ sung sắt bằng thuốc

Vậy tình trạng thiếu máu là do nguyên nhân gì? Bệnh sẽ dẫn đến những hậu quả nào?

Nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu ở trẻ em cũng như phụ nữ mang thai là vấn đề thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng

  • Do trẻ không có đủ dự trữ sắt khi sinh ra từ mẹ. Nếu mẹ bị thiếu máu, thiếu sắt trong thời gian mang thai thì trẻ rất dễ bị thiếu máu sau khi sinh ra.
  • Trẻ hay bị nhiễm khuẩn liên tục nên dinh dưỡng kém, kém hấp thu, làm sắt trong cơ thể không sử dụng được.
  • Ngoài ra, ở nước ta có tỉ lệ thiếu máu là do biến đổi gen di truyền, gây nên bệnh Thalassemia - bệnh di truyền không tổng hợp được chuỗi globin trong hồng cầu.

Tất cả các nguyên nhân thiếu máu lâu dài đó sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất. Khi trẻ đang bị nhiễm khuẩn thì dùng thuốc có sắt sẽ không có lợi cho trẻ. Do đó, không được dùng thuốc có sắt vì có thể làm nhiễm trùng nặng hơn. Thừa sắt cũng có tác hại không kém gì thiếu sắt vì sắt là kim loại nặng gây độc cho mô cho tế bào. Vì vậy nếu trẻ có thiếu máu, thiếu sắt nhẹ nên có chế độ ăn uống dinh dưỡng đủ sắt, vitamin C.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thuốc hoặc sản phẩm quảng cáo bổ sung sắt. Vậy bác sĩ có thể nói rõ khi nào cần uống thuốc sắt?

Tôi xin nhấn mạnh là khi trẻ thiếu sắt ở mức độ vừa thì cần bổ sung sắt cho trẻ, nhưng khi bổ sung sắt bằng thuốc thì bác sĩ phải cân nhắc. Khi trẻ thiếu sắt ở mức độ nhẹ thì tốt nhất là bác sĩ nên tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ, cho ăn những thức ăn giàu sắt để hấp thu sắt qua thức ăn. Trường hợp trẻ bị thiếu máu ở mức độ vừa đến mức độ nặng cần phải bổ sung sắt một cách nhanh chóng thì cần đặt ra việc sử dụng thuốc có sắt, nhưng phải được đánh giá qua các xét nghiệm, kinh nghiệm của bác sĩ và tình trạng thực tế của trẻ. Hiện nay, một số bác sĩ có chỉ định sắt theo tôi là quá rộng, có nơi còn cho sắt như một loại thuốc bổ phổ thông. Điều đó không tốt vì như trên đã nói thừa sắt cũng có tác hại không kém thiếu sắt. Tôi xin nhấn mạnh trẻ đang nhiễm trùng thì không nên bổ sung sắt vì có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan