Nhịp tim nhanh kèm mệt mỏi có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em đã khám tim do thỉnh thoảng nhói đau vùng tim và mạch nhanh 110 nhịp/ phút, người mệt mỏi. Nhưng khi khám tổng quát ở viện tim như siêu âm, thử máu, điện tim, test gắng sức. Bác sĩ kết luận là không sao nhưng lâu lâu tôi vẫn thấy nhịp tim lên 90 khi làm việc nhẹ, người mệt. Vậy bác sĩ cho em hỏi nhịp tim nhanh kèm mệt mỏi có sao không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nhịp tim nhanh kèm mệt mỏi có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Một số biểu hiện của nhịp tim nhanh:

  • Hồi hộp.
  • Hụt hơi.
  • Tim “rung rinh” trong lồng ngực.
  • Nhịp đập quá nhanh.

Cảm giác này có thể nhận thấy ở vùng họng, vùng cổ hoặc ở ngực, có thể xảy ra lúc vận động hoặc khi nghỉ ngơi.

Khi nào cần khám bác sĩ chuyên khoa: Thông thường, cảm giác này sẽ không thường xuyên và thoáng qua, nếu chỉ vài giây thì chưa cần thăm khám chuyên khoa. Nếu bạn đã có tiền sử về bệnh tim hoặc nhịp tim nhanh này xảy ra thường xuyên, hoặc tình trạng ngày càng tệ hơn, nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ cân nhắc làm các chỉ định xét nghiệm/hình ảnh để tìm nguyên nhân cho hiện tượng này.

Nên tìm hiểu các thông tin về các bệnh viện có khả năng cấp cứu ngay nếu tim đập nhanh đi kèm:

  • Đau thắt ngực.
  • Ngất.
  • Khó thở nhiều.
  • Chóng mặt lảo đảo.

Thông thường nguyên nhân của tim đập nhanh chưa thể tìm ra ngay nếu bạn đã ra cơn nhịp nhanh khi đến bác sĩ, vài nguyên nhân thường gặp:

  • Xúc động mạnh, căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ.
  • Trầm cảm.
  • Tập luyện thể lực nặng.
  • Dùng chất kích thích ví dụ: caffeine, nicotine, cocaine, amphetamines, thuốc cảm cúm, thuốc ho có chứa pseudoephedrine.
  • Sốt.
  • Thay đổi hormone do rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang mang thai.
  • Cường giáp, suy giáp.

Vô tình nhịp tim nhanh có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn ví dụ rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp tim là một thuật ngữ chuyên ngành để chỉ tình trạng cơn nhịp nhanh, hội chứng nhịp nhanh - nhịp chậm, hoặc nhịp tim không đều.

Sau đây là các yếu tố có thể khởi phát tim đập nhanh:

  • Quá căng thẳng.
  • Rối loạn lo âu hoặc thường hoảng sợ vô cớ.
  • Thai kỳ.
  • Sử dụng thuốc (chất kích thích, thuốc cảm ho, hoặc thuốc trị hen/suyễn).
  • Cường giáp.
  • Rối loạn nhịp tim, tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim cũ, đã phẫu thuật tim trước đây,...

Ngoại trừ có bệnh tim đi kèm, thông thường nhịp tim nhanh chỉ gây 1 vài biến chứng nhẹ. Đối với người có vấn đề về tim mạch, các biến chứng nặng như sau:

  • Ngất: Khi tim đập quá nhanh sẽ xảy ra tình trạng huyết áp tụt đột ngột gây ngất. Có vẻ như đã có vấn đề tim mạch nặng ví dụ bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh hay cơn nhịp nhanh,...
  • Ngưng tim: Dù là hiếm gặp nhưng cơn nhịp nhanh có thể đe dọa tính mạng và làm tim ngưng đập.
  • Đột quỵ: thường gặp trong rung nhĩ, dễ hình thành cục máu đông, gây tắc mạch não
  • Suy tim: Giảm chức năng co bóp của tim lâu dài gây rối loạn nhịp tim (nhanh thất, rung thất, rung nhĩ,...) có thể gây nên các tình trạng biến chứng trên.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và khai thác bệnh sử, nếu cần thiết Bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh, thăm dò chức năng để tìm nguyên nhân, vài xét nghiệm rất cơ bản:

  • ECG (Điện tâm đồ): Giúp phát hiện nhịp tim đều hoặc không đều, các hội chứng liên quan đến bệnh lý rối loạn nhịp. ECG có thể đo khi bệnh nhân nghỉ tĩnh hoặc khi bệnh nhân gắng sức.
  • Holter điện tâm đồ: Bệnh viện sẽ cung cấp một dụng cụ có thể tháo lắp được cho bệnh nhân đeo từ 24 - 72 giờ, các dữ kiện về nhịp tim sẽ được ghi nhận giúp phát hiện các cơn nhịp tim nhanh, điều mà ECG hạn chế.
  • Siêu âm tim: Cung cấp chi tiết về hình ảnh học và chức năng co bóp của tim.
  • Và các xét nghiệm cần thiết khác (tùy vào thăm khám).

Nếu không tìm được nguyên nhân, bác sĩ chuyên khoa ít khi kê toa mà thường chỉ khuyên tránh những nguyên nhân khởi phát nhịp tim nhanh (liệt kê trên). Điều trị đặc hiệu sẽ chuyên biệt cho từng loại bệnh tim cụ thể.

Thông điệp giáo dục sức khỏe:

  • Giảm căng thẳng: Thư giãn, tập thể dục, tập hít thở,...
  • Tránh dùng chất kích thích
  • Tránh các thuốc, chất gây nghiện

Trong trường hợp của bạn đã khám chuyên sâu Tim mạch kiểm tra và kết luận không thấy bất thường, bạn nên cần loại trừ bệnh lý tuyến giáp như cường giáp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, người mệt mỏi. Nên siêu âm tuyến giáp và làm xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp như FT3 FT4 và TSH.

Nếu bạn còn thắc mắc về nhịp tim nhanh kèm mệt mỏi, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

128 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan