Ưu - nhược điểm của nong mạch vành

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Kỹ thuật nong mạch vành là kỹ thuật can thiệp tim mạch được sử dụng để nong các động mạch vành bị chặn hoặc thu hẹp do các mảng xơ vữa gây ra. Hầu hết các thủ thuật nong mạch ngày này có kết hợp thêm chèn lưới kim loại hay còn gọi là stent vào động mạch.

1. Khi nào bệnh nhân được chỉ định nong mạch vành?

Nong mạch vành được sử dụng để điều trị một loại bệnh tim được gọi là xơ vữa động mạch (tên tiếng Anh là atherosclerosis). Xơ vữa động mạch là sự tích tụ các mảng mỡ trong mạch máu của tim. Bác sĩ có thể chỉ định nong mạch vành khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả như thuốc hoặc thay đổi lối sống không đủ để cải thiện sức khỏe tim mạch hoặc nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc các triệu chứng khác.

Kỹ thuật nong mạch vành không dành cho tất cả người bệnh có xơ vữa động mạch. Nếu mức độ xơ vữa nhẹ, chưa đến mức cần can thiệp hoặc phẫu thuật, bạn sẽ được bác sĩ điều trị nội khoa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm nặng lên bệnh lý xơ vữa động mạch.

Nếu bạn bị tiểu đường và tắc nghẽn mạch vành nhiều lần, hoặc tổn thương nhiều nhánh mạch vành phức tạp không phù hợp cho nong bóng và đặt stent mạch vành, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Việc cân nhắc quyết định phẫu thuật nong mạch hay phẫu thuật bắc cầu sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh tim và tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn. Một số bệnh nhân có bệnh lý phối hợp quá nặng hoặc kỳ vọng sống ngắn, nên cân nhắc điều trị nội khoa giảm nhẹ vì nguy cơ của can thiệp/phẫu thuật ở những bệnh nhân này rất cao

2. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật nong mạch vành

Nong mạch vành và đặt stent: Chỉ định, quy trình thực hiện, biến chứng có thể xảy ra
Kỹ thuật nong mạch vành và đặt stent là kỹ thuật ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

2.1 Về ưu điểm

Kỹ thuật nong mạch vành và đặt stent là kỹ thuật ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Việc phục hồi sau thực hiện nong mạch thường nhanh hơn nhiều và bệnh nhân có thể xuất viện và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vòng một hoặc hai ngày sau khi được nong mạch. Một số lợi ích quan trọng nhất của thủ thuật nong mạch vành bao gồm:

  • Kỹ thuật này được chỉ định khi người bệnh có cơn đau tim đe dọa tính mạng thì phương pháp nong mạch thực hiện nhanh chóng việc khôi phục lưu lượng máu đến tim và gia tăng khả năng cứu sống người bệnh vượt cơn nguy kịch.
  • Kỹ thuật này làm giảm các triệu chứng của bệnh tim.
  • Kỹ thuật này làm giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
  • Kỹ thuật này cải thiện chức năng thận.
  • Kỹ thuật này ngăn ngừa hoại thư (gangrene) bằng cách tăng lưu lượng máu đến chân.

2.2 Về nhược điểm

Mặc dù nong mạch vành là kỹ thuật ít xâm lấn để mở rộng các động mạch bị tắc hơn so với phẫu thuật bắc cầu, nhưng thủ thuật này vẫn có một số rủi ro nhất định.

Những rủi ro nong mạch vành phổ biến nhất bao gồm:

  • Tái thu hẹp động mạch (restenosis). Với nong mạch đơn thuần mà không đặt stent thì khoảng 30% người bệnh sẽ bị tái thu hẹp động mạch. Do đó, đặt stent giảm được nguy cơ này. Stent kim loại trần (Bare-metal stents) làm giảm nguy cơ tái thu hẹp xuống khoảng 15% và nếu sử dụng stent phủ thuốc (drug-eluting stents) thì tỷ lệ chỉ còn 10%.
  • Cục máu đông: Các cục máu đông có thể hình thành trong stent ngay cả đã được đặt stent mạch vành. Những cục máu đông này có thể chặn dòng máu chảy trong động mạch, gây ra triệu chứng đau tim. Điều quan trọng là người bệnh phải dùng aspirin, clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient) hoặc một loại thuốc khác giúp giảm nguy cơ đông máu đúng theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong stent. Nói chuyện với bác sĩ điều trị về thời gian cần thiết để sử dụng các loại thuốc này. Bạn không bao giờ ngừng các loại thuốc này mà không được phép của bác sĩ.
  • Chảy máu: Bạn có thể bị chảy máu ở chân hoặc cánh tay nơi đặt ống thông. Thông thường ở vị trí này chỉ đơn giản là một vết bầm tím, nhưng đôi khi chảy máu nghiêm trọng xảy ra và có thể phải truyền máu hoặc phẫu thuật.

Mặc dù không có một phương pháp điều trị bệnh tim mạch nào phù hợp với tất cả các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Nhưng kỹ thuật nong mạch vành và đặt stent đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả cao, ít xâm lấn nên giảm đau, hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, trong khi nong mạch vành có thể là một phương pháp lý tưởng cho nhiều người nhưng không phải là lựa chọn tốt nhất cho mọi bệnh nhân, do đó bạn nên luôn thảo luận về các phương pháp điều trị với bác sĩ.

3. Phòng bệnh sau nong mạch vành

Cái cân
Giảm mức cholesterol trong máu, duy trì cân nặng ở mức phù hợp để phòng bệnh sau nong mạch vành

Để giữ cho trái tim khỏe mạnh sau khi nong mạch vành, bạn nên:

  • Bỏ hút thuốc
  • Giảm mức cholesterol trong máu
  • Duy trì cân nặng
  • Kiểm soát các bệnh khác, như bệnh tiểu đường và huyết áp cao
  • Tập thể dục thường xuyên

Chụp mạch vànhcan thiệp mạch vành đặt stent với tỷ lệ thành công cao trên 95%, biến chứng tai biến mạch máu não: 0%, biến chứng nhồi máu cơ tim cấp sau thủ thuật: 0,5%, biến chứng chảy máu sau phẫu thuật: 0,8%, tỷ lệ tử vong 0,6%. Để được kết quả này kỹ thuật Nong mạch vành và đặt stent đòi hỏi trình độ kinh nghiệm chuyên môn cao từ các bác sĩ và sự phối hợp từ bệnh nhân để ca phẫu thuật có thể diễn ra thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan