Tìm hiểu về rối loạn lipid máu hỗn hợp

Rối loạn lipid máu hỗn hợp là một sự kết hợp giữa tăng Cholesterol toàn phần (TC), tăng Cholesterol - lipoprotein có tỷ trọng thấp (LDL-C) với tăng Triglyceride (TG) và giảm Cholesterol - lipoprotein có tỷ trọng cao (HDL-C). Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do một số rối loạn di truyền, bệnh lý đái tháo đường, dùng các thuốc ức chế miễn dịch,...

1. Nguyên nhân rối loạn lipid máu hỗn hợp

1.1. Nguyên nhân rối loạn lipid máu nguyên phát

Do đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức TC, TG, LDL-C hoặc giảm thanh thải TC, TG, LDL-C hay giảm tổng hợp HDL-c hoặc tăng thanh thải HDL-L.

Rối loạn lipid máu hỗn hợp nguyên phát thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi gồm các trường hợp dưới đây:

  • Trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh rối loạn lipid máu, là bệnh cảnh di truyền.
  • Đối tượng có tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein. Lâm sàng thường béo phì, u vàng hoặc ban vàng trên da hoặc trên gân, đái tháo đường kháng insulin, người bệnh tăng acid uric máu.

1.2. Nguyên nhân rối loạn lipid máu thứ phát

  • Nguyên nhân của rối loạn lipid máu hỗn hợp thứ phát do lối sống tĩnh tại, dùng nhiều bia, rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa.
  • Đái tháo đường: Do hoạt tính enzyme lipoprotein lipase giảm nên thường gây tăng TG máu.
  • Cường cortisol (Hội chứng Cushing): Do hoạt tính enzyme lipoprotein lipase giảm, giảm dị hóa các lipoprotein gây tăng lipid máu hỗn hợp.
  • Sử dụng Estrogen: Phụ nữ sử dụng estrogen trong thời gian dài sẽ có sự gia tăng Triglycerid (TG) do tăng tổng hợp VLDL. Trong thời gian phụ nữ mang thai làm cho nồng độ estrogen tăng, từ đó cũng làm gia tăng nồng độ TG gấp 2-3 lần bình thường và sau khi sinh khoảng 6 tuần sẽ trở về mức TG bình thường.
  • Nghiện rượu: làm rối loạn lipid máu hỗn hợp, chủ yếu tăng TG
  • Bệnh thận: trong hội chứng thận hư, tăng VLDL và LDL-C do gan tăng tổng hợp để bù và lượng protein máu giảm do protein bị thải qua nước tiểu. Do albumin máu giảm nên acid béo tự do gắn với albumin cũng giảm, làm tăng acid béo tự do trong máu, các acid béo tự do này gắn vào lipoprotein làm cho sự thủy phân TG của các lipoprotein này bị giảm đi, gây ra tăng TG.

2. Điều trị rối loạn lipid máu hỗn hợp như thế nào?

2.1. Nguyên tắc chung điều trị rối loạn lipid máu hỗn hợp

  • Điều trị rối loạn lipid máu hỗn hợp cần phải kết hợp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Thay đổi lối sống là bắt buộc và ưu tiên hàng đầu, bao gồm tăng cường vận động thể lực, nhất là những người làm công việc tĩnh tại, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý với thể trạng người bệnh và tính chất công việc.
  • Ngày nay để chọn lựa kế hoạch điều trị thích hợp, các chuyên gia thường dựa trên các hướng dẫn của Chương trình Giáo dục Quốc gia về Cholesterol tại Mỹ báo cáo lần ba (NCEP-National Cholesterol Education program), Ủy ban điều trị tăng Cholesterol ở người trưởng thành (ATP III-Adult Treatment Panel III) và NCEP dựa trên nguy cơ tương đối của bệnh lý mạch vành trên lâm sàng.

2.2. Các nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu

Nhóm statin (HMG-CoA reductase inhibitors)

  • Tác dụng: Ức chế enzym tổng hợp Cholesterol toàn phần (TC), làm giảm TC nội sinh, ngoài ra statin còn kích thích tăng tổng hợp thụ thể của cholesterol- lipoprotein có tỷ trọng thấp (LDL-C) nên tăng giữ LDL-C tại gan. Kết quả là làm giảm LDL-C, VLDL, TC, Triglycerid (TG) và tăng cholesterol –lipoprotein có tỷ trọng cao (HDL-C). Nhóm statin còn làm tăng tổng hợp nitric oxide (NO) của tế bào nội mạc mạch máu, giảm quá trình viêm của nội mạc mạch máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa.

Một số tên thuốc hay dùng và liều lượng:

  • Atorvastatin
  • Rosuvastatin
  • Simvastatin
  • Pitavastatin
  • Pravastatin
  • Lovastatin

Chỉ định: tăng LDL-c, tăng TC.

Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc statin: Gây tăng men cơ khi dùng statin liều cao, hoặc dùng thuốc ở cơ địa người già, hoặc người bệnh đang dùng nhiều loại thuốc như kháng sinh nhóm macrolid. Thận trọng dùng statin đối với người bệnh có bệnh lý gan.

Nhóm Fibrate

Tác dụng: Tăng oxy hóa acid béo, tăng tổng hợp enzyme LPL làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu Triglyceride (TG). Nhóm thuốc Fibrat ức chế tổng hợp apoC-III ở gan và thúc đẩy trình diện apoA-I và apoA-II, từ đó làm tăng thanh thải VLDL và tăng HDL-C.

Một số tên thuốc thường sử dụng:

  • Gemfibrozil
  • Clofibrate
  • Fenofibrate

Chỉ định điều trị: tăng TG.

Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc Fibrat: Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, tăng men gan, tăng nguy cơ sỏi mật, tăng men cơ ( men CK), phát ban. Tác dụng phụ thường xảy ra ở đối tượng dùng liều cao, người già, hoặc người có bệnh lý gan, thận trước đó. Nhóm thuốc Fibrat làm tăng tác dụng thuốc chống đông, đặc biệt là nhóm kháng vitamin K, không sử dụng cho người suy gan, suy thận, phụ nữ có thai và cho con bú.

Nhóm acid Nicotinic (Dilexpal, Novacyl).

Tác dụng: Thuốc ức chế phân hủy từ tổ chức mỡ và giảm tổng hợp Triglycerid (TG) ở gan, từ đó giảm nồng độ TG trong máu. Ngoài ra, nhóm acid Nicotinic còn ức chế tổng hợp và ester hóa acid béo tại gan và tăng thoái biến apoB, giảm thanh thải apoA-I, kết quả là làm giảm VLDL, giảm LDL-C, và tăng HDL-C.

Chỉ định: Người bệnh tăng Triglycerid (TG), tăng LDL-C, giảm HDL-C.

Tác dụng không mong muốn: đỏ phừng mặt, ngứa, rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng men cơ, phát ban, tăng đề kháng insulin. Do dùng liều cao và có nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên thuốc ít được dùng ở nước ta hiện nay.

Nhóm Resin- bản chất là các nhựa trao đổi ion

Tác dụng: Thuốc uống không bị hấp thu qua niêm mạc ruột, không bị các men tiêu hóa tác động, có khả năng trao đổi ion Cl với acid mật, acid mật khi ở dạng liên kết không bị hấp thu trở lại mà được đào thải ra ngoài theo phân. Nhóm resin cắt chu trình ruột-gan của acid mật và làm giảm cholesterol, LDL-C, tăng nhẹ HDL-C

Một số tên thuốc thường dùng:

  • Cholestyramine
  • Colestipol liều
  • Colesevelam

Chỉ định trong trường hợp tăng LDL-c, cholesterol.

Tác dụng không mong muốn: Rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, táo bón, cản trở hấp thu các vitamin tan trong lipid và một số thuốc khác khi đi qua ruột (như thuốc chống đông, hormon tuyến giáp, thuốc tim mạch digitalis).

Chống chỉ định: Suy gan, tắc đường dẫn mật, táo bón nhiều.

Ezetimibe

  • Tác dụng: Thuốc Ezetimibe ức chế hấp thụ Cholesterol toàn phần (TC) tại ruột, từ đó làm giảm TC, LDL-C.
  • Chỉ định: tăng LDL-c.
  • Tác dụng không mong muốn: Thuốc Ezetimibe rất ít gây tác dụng phụ không mong muốn, có thể gặp tăng men gan.

Các acid béo không no Omega 3 (Fish Oils, Maxepa)

  • Tác dụng: Chiết xuất các acid béo không no Omega 3 từ cá biển, có tác dụng làm giảm triglycerid và VLDL máu là chính. Giảm nhẹ Cholesterol toàn phần (TC), LDL-C, tăng nhẹ HDL-C (hiệu lực chưa bằng Fibrat), làm giảm nguy cơ huyết khối do tác động đến chuyển hóa của prostaglandin.
  • Chỉ định: Tăng TC, TG, LDL-C.
  • Liều dùng thông thường: 3g/ngày, liều tối đa 6g/ngày.

Rối loạn lipid máu hỗn hợp là một sự kết hợp giữa tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-C, tăng triglyceride và giảm HDL- C. Việc điều trị chủ yếu điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động cơ thể, thể dục thể thao, giữ ổn định cân nặng trong giới hạn bình thường là biện pháp quan trọng nhất, kèm theo sử dụng các loại thuốc điều chỉnh các thành phần lipid máu. Nếu rối loạn lipid máu hỗn hợp là thứ phát, cần điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh và quản lý tốt tình trạng bệnh tật liên quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan