Siêu âm bệnh cơ tim phì đại

Cơ tim phì đại là một bệnh lý với sự dày lên bất thường của cơ tim gây ra một số hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể. Vậy các hình ảnh siêu âm nào giúp chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại.

1. Bệnh cơ tim phì đại là gì?

Bệnh cơ tim phì đại là sự tăng độ dày bất thường của cơ tim thành thất trái, với sự sắp xếp lộn xộn các tế bào. Tình trạng dày cơ tim ngày càng nặng làm tăng nguy cơ hẹp hoặc tắc nghẽn quá trình bơm máu từ thất trái đến động mạch chủ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thông thường sẽ phát hiện vào tuổi dậy thì.

Bệnh cơ tim phì đại có thể xảy ra ở thành bên, mỏm tim, thất phải và hay gặp nhất là ở thất trái. Hình ảnh đặc trưng của bệnh là phì đại lệch tâm vách liên thất, mức độ phì đại rất đa dạng, từ rất nhẹ (kích thước chỉ từ 13-15cm) đến rất nặng (kích thước lớn hơn 30mm).

Một số nguyên nhân gây bệnh:

  • Các bất thường gen mã hóa sợi cơ tim, di truyền trên NST thường. Do đó, nếu cha mẹ có mang gen bất thường thì khả năng di truyền cho con cái là 50%. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất.
  • Ngoài ra, một số nguyên nhân thứ phát sau quá tải tâm thu ở bệnh nhân: Tăng huyết áp, Hẹp eo động mạch chủ, Bất thường ở bộ máy dưới van hai lá, Bệnh cơ tim phì đại ở trẻ sơ sinh do mẹ bị đái tháo đường, sử dụng corticoid ở trẻ sơ sinh,...
  • Các bất thường trên nhiều hệ cơ quan trong đó có cơ tim: Hội chứng Noonan, Bệnh lý chuyển hóa Glycogen, Bệnh Friedreich, Bất thường trong quá trình oxy hóa các acid béo, Thiếu hụt chuỗi oxy hóa bên trong ty thể,...

Triệu chứng của bệnh:

  • Đa số các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng cho đến khi xảy ra các tắc nghẽn, giảm co bóp ở tim.
  • Rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ.
  • Rối loạn quá trình nghỉ của cơ tim và tăng áp lực đổ đầy thất. Thiếu máu cục bộ cơ tim.
  • Hồi hộp, đau ngực, khó thở xảy ra khi gắng sức hay hoạt động thể lực.
  • Dễ bị choáng, chóng mặt, có thể ngất.
  • Khi gắng sức các chỉ số huyết áp bất thường.

Bệnh cơ tim phì đại được chia thành 2 dạng:

  • Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: gặp ở 2⁄3 bệnh nhân mắc bệnh, trường hợp này vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải dày hơn, làm tắc nghẽn kỳ tống máu thất trái và giảm lưu lượng máu qua tim.
  • Bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn: gặp ở 1⁄3 bệnh nhân mắc bệnh, tim không bị tắc nghẽn, không giảm lưu lượng máu qua tim nhưng tâm thất trái dày và cứng làm giảm thể tích chứa máu của buồng tim, từ đó giảm lượng máu bơm đi nuôi cơ thể.

2. Hình ảnh siêu âm bệnh cơ tim phì đại như thế nào?

Ngoài những triệu chứng lâm sàng, khai thác bệnh sử, siêu âm tim Bệnh cơ tim phì đại là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán, phát hiện độ dày của cơ tim và vị trí tắc nghẽn của dòng máu. Các dấu hiệu đặc trưng trên siêu âm tim gồm:

  • Phì đại lệch tâm ở vùng vách liên thất kích thước lớn hơn 15mm: giảm vận động vách liên thất do phì đại nhiều so với thành sau thất trái.
  • Buồng thất trái giảm thể tích.
  • Van hai lá di chuyển ra trước trong thì tâm thu (dấu hiệu SAM - Systolic Anterior Motion).
  • Có sự đóng van động mạch chủ không thích hợp ở giữa thì tâm thu và rung cánh van động mạch chủ.
  • Áp suất đường ra tại thất trái lớn hơn 30 mmHg lúc nghỉ và khi làm các nghiệm pháp động (nghiệm pháp Valsalva) gây tình trạng tắc nghẽn đường ra thất trái. Từ đó rối loạn chức năng thất trái và kỳ tâm trương.
  • Kích thước buồng nhĩ trái có thể giãn, đây là thông số có giá trị tiên lượng quan trọng.

Siêu âm tim gắng sức: Chỉ định lúc nghỉ ngơi hoặc khi làm nghiệm pháp Valsalva có kết quả chênh áp đường ra thất trái < 50 mmHg nhưng bệnh nhân có biểu hiện bất thường trên lâm sàng.

Siêu âm tim qua thực quản: chỉ định trong trường hợp siêu âm tim thành ngực quá mờ do các yếu tố khách quan. Thường kết hợp với tiêm thuốc cản quang vào động mạch vành, để hướng dẫn thủ thuật can thiệp làm mỏng vách liên thất bằng cồn.

Một số phương pháp cận lâm sàng khác:

  • Đo điện tâm đồ (ECG): phát hiện các nhịp đập bất thường ở tim, định hướng tình trạng dày cơ tim. Các dấu hiệu dày thất trên ECG: Sóng S ở V1 cộng với sóng R ở V5/ V6 > 35mm; Sóng Q rất sâu trong các chuyển đạo aVL, và các chuyển đạo ngoại vi V5, V6 - dấu hiệu của hiện tượng phì vách không đối xứng;...
  • Thực hiện các test gắng sức bằng holter điện tim giúp theo dõi các bất thường ở tim trong 24 giờ.
  • Chụp cộng hưởng từ tim: phát hiện Bệnh cơ tim phì đại khu trú tại vùng mỏm tim, đánh giá tổng thể các thành tim, phát hiện tình trạng xơ hóa cơ tim, sẹo cơ tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức sử dụng thuốc, thảm chạy bộ, xe đạp có gắn lực kế,...: đánh giá các tổn thương tim khi người bệnh không có triệu chứng lâm sàng, có thể xác định nguy cơ đột tử.

3. Điều trị bệnh cơ tim phì đại

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa lành hoàn toàn Bệnh cơ tim phì đại. Điều trị bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và cuối cùng là can thiệp nội khoa dựa vào các dấu hiệu trên kết quả siêu âm tim Bệnh cơ tim phì đại.

Thay đổi lối sống:

  • Hạn chế rượu bia, caffein hay các chất kích thích làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp (yếu tố làm nặng tình trạng bệnh).
  • Hạn chế muối và nước ở bệnh nhân suy tim.
  • Hoạt động thể lực nhẹ nhàng, tham gia các bộ môn thể thao ít đối kháng.
  • Tái khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng bệnh.

Điều trị nội khoa:

  • Các thuốc ức chế beta, ức chế kênh canxi làm giãn cơ tim, giảm huyết áp, giúp quá trình bơm máu hiệu quả hơn.
  • Thuốc chống loạn nhịp ở bệnh nhân tăng nhịp tim, rối loạn nhịp bất thường.
  • Thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến biến chứng tắc mạch, đột quỵ.
  • Thuốc lợi tiểu để giảm phù do ứ đọng ở bệnh nhân suy giảm chức năng tim.
  • Thuốc kháng sinh trong các trường hợp can thiệp lòng mạch, dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Thủ thuật can thiệp và điều trị ngoại khoa:

  • Máy phá rung, máy tạo nhịp tim: giúp điều chỉnh nhịp tim, phá các ổ phát nhịp bất thường.
  • Tiêm cồn để làm mỏng vách liên thất, thực hiện dưới chỉ dẫn của siêu âm.
  • Phẫu thuật cắt vách liên thất: giảm độ dày của vách liên thất để tăng thể tích buồng tim, giảm các tắc nghẽn khi thất bại với điều trị nội khoa.
  • Ghép tim: Biện pháp cuối cùng nếu bệnh nhân suy tim nặng và không đáp ứng với điều trị.

Tóm lại, Bệnh cơ tim phì đại là bệnh lý di truyền gây nhiều biến chứng nặng nề cho hệ tim mạch. Siêu âm tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh, giúp xác định vị trí hay mức độ tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

226 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan