Phục hồi chức năng tim mạch cho bệnh nhân suy tim

Bài viết được viết bởi ThS, BS.Phạm Thị Hải Yến, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh nhân suy tim luôn phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro lớn do biến chứng mà bệnh gây ra. Bệnh nhân cần được điều trị tích cực để cải thiện sức khỏe tim mạch. Phục hồi chức năng tim mạch cho bệnh nhân suy tim không chỉ giúp cải thiện sức mạnh tim, tăng sức mạnh và độ bền thể lực mà còn rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.

1. Mục đích của phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim

  • Cải thiện sức mạnh của tim ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn;
  • Tăng khả năng trao đổi oxy của phổi, tránh xẹp phổi, đường thở được thông thoáng;
  • Tăng sức mạnh, độ bền thể lực và rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh;

Giúp người bệnh tự tin trong thời gian tập luyện phục hồi chức năng cho tim, cũng như sự tự tin trong cuộc sống và trong lao động.

2. Các giai đoạn phục hồi chức năng tim mạch

Phục hồi chức năng đối với đối tượng người bệnh này được chia làm 03 giai đoạn:

2.1 Giai đoạn 1: trước và sau phẫu thuật từ 05 ngày đến 02 tuần

  • Trước phẫu thuật: bệnh nhân sau khi được khám sàng lọc, làm các xét nghiệm cần thiết, lượng giá chức năng (Test: Đàm thoại, test gắng sức trên Treadmill...), tập thở, tập sức bền.
  • Sau phẫu thuật: thời gian thường từ 05 - 07 ngày. Giai đoạn này, bệnh nhân thường được theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Tim mạch. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tư thế nằm, cách giữ lồng ngực khi ho khạc, được tập theo tầm vận động chân tay, được khuyến khích đi lại trên bề mặt bằng phẳng.
Trước phẫu thuật bệnh nhân được khám sàng lọc
Trước phẫu thuật bệnh nhân được khám sàng lọc

2.2 Giai đoạn 2: từ lúc ra viện, thời gian từ 06 - 12 tuần

Khi bệnh nhân xuất viện sẽ được hướng dẫn cách tự chăm sóc vết mổ, tập luyện tại nhà, những công việc nhà có thể làm, được tham gia tập theo nhóm tại khoa PHCN theo lịch 01 lần/tuần; 02 lần/ tuần; 03 lần/tuần.

2.3 Giai đoạn 3: được tính từ tháng thứ 03 trở đi

Thời gian này bệnh nhân đang ở giai đoạn hồi phục, từng bước quay trở lại công việc và hòa nhập cuộc sống. Người bệnh được phổ biến kiến thức về dinh dưỡng, tập tăng sức bền, thay đổi thói quen, lối sống.

3. Các chỉ định và chống chỉ định

3.1 Chỉ định

  • Có chỉ định mổ hoặc can thiệp, có độ tuổi ≥ 6 tuổi;
  • Có chỉ định hoặc đã được phẫu thuật bắc cầu mạch vành;
  • Có chỉ định hoặc đã được phẫu thuật thay van, sửa van tim;
  • Tim bẩm sinh đã được phẫu thuật sửa chữa dị tật ở tim, động mạch chủ;
  • Sau can thiệp tim mạch qua da.

3.2 Chống chỉ định

  • Nhồi máu cơ tim cấp mới ổn định ( trong vòng 03 - 05 ngày);
  • Đau thắt ngực không ổn định;
  • Các loạn nhịp có triệu chứng hoặc rối loạn huyết động chưa kiểm soát được;
  • Viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm ngoại tâm mạc cấp tính;
  • Hẹp khít van động mạch chủ;
  • Suy tim có triệu chứng chưa kiểm soát được;
  • Huyết khối ở phổi, nhồi máu phổi cấp;
  • Tăng huyết áp mức độ nặng (>200/100mmHg, lúc nghỉ), chưa kiểm soát được;
  • Các trạng thái cấp tính không do tim có thể ảnh hưởng tới thực hiện gắng sức hoặc bị xấu đi do gắng sức ( nhiễm trùng, suy thận, nhiễm độc giáp...);
  • Các khuyết tật thể lực không cho phép thực hiện gắng sức.
Phục hồi chức năng chống chỉ định đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp nặng
Phục hồi chức năng chống chỉ định đối với bệnh nhân mắc tăng huyết áp nặng

4. Phục hồi chức năng

4.1. Nguyên tắc phục hồi chức năng

Can thiệp phục hồi chức năng cả trước mổ và sau mổ. Tập vận động sớm sau mổ; tập nhẹ nhàng trong thời gian bệnh nhân còn mang máy thở và tăng dần cường độ sau khi tháo máy thở.

  • Đánh giá khả năng thích nghi luyện tập của bệnh nhân

Đánh giá khả năng thích nghi luyện tập của bệnh nhân thông qua:

  • Test Đàm thoại: Chọn mức độ cố gắng cho phép bệnh nhân vẫn nói chuyện được khi tập, nhưng không hát được.
  • Nhịp tim: Ngưỡng của nhịp tim an toàn khi tập luyện = nhịp tim lúc nghỉ + (60-80%) nhịp tim dự trữ.

Trong đó: Nhịp tim dự trữ = nhịp tim tối đa – nhịp tim lúc nghỉ
(Nhịp tim tối đa = 220 – tuổi bệnh nhân).

Trong tập luyện, nếu lúc nghỉ mà 120 ≤ nhịp tim ≤ 50 thì phải dừng tập . Khi đang tập, thấy nhịp tăng ≥ 30 nhịp/ phút thì cần nghỉ.

  • Cảm nhận gắng sức RPE (Rating of Perceived Exertion)

  • Mười dấu hiệu cần dừng tập

+ Đau ngực nặng, cảm giác đè nặng ở ngực;

+ Khó thở nhiều, không nói được;

+ Ra quá nhiều mồ hôi;

+ Mờ mắt;

+ Tim thường xuyên bỏ nhịp;

+ Chóng mặt, choáng;

+ Buồn nôn;

+ Chuột rút tay chân;

+ Xuất hiện yếu cơ mới ở tay, chân hoặc cả 1⁄2 người;

+ Nhìn chung yếu hơn trong khi tập.

Khi bệnh nhân buồn nôn cần dừng tập ngay lập tức
Khi bệnh nhân buồn nôn cần dừng tập ngay lập tức

4.2. Các phương pháp điều trị và kỹ thuật phục hồi chức năng

  • Giai đoạn 1. Được tính từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi xuất viện

Trước mổ: bệnh nhân qua vài ngày làm các XN cần thiết, trong thời gian này, bệnh nhân được:

+ Lượng giá chung về sức khỏe cũng như khả năng gắng sức;

+ Hướng dẫn cách thở tích cực, tăng cường dung tích sống, thể tích thở ra tối đa;

+ Tập gắng sức, tăng cường thể lực chung.

Sau mổ: ngày đầu sau mổ, do còn phải thở máy, người bệnh sẽ được hướng dẫn:

+ Thở đúng, và biết cách bảo vệ vết mổ khi ho, hắt hơi, mang đai sườn;

+ Vỗ rung phổi, kỹ thuật này giúp long đờm và dịch tiết trong phế quản, tạo thuận khi ho, khạc, giúp việc thông khí phổi tốt;

+ Vận động chủ động trợ giúp hoặc thụ động chân và tay.

Tại khoa Tim mạch: người bệnh đã khỏe hơn (huyết áp, mạch, nhịp tim...ổn định):

+ Thay đổi tư thế, đi lại trong phòng và tập vận động chân tay chủ động;

+ Tập thở tích cực ở tư thế ngồi, đứng (mang đai ngực);

+ Tập gắng sức trên máy Treadmill hoặc xe đạp gắng sức ở mức độ khởi động.

  • Giai đoạn 2 và 3: từ khi xuất viện đến khi người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống

Hướng dẫn cách tự chăm sóc cho bản thân tại nhà:

  • Chăm sóc vệ sinh vết mổ, duy trì thường xuyên các bước vệ sinh và chăm sóc cơ thể;
  • Cách thức tập luyện tại nhà, có thể làm những việc nhẹ tại nhà, lên xuống bậc thang;
  • Cách thức nhận biết các dấu hiệu bất thường, thay đổi lối sống, ( bỏ thuốc lá, ăn uống đủ chất, giảm chất béo, tăng cường thể dục, luôn vui vẻ và lạc quan...);
  • Duy trì tốt chương trình luyện tập trong nhà cũng như ngoài trời. Nhiệt độ và độ ẩm môi trường có thể gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ tim mạch và tuần hoàn trong cơ thể, cần tránh tập luyện ngoài trời nắng hoặc chỉ số nhiệt môi trường 80 độ F/ độ ẩm 75% ( 27 độ C). Tập luyện vào buổi sáng hoặc chiều mát là tốt nhất.

Một chương trình phục hồi chức năng sau mổ tim cần phải trải qua 03 giai đoạn do đó, việc theo dõi và tái khám cần được tiến hành hết sức chặt chẽ để đảm bảo kết quả tốt 01 tháng/ 01 lần để điều chỉnh thuốc và chế độ tập luyện.

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan