Phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu

Nhiều bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh nặng trong thời kỳ sơ sinh cần phải được phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu nhằm mục đích trộn máu ở tầng nhĩ tốt hơn và giảm áp lực của nhĩ phải.

1. Tác dụng của phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu

Có nhiều bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là những bệnh nặng trong thời kỳ sơ sinh như phình vách liên nhĩ cần phải thực hiện phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu tim mạch nhằm mục đích:

  • Trộn máu ở tầng nhĩ tốt hơn như trong trường hợp đảo gốc động mạch có vách liên thất nguyên vẹn...
  • Giảm áp lực của nhĩ phải trong bệnh bất thường tĩnh mạch phổi trở về hoàn toàn có thông liên nhĩ hạn chế, trong bệnh hẹp van động mạch phổi tối cấp hay bệnh lý teo van động mạch phổi có vách liên nhĩ nguyên vẹn...

2. Chỉ định của phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu tim mạch

Phẫu thuật phá vách liên nhĩ được chỉ định trong các trường hợp cấp cứu tim mạch sau đây:

  • Đảo gốc động mạch có vách liên thất nguyên vẹn hoặc có thông liên thất nhỏ hạn chế.
  • Bệnh tĩnh mạch phổi bất thường hoàn toàn có lỗ thông ở tầng nhĩ, lỗ bầu dục hạn chế, tăng áp phổi nặng.
  • Hẹp van động mạch phổi tối cấp.
  • Teo van động mạch phổi có vách liên thất còn nguyên vẹn.

Phẫu thuật phá vách liên nhĩ chống chỉ định trong các trường hợp sau

  • Bệnh tim bẩm sinh phức tạp cần và có thể thực hiện phẫu thuật sửa chữa được ngay.
  • Rối loạn đông máu nặng.
  • Bệnh lý nội, ngoại khoa nặng khiến cho bệnh nhân chưa thể thông tim được.
phá vách liên nhĩ
Bệnh tim bẩm sinh nặng trong thời kỳ sơ sinh cần phải được phẫu thuật phá vách liên nhĩ

3. Phẫu thuật phá vách liên nhĩ được thực hiện như thế nào?

3.1. Phẫu thuật phá vách liên nhĩ dưới hướng dẫn của máy chụp mạch

Quy trình thực hiện phẫu thuật phá vách liên nhĩ dưới hướng dẫn của máy chụp mạch như sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa, hai tay đưa lên cao trên đầu.
  • Gây mê cho bệnh nhân.
  • Chọc đường tĩnh mạch đùi.
  • Máy chụp mạch đặt ở tư thế thẳng mặt.
  • Đưa ống thông hoặc bóng cùng với dây dẫn từ tĩnh mạch đùi lên tĩnh mạch chủ dưới, đến nhĩ phải, sau đó đi qua lỗ bầu dục sang nhĩ trái. Nếu sử dụng ống thông thì rút ống thông lại, để dây dẫn lại, rồi đưa bóng phá vách liên nhĩ vào nhĩ trái bằng dây dẫn, sau đó rút dây dẫn ra ngoài.
  • Bơm căng bóng phá vách liên nhĩ bằng bơm tiêm pha loãng thuốc cản quang với tỷ lệ 25%. Sau khi xác định được đầu của bóng đã nằm ở trong tâm nhĩ trái, thì tiến hành bơm căng bóng lên và kéo giật ngược bóng từ nhĩ trái về nhĩ phải.

Động tác kéo giật bóng phải làm đủ mạnh nhưng vẫn phải có cỡ để tránh kéo quá mạnh có thể làm rách tĩnh mạch chủ dưới. Ngược lại nếu thực hiện động tác kéo giật bóng không đủ lực thì sẽ không thể mở rộng được lỗ bầu dục. Bác sĩ có thể thực hiện lại động tác này vài lần để chắc chắn rằng lỗ bầu dục của bệnh nhân đã được mở rộng.

3.2. Phẫu thuật phá vách liên nhĩ cấp cứu dưới hướng dẫn siêu âm

Phẫu thuật phá vách liên nhĩ cấp cứu dưới hướng dẫn siêu âm bao gồm các bước sau đây:

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa, kê mông.
  • Gây ngủ cho bệnh nhân bằng thuốc an thần, thở máy.
  • Chọc đường tĩnh mạch đùi.
  • Đưa bóng đi vào từ tĩnh mạch đùi lên tĩnh mạch chủ dưới, đến nhĩ phải, đi qua lỗ bầu dục sang nhĩ trái dưới hướng dẫn của máy siêu âm. Sau đó kiểm tra đầu vị trí bóng nằm ở đâu bằng cách bơm nước muối sinh lý theo đường bóng (đường vào mạch máu) nếu thấy bọt khí ở vị trí nào trên siêu âm thì đầu bóng ở vị trí đó.
  • Bơm căng bóng phá vách liên nhĩ bằng nước muối sinh lý. Sau khi xác định được đầu bóng đã nằm ở trong tâm nhĩ trái thì bóng được bơm căng lên rồi kéo giật ngược bóng từ nhĩ trái sang nhĩ phải. Động tác kéo giật bóng phải làm đủ mạnh nhưng vẫn phải có cỡ để tránh kéo quá mạnh có thể làm rách tĩnh mạch chủ dưới. Ngược lại nếu thực hiện động tác kéo giật bóng không đủ lực thì sẽ không thể mở rộng được lỗ bầu dục. Bác sĩ có thể thực hiện lại động tác này vài lần để chắc chắn rằng lỗ bầu dục đã được mở rộng trên siêu âm tim.
  • Kết thúc phẫu thuật bác sĩ rút lại bóng ra ngoài sau đó rút dụng cụ mở đường mạch máu ra khỏi tĩnh mạch đùi, ép tĩnh mạch đùi bằng tay cho tới khi hết chảy máu thì băng ép bằng băng chun.
phá vách liên nhĩ
Cần theo dõi sau phẫu thuật phá vách liên nhĩ

4. Theo dõi sau phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu tim mạch

Sau phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu tim mạch cần theo dõi các tình trạng sau:

  • Theo dõi chảy máu màng ngoài timép tim cấp.
  • Theo dõi chảy máu động mạch đùi nơi chọc ống thông:
  • Theo dõi băng ép đùi xem có chảy máu ra hay tụ máu không.
  • Tháo băng ép sau 24 giờ.
  • Siêu âm tim sau phẫu thuật để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân.

5. Tai biến trong phẫu thuật phá vách liên nhĩ và cách xử trí

Tai biến trong khi phẫu thuật phá vách liên nhĩ:

  • Chảy máu màng ngoài tim: Trường hợp này cần phải truyền máu, chọc hút máu màng ngoài tim, phẫu thuật khi cần thiết.
  • Chảy máu tĩnh mạch do rách: Cần tiến hành băng ép, truyền máu, phẫu thuật khi cần thiết.
  • Rối loạn nhịp tim: Xử trí theo từng loại rối loạn nhịp tim bằng thuốc loạn nhịp, sốc điện...
  • Tai biến sau phẫu thuật phá vách liên nhĩ gồm có:
  • Tụ máu tại vị trí chọc tĩnh mạch đùi: Xử trí bằng cách băng ép, khâu cầm máu...
  • Nhồi máu, tắc mạch: Cần phải được hội chẩn chuyên khoa để xử lý từng loại.

Tóm lại, phẫu thuật phá vách liên nhĩ trong cấp cứu nhằm mục đích trộn máu ở tầng nhĩ tốt hơn và giảm áp lực của nhĩ phải. Tình trạng này cần khám ngay để xác định chẩn đoán chiến lược thủ thuật nhằm cứu tính mạng bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

391 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan