Lưu ý khi khám tim mạch

Khám tim mạch là các bước kiểm tra cấu trúc của tim và mạch máu, được thực hiện để giúp phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu hoặc yếu tố nguy cơ tiềm ẩn nào có thể dẫn đến bệnh tim thực sự. Khi có sự quan tâm đến khám tim mạch cần khám những gì và tiến hành xét nghiệm sớm, những người có nguy cơ tiến triển bệnh tim cao hơn có thể học cách sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ lâu hơn.

1. Khi nào nên đi khám tim mạch?

Các khuyến nghị lịch trình khám tim mạch dựa trên từng chỉ số theo những mốc thời gian sau đây:

  • Cân nặng và BMI: khi khám sức khỏe định kỳ hàng năm
  • Kiểm tra huyết áp: ít nhất 2 năm một lần, bắt đầu từ năm đủ 20 tuổi
  • Xét nghiệm cholesterol trong máu: ít nhất 4 đến 6 năm một lần, bắt đầu từ 20 tuổi
  • Xét nghiệm đường huyết: ít nhất 3 năm một lần, thường bắt đầu từ 40 đến 45 tuổi

Một số người nên đi khám sức khỏe tim mạch ở độ tuổi trẻ hơn hoặc thường xuyên hơn những người khác khi đã phát hiện các đặc điểm sau:

  • Huyết áp cao, cholesterol trong máu hoặc lượng đường trong máu cao
  • Có tình trạng bất thường nhịp tim, chẳng hạn như rung tâm nhĩ
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Thể trạng thừa cân hoặc béo phì
  • Tiền đái tháo đường hoặc đã xác chẩn đái tháo đường
  • Có một số yếu tố lối sống, như hút thuốc lá, ít vận động
  • Có các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như huyết áp cao, tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ
khám tim
Kiểm tra huyết áp là một vấn đề được bác sĩ đề cập khi thăm khám tim

2. Khám tim mạch cần khám những gì?

Trong quá trình kiểm tra sức khỏe tim mạch, bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng cơ năng, tức là các cảm giác chủ quan của bản thân, tìm các triệu chứng thực thể thông qua quá trình thăm khám như quan sát da niêm, nghe tim phổi. Các dữ kiện này sẽ là nền tảng đưa ra các xét nghiệm sàng lọc để đánh giá sức khỏe tim mạch cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Trong đó, các yếu tố nguy cơ tim mạch thực sự là một phần quan trọng của quá trình khám tim mạch tổng quát. Điều này có nghĩa là bác sĩ cần phải tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đến bệnh và xem xét nguy cơ phát triển bệnh tim mạch trong tương lai. Ví dụ về các yếu tố rủi ro tim mạch bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol trong máu cao
  • Đường trong máu cao
  • Thừa cân và béo phì
  • Có một số thói quen sống không lành mạnh nhất định, như hút thuốc và sử dụng rượu

Tuy nhiên, người bệnh cần phải chủ động đăng ký khám tim mạch lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tim. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau ngực hoặc khó chịu trong lồng ngực
  • Hồi hộp
  • Khó thở, hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức
  • Sưng phù ở chân hoặc bụng

3. Các loại xét nghiệm kiểm tra khi khám tim mạch

Khám sức khỏe tim mạch định kỳ là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người trưởng thành nói chung, người cao tuổi nói riêng. Theo đó, bắt đầu từ khoảng 20 tuổi hoặc trong một số trường hợp sớm hơn, bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh nên thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc thường xuyên. Nếu kết quả của các xét nghiệm sàng lọc cho thấy dấu hiệu của bệnh tim hoặc nguy cơ cao phát triển bệnh tim về sau, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chuyên biệt bổ sung, tăng khả năng chẩn đoán và điều trị sớm hơn để phòng ngừa bệnh tiến triển trong tương lai.

Tiền sử gia đình hay các yếu tố về lối sống cũng có thể là những dấu hiệu gợi ý thời điểm bắt đầu xét nghiệm và tần suất nên thực hiện trong các lần đi khám tim mạch.

khám tim mạch
Khám tim mạch định kỳ là việc làm cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe

Kiểm tra tầm soát định kỳ

Ngay cả khi không có tiền sử bệnh tim, các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên đi khám các đặc điểm sức khỏe tim mạch sau đây:

  • Kiểm tra huyết áp và cholesterol, bắt đầu từ 20 tuổi
  • Xét nghiệm đường huyết, bắt đầu từ 40 đến 45 tuổi
  • Đo chỉ số khối cơ thể (BMI), dựa trên trọng lượng cơ thể hoặc vòng eo

Nếu có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc tiền sử gia đình chắc chắn, bác sĩ có thể khuyến khích việc bắt đầu khám tim mạch sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn dân số chung.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể yêu cầu xét nghiệm protein phản ứng C (hs-CRP) độ nhạy cao. Thử nghiệm này đo protein phản ứng C (CRP), một dấu hiệu của chứng viêm hoặc nhiễm trùng có liên quan đến tăng nguy cơ đau tim trong tương lai.

Kiểm tra tim mạch chuyên sâu

Nếu bác sĩ cho rằng khả năng cao mắc bệnh tim, các xét nghiệm sau có thể được chỉ định để đánh giá sức khỏe tim mạch:

Điện tâm đồ: Các điện cực nhỏ được áp sát vào thành ngực và gắn vào một máy đặc biệt, được gọi là máy đo điện tim. Máy này ghi lại hoạt động điện của tim và cung cấp thông tin về nhịp tim và tần số tim.

Kiểm tra khả năng gắng sức của tim: Điện cực được áp vào ngực và gắn vào máy điện tâm đồ. Sau đó, người bệnh được yêu cầu đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ, đạp trên xe đạp tĩnh trong khi bác sĩ sẽ đánh giá phản ứng của tim đối với những căng thẳng về thể chất.

Siêu âm tim: Bác sĩ sử dụng máy siêu âm để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim để xem liệu tim của người bệnh có gặp vấn đề với chức năng bơm máu của tim hay không và để đánh giá van tim. Đôi khi, siêu âm tim cũng có thể được chỉ định trong hoàn cảnh người bệnh tập thể dục hoặc dùng một số loại thuốc tăng co bóp cơ tim để đánh giá hoạt động của tim phản ứng với căng thẳng.

Xạ hình tim. Một lượng nhỏ thuốc nhuộm phóng xạ được tiêm vào máu và đi đến tim. Bác sĩ sẽ chụp ảnh tim đang nghỉ ngơi và sau khi tập thể dục để tìm hiểu cách máu lưu thông qua tim.

Chụp CT tim để đo độ vôi hóa mạch vành: Người bệnh nằm dưới máy quét CT có gắn các điện cực vào ngực để ghi lại hoạt động điện của tim. Bác sĩ sử dụng máy quét CT để tạo hình ảnh về tim và kiểm tra sự tích tụ mảng bám chứa canxi trong động mạch vành.

Chụp CT mạch vành (CTA): Tương tự như chụp CT tim để đo độ vôi hóa mạch vành, chụp CT mạch vành sẽ còn cần tới thuốc cản quang. Sự hiện diện của thuốc cản quang trong tim để giúp dễ dàng nhìn thấy mảng bám tích tụ trong động mạch vành hơn.

Chụp mạch vành qua ống thông: Một ống thông nhỏ được đưa vào từ động mạch đùi ở nếp gấp bẹn hay động mạch quay ở cổ tay và luồn theo đại động mạch đến tim. Thuốc cản quang được tiêm qua ống thông trong khi bác sĩ quan sát dưới màn huỳnh quang sẽ cho phép xem liệu động mạch vành có bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn hay không.

4. Cách kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà

Tùy thuộc vào tiền sử sức khỏe, bác sĩ có thể khuyến khích mỗi người tự theo dõi chức năng tim mạch cho chính mình tại nhà và các yếu tố nguy cơ theo những đặc điểm như sau:

  • Trọng lượng cơ thể hoặc BMI với cân đo y tế
  • Đo huyết áp tại nhà với máy đo điện tử
  • Lượng đường trong máu với máy đo đường huyết mao mạch
  • Nhịp tim với các thiết bị theo dõi thể dục hay đồng hồ thông minh

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh tự theo dõi các hoạt động thể dục, chế độ ăn uống hoặc các yếu tố lối sống khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bản thân. Tương tự, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh nhận biết và ghi lại bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tim đang tiến triển.

Tóm lại, nghe tim phổi, kiểm tra cân nặng, huyết áp, lượng cholesterol trong máu và lượng đường trong máu một cách thường xuyên là những điều cần quan tâm đối với khám tim mạch cần khám những gì. Ngoài ra, bác sĩ khám tim mạch cũng cần biết về tiền sử bệnh, thói quen lối sống, những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh tim về sau. Từ đó, các xét nghiệm có thể chỉ định để đánh giá chức năng tim một cách chuẩn xác hơn, nhất là khi bác sĩ nghi ngờ khả năng phát triển bệnh tim. Cuối cùng, các dữ kiện thu thập được từ khám tim mạch sẽ giúp chẩn đoán bệnh tim, định hướng thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để kiểm soát bệnh tim mạch trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

284 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan