Điều trị viêm cơ tim hậu Covid-19

Những bệnh nhân sau khi nhiễm Covid-19 có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng gọi là biến chứng hậu Covid-19. Bệnh viêm cơ tim là một trong số đó. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo về bệnh lý nguy hiểm này. Việc chẩn đoán sớm cũng như điều trị kịp thời và đúng cách có thể hạn chế những tác động tiêu cực của viêm cơ tim hậu Covid-19 lên sức khỏe của bệnh nhân.

1. Viêm cơ tim là gì?

Viêm cơ tim là bệnh lý tim mạch với biểu hiện là tình trạng viêm hoại tử các tế bào cơ tim. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến hủy hoại cơ tim vĩnh viễn kéo theo những biến chứng tim mạch nguy hiểm. Cơ tim có thể bị tổn thương trực tiếp do các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hay nấm...

2. Viêm cơ tim hậu Covid-19

2.1. Các yếu tố nguy cơ

Hội chứng hô hấp cấp tính SARS-CoV-2 (Covid -19) ban đầu chỉ được coi là một bệnh đường hô hấp, nhưng hiện nay nó đã được công nhận là một bệnh đa hệ phức tạp. Bệnh nhân bị viêm cơ tim do COVID-19 có các yếu tố nguy cơ tương tự như những người bị COVID-19 nặng.

Biến chứng nguy hiểm và tử vong ở bệnh nhân COVID-19 có liên quan đến tuổi già và các bệnh đi kèm, bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh hô hấp. Khoảng 50% bệnh nhân bị COVID-19 nặng có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ này. Tương tự, 58% bệnh nhân bị viêm cơ tim do COVID-19 có ít nhất một trong các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phìhen suyễn hay COPD.

2.2. Dịch tễ học

Trước COVID-19, tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim là từ 1 đến 10 trường hợp trên 100.000 người mỗi năm. Tỷ lệ bệnh nhân cao nhất ở nam giới từ 18 đến 30 tuổi. Điều thú vị là hầu hết các trường hợp viêm cơ tim trong nhóm nguy cơ cao nhất là ở những người khỏe mạnh và năng động.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nguy cơ bị viêm cơ tim sau khi nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều, với 146 trường hợp trên 100.000 người. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn đối với nam giới, người lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên hoặc trẻ em dưới 16 tuổi

2.3. Cơ chế bệnh sinh

Virus SARS-CoV-2 sau khi đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp là chủ yếu, sẽ được đưa vào máu qua trao đổi khí tại phổi, sau đó virus sẽ tìm đường đến tim và cơ tim. Tại đây, Virus SARS-CoV-2 liên kết với Protein màng tế bào men chuyển 2 (ACE2) điều hòa thụ thể cuối cùng dẫn đến quá trình apoptosis, giải phóng các kháng nguyên virus và tim. Những kháng nguyên này, khi được cố định vào tế bào trình diện kháng nguyên (APC), dẫn đến giải phóng interleukin (IL1, IL6, IL12, TNF alpha), khi được trình diện với tế bào CD4 + T trợ giúp, tế bào T CD8 + và tế bào B. Các chất này khi được phóng thích quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng gọi là cơn bão Cytokine, kích hoạt quá trình viêm mạnh tại cơ tim để tiêu diệt kháng nguyên (virus SARS-CoV-2) và kéo theo hủy hoại cả tế bào cơ tim.

3. Chẩn đoán viêm cơ tim hậu Covid-19

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp của nhiễm COVID-19 là sốt, ho, khó thở và mệt mỏi. Tổ chức Y tế Thế giới đã coi sốt và ho là những đặc điểm nổi bật của COVID-19. Sốt, khó thở, đau ngực là những biểu hiện điển hình của viêm cơ tim có xu hướng trùng lặp với triệu chứng COVID-19, do đó làm cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Ngoài ra, ở viêm cơ tim có thể biểu hiện qua các triệu chứng lâm sàng sau:

  • Loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh hoặc chậm.
  • Nghe tim: Tiếng tim mờ ở tiếng T1 hoặc cả T1, T2. Tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim, tiếng ngựa phi.
  • Các triệu chứng của suy tim xuất hiện ở bệnh nhân bị viêm cơ tim nặng.

3.2. Cận lâm sàng

  • Điện tâm đồ
  • Nhịp chậm xoang hoặc nhịp nhanh xoang.
  • Rối loạn nhịp tim: Block nhĩ thất, ngoại tâm thu, rung nhĩ...
  • Đoạn ST chênh lên hoặc chênh xuống, phức bộ QRS biên độ thấp, sóng T dẹt.
  • Xét nghiệm máu
  • Công thức máu biểu hiện tình trạng viêm.
  • Các xét nghiệm sinh hóa như: Men tim, NT-Pro BNP, CRP, Ferritin, D-dimer...
  • Siêu âm tim
  • Rối loạn vận động cơ tim.
  • Phân suất tống máu giảm.
  • Phì đại tâm thất, các buồng tim có thể giãn là hở cơ năng van tim.
  • Hở cơ năng các van tim.
  • Hình ảnh huyết khối.
  • Tràn dịch màng ngoài tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-scan, chụp cộng hưởng từ MRI, X-quang ngực thẳng:
  • Bóng tim to.
  • Sung huyết tĩnh mạch phổi.
  • Tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi.
  • Sinh thiết hoặc mô bệnh học cơ tim: Các phát hiện phổ biến nhất là thâm nhiễm tế bào lympho đa ổ hoặc lan tỏa trong cơ tim và nội mạc cùng với phù và hoại tử cơ tim. Các phát hiện khác bao gồm kháng thể protein nucleocapsid kháng SARS COV dương tính cơ tim, phì đại cơ tim, nhiều vị trí thiếu máu cục bộ và huyết khối với huyết khối động mạch phổi trái và nhĩ trái ở một bệnh nhân.

4. Điều trị viêm cơ tim hậu Covid-19

4.1. Điều trị nội khoa

  • Corticosteroids: Thuốc ức chế miễn dịch, được sử dụng để điều trị viêm cơ tim do virus SAR-CoV-2.
  • Thuốc điều trị suy tim do viêm cơ tim: Sử dụng thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)... Có thể giúp giảm huyết áp, giảm dịch cơ thể và giảm áp lực cho tim.
  • Các thuốc điều trị loạn nhịp tim: Giúp kiểm soát nhịp tim, đồng thời giảm nguy cơ hình thành cục máu đông thường gặp trong rung nhĩ.
  • Điều trị đặc hiệu: Các thuốc đặc trị Covid 19 hiện đã được nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên hiệu quả điều trị của các loại thuốc này vẫn còn chưa được khẳng định. Vì vậy, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.

4.2. Điều trị ngoại khoa

Các trường hợp viêm cơ tim nặng hậu Covid-19 không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc đã tiến triển đến những biến chứng nguy hiểm có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm:

  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Thiết bị này hỗ trợ bơm máu từ các tâm thất của tim đến các cơ quan trong cơ thể, chỉ định cho những trường hợp viêm cơ tim có biến chứng suy tim nặng. Hỗ trợ tâm thất được sử dụng trong khi chờ đợi các phương pháp điều trị khác như ghép tim.
  • Đặt bóng đối xung động mạch chủ: Giúp tăng lưu lượng máu và giảm áp lực cho tim.
  • Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể bằng máy ECMO: Máy ECMO hoạt động như phổi người nhưng ở ngoài cơ thể. Chạy máy ECMO thường chỉ định cho những bệnh nhân suy tim nặng đang chờ đợi ghép tim mới.
  • Ghép tim: Ghép tim được coi là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân viêm cơ tim rất nặng, suy tim nặng, các cơ tim bị tổn thương hầu như toàn bộ và không đáp ứng với tất cả các phương pháp điều trị trên.

5. Dự phòng

Phòng ngừa viêm cơ tim bằng cách:

  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh cúm hoặc bệnh đường hô hấp khác cho đến khi bệnh nhân này khỏi bệnh. Các bệnh nhân khi phát hiện các triệu chứng của nhiễm virus Covid – 19 nên cố gắng tránh để người khác tiếp xúc.
  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh Covid – 19.
  • Thực hiện tiêm Vaccin: Khuyến cáo thực hiện tiêm phòng vaccin chống lại COVID-19, những tác nhân gây viêm cơ tim khác như cúm và rubella. Tuy nhiên, hiện nay đã có báo cáo về một số ít ca bệnh bị viêm cơ tim sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Vì thế, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tiêm bất kỳ loại vaccin nào.

Covid-19 là một bệnh lý nguy hiểm và phức tạp, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có viêm cơ tim. Việc dự phòng Covid-19, chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách viêm cơ tiêm hậu Covid-19 có thể góp phần hạn chế được những biến chứng nguy hiểm cũng như giảm tỷ lệ tỷ vong cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan