Điều trị run chân tay sau tai biến

Run tay chân sau tai biến là tình trạng đặc trưng bởi các cơn run nhịp nhàng, không có chủ ý. Tình trạng run rẩy này thường ảnh hưởng đến bàn tay và cả cánh tay, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Vậy sau tai biến bị run tay chân có nguy hiểm không?

1. Biểu hiện run tay chân sau tai biến

Biểu hiện run tay chân sau tai biến sẽ khác nhau tùy theo từng vị trí và mức độ não bị tổn thương. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau tai biến hoặc có thể xuất hiện sau đó một thời gian (từ vài tháng đến vài năm). Run rẩy tay chân thường có thể diễn ra mọi lúc, run rẩy khi cầm nắm, đi lại, khi nói, run tăng lên khi căng thẳng, sợ hãi hoặc khi tức giận.

Cùng với run rẩy tay chân, nhiều người còn có các biểu hiện khác kèm theo như: Mất thăng bằng, chảy dớt dãi, co cứng các cơ, hay bị giật mình, suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy kém, chân tay run rẩy mệt mỏi, buồn bã, trầm cảm... khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng run tay chân sau tai biến

Tình trạng chân tay run rẩy mệt mỏi sau tai biến thường xảy ra do các vùng não nhất định đã bị tổn thương, thường là vùng đồi thị hoặc vùng hạch nền. Vùng đồi thị có vai trò vận chuyển các tín hiệu kiểm soát vận động đến vỏ não trong khi vùng hạch nền đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển động có chủ ý. Do đó, khi tổn thương xảy ra tại 2 vùng não này có thể dẫn đến các cơn run tay chân và tình trạng rối loạn vận động không chủ ý.

3. Chẩn đoán tình trạng run chân tay sau tai biến

Thông thường, hiện tượng run tay chân sau tai biến chỉ bắt đầu khởi phát sau khoảng thời gian vài tháng kể từ khi cơn tai biến xảy ra ở bệnh nhân. Trên thực tế, tình trạng run chân tay sau tai biến có thời gian khởi phát chậm nhất trong số các tình trạng rối loạn vận động không chủ ý sau đột quỵ. Do khởi phát muộn, quá trình chẩn đoán run chân tay sau tai biến thường khó khăn hơn, rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác như bệnh Parkinson, thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động

4. Điều trị run tay chân sau tai biến như thế nào?

Trong đa số các tường hợp (khoảng 90%), bệnh nhân run chân tay sau tai biến sẽ dần dần tự hồi phục (một phần hoặc toàn bộ) sau khoảng 6 tháng mà không cần bất cứ can thiệp điều trị gì. Tuy nhiên, nếu run chân tay sau tai biến không thể tự hồi phục, người bệnh cần có hướng điều trị phù hợp để làm chậm quá trình tiến triển thông qua các phương pháp sau đây:

4.1. Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân run chân tay sau tai biến

Tập vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả có thể giúp người bệnh cải thiện sức mạnh, cải thiện khả năng phối hợp, khả năng kiểm soát cơ bắp, từ đó làm giảm run chân tay sau tai biến hiệu quả. Thêm vào đó, tập vật lý trị liệu không chỉ giúp cải thiện cơ bắp cho người bệnh mà còn giúp phục hồi chức năng não bộ sau đột quỵ.

Các chuyên gia phục hồi chức năng có thể hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập để luyện tập cho não bộ, giúp não cải thiện khả năng truyền tín hiệu đến tay (hoặc các bộ phận khác trên đang gặp tình trạng run). Nhờ đó, khả năng phối hợp và tình trạng run rẩy tay chân đều được cải thiện đáng kể.

4.2. Sử dụng các loại thuốc để điều trị run chân tay sau tai biến

Nếu tập vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả tốt trong tình trạng run chân tay sau tai biến, khi đó bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc. Các loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc an thần hoặc các loại thuốc chẹn beta có thể được kê đơn để giảm thiểu đi tình trạng run tay chân. Bệnh nhân nên lưu ý rằng các loại thuốc này có thể mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn trong suốt quá trình điều trị như mệt mỏi, buồn nôn.

4.3. Phẫu thuật kích thích não sâu giúp cải thiện run chân tay sau tai biến

Trong các trường hợp run chân tay sau tai biến mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được cân nhắc thực hiện phương pháp điều trị phẫu thuật kích thích não sâu. Các bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép các điện cực vào vùng đồi thị (nới gây ra các cơn run tay chân). Theo đó điện cực sẽ được nối với thiết bị điều khiển xung điện được cấy ghép dưới da bệnh nhân tại ngực, thiết bị này sẽ truyền các xung điện đến vùng đồi thị, làm gián đoạn các tín hiệu điện có thể khởi phát các cơn run rẩy tay chân.

Phẫu thuật kích thích não sâu là phương pháp mang lại hiệu quả giảm run cho khoảng 70% bệnh nhân gặp phải tình trạng run tay chân sau tai biến. Tuy nhiên, bệnh nhân cần cân nhắc kỹ vì đây là một phương pháp điều trị có xâm lấn, vì vậy nó có thể mang lại những rủi ro nhất định trong quá trình tiến hành phẫu thuật.

4.4. Các biện pháp điều trị khác

Tình trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng run tay chân sau tai biến, do đó bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện các bài tập giúp tâm trạng thư giãn như các bài tập thiền, yoga, khí công, đi bộ...

Ngoài sử dụng các sản phẩm thảo dược có chứa dược liệu thiên ma, câu đằng sẽ giúp người bệnh run chân tay sau tai biến cảm thấy an thần, trấn tĩnh, giảm lo lắng, căng thẳng, đồng thời các dược liệu này còn có vai trò tương tự như tiền chất dinh dưỡng, giúp bệnh nhân nuôi dưỡng và bảo vệ các tế bào thần kinh, từ đó giúp giảm run tay chân. Các thảo dược này còn cung cấp nguồn chất chống oxy hóa để “dọn dẹp” tổn thương, giúp ổn định tính dẫn truyền thần kinh, khắc phục các tổn thương ở não sau tai biến hiệu quả.

5. Một số điểm cần lưu ý khi điều trị run chân tay sau tai biến

  • Bệnh nhân cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não, ngăn ngừa bệnh có khả năng tái phát như: hút thuốc lá, tình trạng tăng huyết áp, thói quen ăn mặn...;
  • Điều trị ổn định các bệnh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên cơn tai biến mạch máu não như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu...;
  • Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân run chân tay sau tai biến cần được thực hiện toàn diện, sớm và tuỳ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn cấp, việc chăm sóc bệnh nhân chiếm vị trí quan trọng, kết hợp phục hồi chức năng phải phải tiến hành ngay. Nội dung của các hoạt động này bao gồm: giữ tư thế của bệnh nhân tốt và đúng để tránh cứng khớp và biến dạng khớp, tập luyện để duy trì và tăng cường sức mạnh cơ, giúp bệnh nhân độc lập tối đa trong sinh hoạt hàng ngày thông qua các dụng cụ trợ giúp;
  • Vị trí đặt giường bệnh trong phòng cần lưu ý một số điểm sau: Giường bệnh được kê sao cho phía thân bị liệt của người bệnh hướng ra giữa phòng, như vậy mọi tiếp xúc, tác động đến bệnh nhân đều đến từ phía bên liệt, vì trí này sẽ khiến bệnh nhân vận động bên đó nhiều hơn và tránh được tình trạng bỏ quên nửa thân bị liệt của mình;
  • Khi cho người run chân tay sau tai biến tập các bài tập phục hồi chức năng cần chú ý quan sát sắc thái của họ, nếu bệnh nhân toát mồ hôi và tỏ ra mệt mỏi, cộng tác viên hoặc người nhà cần để bệnh nhân được nghỉ ngơi ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan