Đặt stent phủ thuốc có an toàn?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Stent mạch vành phủ thuốc là một bước tiến lớn trong ngành tim mạch can thiệp. Stent phủ thuốc giúp hạn chế tình trạng tái hẹp mạch vành ở những bệnh nhân hẹp động mạch vành đáng kể. Tuy nhiên, dùng stent phủ thuốc tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong stent và tăng nguy cơ chảy máu do thuốc kháng đông.

1. Stent phủ thuốc là gì?

Stent mạch vành là một khung đỡ bằng kim loại chịu được sự mài mòn và ôxy hóa cao được đặt trong lòng động mạch vành, với mục đích tái thông hoặc mở rộng lòng mạch vành bị hẹp và giữ nó không bị hẹp trở lại.

Stent mạch vành phủ thuốc được tráng một lớp thuốc đặc biệt để ngăn ngừa sự phát triển của lớp nội mạc. Lớp thuốc này sẽ được phóng thích dần dần vào mạch máu sau khi đặt stent, giúp lòng mạch luôn luôn trơn nhẵn và giảm tỷ lệ tái hẹp động mạch vành sau can thiệp.

2. Các loại stent mạch vành

Có bốn loại stent mạch vành:

Stent kim loại thường hay còn gọi là stent kim loại trần. Đây là stent mạch vành thế hệ đầu tiên, không có lớp phủ thuốc. Khả năng tái hẹp mạch vành sau đặt stent kim loại trần khá cao, khoảng 20 – 25% số bệnh nhân, trong vòng 6 tháng sau đặt.

dat-stent-phu-thuoc-co-toan-1
Stent kim loại trần là thế hệ đầu, chưa có lớp phủ thuốc

Stent phủ thuốc là stent mạch vành được phủ các loại thuốc (stent thế hệ thứ nhất: sirolimus, paclitaxel; stent thế hệ thứ hai: everolimus, zotarolimus) lên trên bề mặt của khung kim loại để ngăn chặn lớp nội mạc mạch máu tăng sinh quá mức nhằm giảm nguy cơ tái hẹp trong stent. Tỉ lệ tái hẹp mạch vành khi sử dụng stent mạch vành phủ thuốc là khoảng 10%, thấp hơn đáng kể so với khi dùng stent kim loại thường.`Các loại stent phủ thuốc như:

  • Stent phủ thuốc thế hệ thứ nhất: Taxus (phủ thuốc Paclitaxel) và Cypher (phủ thuốc Sirolimus). Nhiều nghiên cứu cho thấy lớp Polymer không tiêu của stent phủ thuốc thế hệ thứ nhất có thể gây phản ứng quá mẫn muộn, viêm mạn, tích tụ sợi fibrin và hậu quả là kém nội mạc hóa thành mạch và gây huyết khối trong stent. So với stent kim loại trần, stent phủ thuốc thế hệ thứ nhất không cho khác biệt về tỷ lệ tử vong, nhưng lại tăng nguy cơ huyết khối muộn trong stent.
  • Stent phủ thuốc thế hệ thứ hai: tiến bộ hơn trong thiết kế. Khung stent phủ thuốc thế hệ thứ hai mỏng hơn (chủ yếu làm bằng hợp kim Cobalt Chromium) và lớp Polymer mang thuốc có tính tự tiêu hoặc khả dụng sinh học. Loại stent này an toàn hơn vì giảm có ý nghĩa huyết khối sớm và muộn trong stent so với stent không phủ thuốc và các loại stent phủ thuốc khác.

Stent tự tiêu (stent sinh học): là loại stent phủ thuốc có khung tự tiêu hoàn toàn sau một thời gian đặt stent, giúp thúc đẩy tái tạo thành mạch và mạch vành sẽ có trở lại các đặc điểm sinh học bình thường nó như: tính co dãn, tái cấu trúc mạch vành, sau khi tự tiêu không cản trở nhánh bên, khung mềm mại làm dòng máu dễ lưu thông ở nơi gập góc, giảm hiện tượng phản ứng của mạch máu ở đầu và cuối của stent. Trong các nghiên cứu ban đầu, stent phủ thuốc tự tiêu cho thấy kết quả lâm sàng tương đương stent phủ thuốc thế hệ thứ hai. Tuy nhiên, giá thành của loại stent này rất cao.

Stent trị liệu kép: là loại stent mạch vành phủ thuốc mới nhất làm giảm nguy cơ tái hẹp và hình thành huyết khối trong stent, thúc đẩy quá trình lành tổn thương.Với những ưu điểm đó, stent trị liệu kép là loại stent phủ thuốc mắc tiền nhất.

dat-stent-phu-thuoc-co-toan-2
Stent tự tiêu là loại stent phủ thuốc sẽ tự tiêu sau một thời gian

3. Những lưu ý khi dùng stent phủ thuốc

Stent mạch vành phủ thuốc là một bước tiến lớn trong ngành tim mạch can thiệp. Ngày càng có nhiều bệnh nhân được điều trị thành công và kéo dài đời sống bằng stent phủ thuốc. Tuy nhiên, có những lưu ý sau nếu bệnh nhân được đặt stent phủ thuốc:

  • Stent phủ thuốc có nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng mạch. Mặc dù stent thế hệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với stent thế hệ cũ nhưng nguy cơ huyết khối trong stent và tái hẹp sau đặt stent vẫn có khả năng xảy ra. Huyết khối gây tắc stent là một biến chứng cấp tính có thể xảy ra sớm hoặc muộn sau đặt stent mạch vành và có tỉ lệ tử vong cao.
  • Để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu động, bệnh nhân cần phải uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel,.. đều đặn và không được tự ý bỏ thuốc. Nhiều nghiên cứu lớn tại Anh và Mỹ cho thấy việc bỏ thuốc có liên quan mật thiết với tỷ lệ tái hẹp và tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kéo dài đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết dạ dày. Nguy cơ xuất huyết tăng lên nếu bệnh nhân có sẵn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoặc các tình trạng bệnh lý dễ chảy máu.
  • Stent phủ thuốc chỉ hạn chế chứ không hoàn toàn ngăn ngừa hiện tượng tái hẹp mạch vành. Vì thế dù tỷ lệ rất thấp, tái hẹp mạch vành sau một thời gian đặt stent phủ thuốc vẫn có thể xảy ra, nhất là bệnh nhân không uống thuốc đều. Khi được điều trị nội khoa đầy đủ và phù hợp, stent phủ thuốc tương đối an toàn và kéo dài đời sống cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan