Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Vì thế, việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và chăm sóc người bệnh nhồi máu cơ tim đúng cách sẽ ngăn ngừa tái phát tình trạng này, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân.

1. Nhồi máu cơ tim là gì ?

1.1. Định nghĩa

Nhồi máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim cấp thuộc hội chứng vành cấp, là một bệnh lý tim mạch xảy ra khi có tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành do cục máu đông hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. Hệ thống động mạch vành có chức năng cung cấp máu và dinh dưỡng cho tế bào cơ tim. Khi lượng máu nuôi tim bị giảm đi, hoạt động của cơ tim sẽ bị yếu dần, từ đó có thể dẫn đến suy giảm chức năng tâm trương và tâm thu và khiến bệnh nhân dễ bị loạn nhịp tim.

Hội chứng vành cấp có ba loại là nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI), nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI) và đau thắt ngực không ổn định (các triệu chứng gần giống với NSTEMI, tuy nhiên các Marker của tim thường không tăng.

Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim được chia thành hai nhóm :

  • Do xơ vữa động mạch : Các mảng xơ vữa động mạch thường bị vỡ và dẫn đến huyết khối, góp phần làm giảm mạnh lưu lượng máu trong mạch vành.
  • Không do xơ vữa động mạch: Sự giảm cung cấp oxy xảy ra do mất máu cấp tính, thiếu máu hoặc huyết áp thấp... Tăng nhu cầu oxy gặp trong nhịp tim nhanh, nhiễm độc giáp, hoặc uống cocaine làm tăng nhu cầu oxy...

1.2. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố thay đổi được :

  • Các vấn đề về tâm lý như suy nghĩ tiêu cực, lo âu, căng thẳng...
  • Hút thuốc lá.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Các bệnh lý làm viêm động mạch vành.
  • Lười vận động, hạn chế hoạt động thể lực
  • Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Các yếu tố không thể thay đổi được :

  • Tuổi tác : Người càng lớn tuổi càng có nguy cơ.
  • Giới tính : Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
  • Phụ nữ sau mãn kinh.
  • Tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch.
  • Người gốc Nam Á và Đông Á có tỷ lệ mắc bệnh cao, người da đen thường ít gặp phải nhồi máu cơ tim.

2. Triệu chứng lâm sàng

2.1. Đau ngực

Đau ngực là triệu chứng cơ bản của nhồi máu cơ tim. Cơn đau dai dẳng và dữ dội có thể lan ra cánh tay trái, hàm, cổ hoặc bả vai. Cơn đau thường được mô tả là dữ dội, ép chặt sau xương ức và có thể kéo dài trong 12 giờ hoặc hơn.

  • Khó thở do nhu cầu oxy tăng lên và nguồn cung cấp oxy giảm.
  • Khó tiêu xuất hiện do sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm.
  • Nhịp tim nhanh và thở nhanh để bù đắp cho lượng oxy bị giảm cung cấp.
  • Người bệnh có thể gặp các biểu hiện như sốt, lạnh tứ chi, vã mồ hôi, lo lắng, bồn chồn...

2.2. Cận lâm sàng

  • Các bất thường trên điện tâm đồ 12 chuyển đạo.
  • Xét nghiệm dấu ấn sinh học cơ tim như CK-MB, LDH, Troponins I, Troponins T, Myoglobin... giúp hỗ trợ chẩn đoán.
  • Siêu âm tim, X-quang ngực thẳng, Chụp động mạch vành, Chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA), chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI)... giúp hỗ trợ chẩn đoán.
  • Các xét nghiệm khác như chức năng gan thận, điện giải đồ, xét nghiệm lipid máu như lipid toàn phần, HDL, LDL, VLDL, cholesterol toàn phần, triglyceride, phospholipid...Thường được thực hiện trong vòng 24 giờ nhập viện.

3. Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Hiện nay, việc lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp hay chăm sóc bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ nói riêng và các bệnh lý tim mạch khác nói chung cần được thực hiện sớm và đúng cách ngay tại bệnh viện và cả sau khi bệnh nhân về nhà. Điều này nhằm hạn chế giảm tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân, đồng thời dự phòng tái phát những bệnh lý này.

3.1. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện:

Quá trình chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện chủ yếu là công việc của nhân viên y tế và cụ thể là điều dưỡng viên. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân sẽ giúp việc chăm sóc hiệu quả hơn.

3.1.1. Đánh giá

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim là đánh giá:

  • Đánh giá xem cơn đau ngực về mức độ, hoặc khi cơn đau ngực không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, đặc biệt là huyết áp, nhịp mạch, tần số thở.
  • Đánh giá sự hiện diện của khó thở, khó thở, thở nhanh và rales ở phổi.
  • Đánh giá đường huyết và nống đồ Lipid máu.
  • Đánh giá tình trạng buồn nôn và nôn.
  • Đánh giá lượng nước tiểu.
  • Đánh giá tiền sử bệnh tật, tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.
  • Đánh giá tuổi tác, thể trạng trước và tại thời điểm nhập viện.
  • Thực hiện đánh giá thể chất đầy đủ và chính xác để phát hiện các biến chứng cùng với những thay đổi về tình trạng của bệnh nhân.

3.1.2. Lập kế hoạch và thực hiện chế độ chăm sóc

Giảm triệu chứng đau ngực

  • Hạn chế vận động thể lực trong những ngày đầu nhập viện sẽ giúp giảm tiêu thụ oxy của cơ tim.
  • Theo dõi tần số thở khi thực hiện y lệnh Morphin Sulfat, vì có biến chứng ức chế hô hấp.
  • Thực hiện y lệnh thuốc giãn mạch vành nếu có.
  • Thực hiện y lệnh thở oxy.

Cải thiện lưu lượng máu từ tim đến các cơ quan khác

  • Nghỉ ngơi giúp giảm tần số tim và cải thiện lưu lượng tim.
  • Thực hiện y lệnh thuốc giãn mạch để làm giảm hậu gánh (sức cản ngoại biên).
  • Theo dõi: Tần số tim, tình trạng loạn nhịp tim, huyết áp, lượng nước tiểu, triệu chứng đau ngực, triệu chứng mệt mỏi.

Cải thiện trao đổi khí ở phổi

  • Hướng dẫn bệnh nằm nghỉ ở tư thế nửa ngồi (tư thế Fowler).
  • Thực hiện y lệnh thở oxy.
  • Hướng dẫn người bệnh tập thở sâu, thường xuyên thay đổi tư thế để cải thiện thông khí phổi sau khi hết đau ngực.
  • Theo dõi: Tần số thở, kiểu thở, tình trạng khó thở.

Kiểm soát và điều trị các bệnh lý đi kèm có thể gây biến chứng tim mạch

  • Tăng huyết áp: Huyết áp mục tiêu từ 140/90 mmHg trở xuống.
  • Đái tháo đường.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Rối loạn chức năng thận.

Hoạt động thể lực sau khi hết đau ngực

  • Vận động với tần suất tăng dần.
  • Ngày đầu sau khi hết đau ngực chỉ cần cử động nhẹ các ngón tay, chân.
  • Ngày thứ 2 có thể ngồi dậy 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 5 - 10 phút.
  • Ngày thứ 3 - 4 có thể ngồi dậy 3 - 4 lần, mỗi lần 10-20 phút hoặc có thể đi lại vài bước trong phòng bệnh.
  • Ngày thứ 5 - 6 có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh.
  • Ngày thứ 7 – 8 có thể đi bộ ra đến hành lang bệnh viện.
  • Ngày thứ 9 và sau đó có thể đi lại xa hơn nhưng không được làm việc nặng.
  • 2 - 3 tháng sau có thể làm việc bình thường nhưng tránh các việc nặng và các cảm xúc mạnh.
  • Theo dõi các đáp ứng sau các hoạt động thể lực: Mạch, nhịp, huyết áp; Triệu chứng đau ngực, khó thở, vã mồ hôi.

Giảm lo lắng cho bệnh nhân:

  • Giữ phòng bệnh luôn trong trạng thái yên tĩnh.
  • Tránh sang chấn tinh thần và căng thẳng cho bệnh nhân.
  • Tâm sự và khuyến khích giãi bày những lo âu để tìm cách giải thích cho bệnh nhân yên lòng.
  • Thực hiện y lệnh thuốc an thần nếu có.

Giáo dục sức khỏe:

  • Kiểm tra sự hiểu biết của bệnh nhân về bệnh và thuốc điều trị, cung cấp giáo dục kiến thức, cả bằng văn bản và lời nói.
  • Hướng dẫn bệnh nhân về chế độ ăn hợp lý, chế độ luyện tập để hồi phục sau nhồi máu cơ tim.
  • Với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch nên được giải thích và hướng dẫn bệnh nhân thường xuyên thăm khám và điều trị các bệnh kèm.

3.1.3. Đánh giá sau thực hiện chăm sóc

Các mục tiêu cần đạt được sau khi thực hiện kế hoạch chăm sóc

  • Bệnh nhân hết đau ngực, các cơn đau ngực không tái phát.
  • Cải thiện lưu lượng máu từ tim đến khác cơ quan.
  • Cải thiện lưu lượng máu nuôi tim.
  • Bệnh nhân hết khó thở, giảm mệt mỏi.
  • Bệnh nhân tăng dần hoạt động thể lực.
  • Bệnh nhân hết lo lắng.
  • Bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sau khi xuất viện.

3.2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại nhà

  • Bảo đảm sức khỏe tâm lý xã hội, tránh lo âu, trầm cảm, kiểm tra mức độ hỗ trợ xã hội của bệnh nhân, kiểm tra về kiến thức chăm sóc của người thân bệnh nhân.
  • Khuyên bệnh nhân nên tập thể dục 20-30 phút mỗi ngày tại nhà, với những người ít tập thể dục nên khởi đầu với mức nhẹ.
  • Khuyên bệnh nhân ngừng và cai thuốc lá.
  • Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhiều chất béo bão hòa và thay thế bằng chất béo không bão hòa, ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm như, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, rau xanh, trái cây, cá...Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nấu sẵn, thịt đỏ...
  • Hạn chế hoặc ngừng sử dụng rượu bia, hoặc trong một số trường hợp có thể khuyên bệnh nhân uống rượu không quá 21 đơn vị cồn một tuần đối với nam, 14 đơn vị đối với nữ, với không quá 3 ly rượu trong 1–2 giờ.
  • Khuyên rằng trong trường hợp nhồi máu cơ tim không biến chứng hạn chế hoạt động tình dục trong vòng 4 tuần đầu.
  • Kiểm soát cân nặng thích hợp tránh thừa cân, béo phì.
  • Thiết lập liên hệ với bệnh nhân để dễ dàng cho việc thảo luận thêm và thay đổi kế hoạch chăm sóc khi cần thiết.
  • Kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid huyết thanh.
  • Sắp xếp một cuộc hẹn tái khám sau 3 tháng hoặc sớm hơn tùy theo nhu cầu của bệnh nhân. Thực hiện các xét nghiệm định kỳ trong phòng thí nghiệm và điện tâm đồ, cũng như kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Thực hiện kế hoạch bệnh nhân nhồi máu cơ tim là một vấn đề thiết yếu, nhằm làm giảm tỷ lệ tái phát của bệnh lý này, đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, hay tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, để chế độ chăm sóc cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim đạt được hiệu quả cao nhất đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh, gia đình và nhân viên y tế trong việc theo dõi và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan