Các dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành hiện đang có xu hướng gia tăng, do đó việc nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh sẽ hỗ trợ điều trị và phòng bệnh có hiệu quả hơn. Vậy bệnh mạch vành biểu hiện thế nào?

1. Dấu hiệu nào cảnh báo sớm bệnh mạch vành?

Bệnh động mạch vành có nghĩa là sự thu hẹp của dòng máu trong lòng mạch máu nuôi tim. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh động mạch vành là do xơ vữa động mạch. Đây là hậu quả của việc thành mạch máu bị tổn thương lâu ngày, từ đó tích lũy canxi, hạt mỡ xấu cũng như chất thải tế bào và tạo ra mảng xơ vữa. Trong một số ít trường hợp khác, bệnh động mạch vành có thể là do co thắt mạch vành.

Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện dấu hiệu sớm để điều trị kịp thời. Vậy bệnh mạch vành biểu hiện thế nào? Theo đó, đau thắt ngực chính là dấu hiệu bệnh mạch vành cơ bản cũng như quan trọng nhất để nhận biết bệnh này. Tính chất đau thắt ngực như sau:

  • Người bệnh sẽ có cảm giác đau bó chặt, thắt nghẹt hoặc có thể là cảm giác khó chịu trong lồng ngực.
  • Vị trí đau thắt ngực thường gặp là giữa ngực, vùng tim hoặc sau xương ức. Tính chất đau có thể khu trú hoặc lan tỏa lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay, lưng hoặc vùng cột sống.
  • Cơn đau thắt ngực thường ngắn, khoảng 30 giây hoặc vài phút. Tuy nhiên cần lưu ý là nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút có khả năng người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực có 2 loại, đó là cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định thường ít nguy hiểm hơn, tình trạng này là do mảng vữa xơ gây hẹp lòng động mạch vành, với chu kỳ lặp đi lặp lại nếu người bệnh gắng sức ở một mức độ và trong cùng một hoàn cảnh. Còn trường hợp đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời thì nguy cơ gây nhồi máu cơ tim rất cao.

Phương pháp phân biệt giữa đau thắt không ổn định và đau thắt ngực ổn định là hoàn cảnh xảy ra đau thắt ngực khi người bệnh nghỉ ngơi hay khi gắng sức. Nếu khi người bệnh gắng sức mức độ nhất định thì đồng nghĩa với ổn định, tuy nhiên trường hợp đau thắt ngực khi nghỉ ngơi có nghĩa không ổn định.

Bên cạnh đó, ngoài triệu chứng đau thắt ngực cảnh báo bệnh mạch vành thì người bệnh còn có thể có thêm một số triệu chứng khác như: Khó thở kéo dài, mệt mỏi, chóng mặt. Đây cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh động mạch vành mà người bệnh thường hay bỏ qua. Ngoài ra, hiện tượng chóng mặt nhưng không liên tục khi hoạt động thể chất có gắng sức cũng có thể là triệu chứng bệnh mạch vành mà người bệnh cần lưu ý.

Ngủ ngáy kèm đau thắt ngực vào ban đêm là triệu chứng của OSA
Đau thắt ngực cảnh báo dấu hiệu bệnh mạch vành

2. Dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành có dễ nhận biết không? Hay nhầm với bệnh nào khác không?

Khi bị mắc bệnh động mạch vành, nguy cơ biến chứng lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với người bệnh chính là cơn nhồi máu cơ tim cấp, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, bệnh động mạch vành nếu không phát hiện sớm để có phương pháp kiểm soát tốt thì nguy cơ suy tim và rối loạn nhịp tim rất cao. Các căn bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và gây tốn kém về kinh tế trong quá trình điều trị bệnh.

Theo đó, dấu hiệu bệnh mạch vành điển hình và dễ nhận biết nhất chính là cơn đau thắt ngực với cảm giác đau âm ỉ hoặc nhói sau xương ức, có thể khu trú hoặc lan tỏa đến khu vực cổ, bả vai, cánh tay. Ngoài dấu hiệu đau thắt ngực, người bệnh còn có thể bị khó thở kéo dài, mệt mỏi khi phải gắng sức ở mức độ nhẹ, khó tiêu, đánh trống ngực, đau họng,...

Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng thường hay nhầm lẫn với một số bệnh lý khác không do tim mạch như: Trào ngược dạ dày – thực quản, co thắt thực quản, bệnh đĩa đệm cổ tử cung, người bị bệnh tiểu đường,... Do đó, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng để chẩn đoán bệnh mạch vành thì sẽ rất dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

Vì thế, khi có triệu chứng đau thắt ngực, khó thở kéo dài, mệt khi gắng sức,... người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định chụp mạch vành (tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh động mạch vành), làm nghiệm pháp gắng sức, siêu âm Doppler tim, Holter điện tim, siêu âm tim gắng sức... để xem có phải bị bệnh động mạch vành hay không?

3. Làm gì khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh động mạch vành?

Khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh động mạch vành, người bệnh cần làm những điều sau đây để hỗ trợ và dự phòng bệnh:

  • Việc đầu tiên người bệnh cần làm là sau khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh động mạch vành, người bệnh cần dừng tất cả mọi công việc lại để nghỉ ngơi, cân bằng lại cơ thể. Sau đó, sử dụng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi.
  • Khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm, nên đến bệnh viện để gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nhằm chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời. Đây là việc làm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa các biến chứng cho người bệnh, bởi chỉ cần một cơn gắng sức nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
  • Sau khi khám và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, người bệnh nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời dự phòng bệnh bằng cách thay đổi các thói quen xấu như hút thuốc lá; tập thể dục thể thao điều độ và hợp lý; tránh stress và gắng sức;

Ngoài ra, để tránh tác động tiêu cực đến bệnh động mạch vành, đối với những người có bệnh nền như: đái tháo đường; huyết áp cao hay bệnh rối loạn lipid máu và béo phì... cần điều trị ngay lập tức, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

226 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan