Bị suy tim có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy tim làm giảm khả năng bơm máu của tim khiến người bệnh thường xuyên khó thở, đau ngực, mệt mỏi, ho, phù... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, lúc này người bệnh phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy thực chất suy tim có nguy hiểm không và mức độ như thế nào?

1. Suy tim là gì?

Suy tim (heart failure) là tình trạng chức năng tim bị suy yếu do các bệnh lý tại tim hoặc của các cơ quan khác, khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu đáp ứng nhu cầu oxy của các cơ quan trong cơ thể.

Hệ thống tim mạch không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở, một số người bị ho. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc mang vác đồ có thể trở nên khó khăn hơn. Khi bệnh nhân gắng sức, có thể xuất hiện tình trạng ứ dịch dẫn đến sung huyết phổi và phù ngoại vi. Vậy thực chất suy tim có nguy hiểm không và nếu nguy hiểm thì ở mức độ như thế nào?

2. Đi tìm lời giải chi tiết “Suy tim có nguy hiểm không?”

Suy tim nguy hiểm bởi có thể khiến người bệnh phải đối mặt với 5 biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Phù phổi cấp: Tình trạng này làm ứ đọng lượng dịch lớn trong phổi, làm cản trở quá trình hô hấp, khiến người bệnh ho khan, khó thở... Một số người bệnh có thể nặng hơn với biểu hiện ứ trệ nghiêm trọng dẫn tới phù phổi cấp hay chết đuối trên cạn với các dấu hiệu khó thở đột ngột, ho ra bọt màu hồng...
  • Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tử vong ở người bệnh. Máu ứ trệ trong tim dài ngày, kết dính với nhau và tạo thành cục máu đông. Huyết khối này có thể gây bít tắc động mạch vành, động mạch não, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.
  • Đột tử do rối loạn nhịp tim: Tình trạng này thường khiến cho nhịp tim nhanh thất hoặc rung thất.
  • Tổn thương gan: Có thể xảy ra do suy tim làm máu lưu thông không tốt và tích tụ trong cơ thể gây áp lực tới gan, từ đó chức năng hoạt động của gan kém đi.
  • Suy thận: Biến chứng suy thận cũng có thể xảy ra do suy tim làm giảm lưu lượng máu tới thận. Người bệnh cần lọc máu cũng như áp dụng các phương pháp điều trị chuyên biệt cho trường hợp này.

3. Các cấp độ của bệnh suy tim

Suy tim được chia thành 4 độ:

  • Độ 1: Người bệnh thường mới ở giai đoạn khởi phát. Hầu hết ở giai đoạn này chưa có biểu hiện triệu chứng gì rõ nét. Đôi khi người bệnh chỉ nhận thấy tình trạng khó thở và mệt mỏi khi gắng sức làm việc.
  • Độ 2: Người bệnh có tình trạng rối loạn nhẹ khi hoạt động thể lực. Khi đó có các biểu hiện như tức ngực, khó thở, mệt, hồi hộp đánh trống ngực. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ giảm nếu người bệnh được nghỉ ngơi.
  • Độ 3: Ở giai đoạn này, người bệnh dù làm việc nhẹ nhàng cũng cảm thấy đau tức ngực, khó thở, làm hạn chế vận động.
  • Độ 4: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh suy tim. Người bệnh ngay cả nghỉ ngơi cũng thấy khó thở, tức ngực, mệt mỏi. Toàn bộ hoạt động cần được hạn chế tối đa và triệu chứng của bệnh sẽ nặng lên tùy theo những hoạt động người bệnh thực hiện.

4. Dấu hiệu cảnh báo suy tim trở nặng

Khi biết các biểu hiện khi suy tim trở nặng sau đây, bạn sẽ biết suy tim có nguy hiểm không.

  • Khó thở: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy tim chính là khó thở. Ban đầu, người bệnh suy tim có thể chỉ thấy khó thở hơn khi phải gắng sức. Tuy nhiên, khi suy tim trở nặng thì tình trạng khó thở có thể diễn ra thường xuyên và thậm chí còn diễn ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Nếu cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nằm thì cần phải đi khám ngay vì triệu chứng này cho thấy suy tim đang chuyển sang giai đoạn nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.
  • Ho: Đặc biệt khi đang nằm mà ho dữ dội cũng là dấu hiệu cảnh báo suy tim trở nặng. Theo đó, tình trạng ho có thể do sự tích tụ dịch lỏng tại phổi. Thậm chí, suy tim nặng có thể ho ra đờm lẫn máu, màu hồng hoặc đỏ. Nếu có những triệu chứng này thì người bệnh suy tim cần nhập viện ngay lập tức.
  • Mệt mỏi mãn tính: Do tim suy yếu nên giảm khả năng bơm máu, dẫn đến việc các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu giàu oxy và dưỡng chất. Vì vậy, người bệnh suy tim thường mệt mỏi ngay cả khi không làm gì.
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân: Tình trạng tích tụ chất lỏng ở bàn chân có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy tim đang trở nặng. Khi tim yếu dần đi thì sẽ khó khăn cho quá trình bơm máu từ các chi trở về tim. Khi đó, tình trạng máu tích tụ tĩnh mạch tăng cao. Áp lực tĩnh mạch tăng, khiến cho dịch lỏng có thể bị rò rỉ và gây sưng các chi.
  • Tăng cân bất thường, mất kiểm soát: Do chất lỏng trong cơ thể bị tích tụ nên người bệnh suy tim sẽ thấy cân nặng tăng lên nhiều hơn so với thực tế.
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực: Khi suy tim tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ thấy hay hồi hộp, đánh trống ngực và tim đập nhanh hơn. Tình trạng đánh trống ngực và tim đập nhanh có thể xảy ra còn do rối loạn nhịp tim liên quan đến suy tim mãn tính.

5. Điều trị suy tim sớm giúp phòng ngừa biến chứng

Điều trị suy tim sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh, nguyên nhân gây suy tim và đáp ứng của người bệnh với phương pháp điều trị.

Ở giai đoạn đầu, giai đoạn khởi phát tim chưa bị suy yếu nhiều thì có khả năng đáp ứng tốt với thuốc. Ở giai đoạn này cũng mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn.

  • Sử dụng thuốc: Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và báo ngay cho bác sĩ nếu có gặp dấu hiệu bất thường.
  • Phẫu thuật tim mạch: Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa và tùy thuộc vào nguyên nhân suy tim ở từng người. Có thể phẫu thuật cầu động mạch, nong mạch hay đặt stent với trường hợp nguyên nhân suy tim là do bệnh mạch vành - thiếu máu cơ tim; sửa chữa van tim, thay van tim với người hở hẹp van tim; đặt máy tạo nhịp với người rối loạn nhịp tim... Giải pháp cuối cùng là ghép tim nếu tình trạng người bệnh quá nguy cấp.
  • Duy trì vận động: Người bệnh nên thực hiện thói quen luyện tập hàng ngày để tăng dần hiệu quả điều trị bệnh, giúp cho máu lưu thông tốt hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Điều chỉnh chế độ ăn: Người bệnh cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế - giảm muối, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm khó tiêu hoá chứa nhiều đạm và chất béo.
  • Bổ sung sản phẩm hỗ trợ giúp tăng cường chức năng cho tim: Ngoài việc tuân thủ chỉ định điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh nên sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ giúp tăng cường năng lượng, tăng cường chức năng cho tim, nhằm cải thiện các triệu chứng suy tim, ngăn suy tim tiến triển nặng và giảm tần suất nhập viện. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trên cũng như độ an toàn, tránh tương tác thuốc bởi người suy tim phải dùng rất nhiều loại thuốc, người bệnh nên chọn các sản phẩm hỗ trợ đã được kiểm chứng lâm sàng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan