Bị rối loạn lipid máu mãn tính nên ăn gì?

Rối loạn chuyển hóa Lipid máu còn gọi là rối loạn mỡ máu chính là yếu tố nguy cơ gây ra một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe (xơ vữa động mạch, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim). Có nhiều nguyên nhân gây nên rối loạn chuyển hóa lipid máu như: chế độ ăn uống hàng ngày, lối sống, chế độ tập luyện, yếu tố di truyền..., trong đó chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng nhất.

1. Rối loạn mỡ máu là gì?

Rối loạn lipid máu là sự mất đi sự cân bằng riêng lẻ hoặc đồng thời các thành phần lipid (tăng cholesterol máu, tăng LDL-C, tăng triglycerid và giảm HDL-C trong máu). Rối loạn chuyển hóa Lipid máu là yếu tố nguy cơ gây ra một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như: xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,...

2. Nguyên nhân của rối loạn chuyển hóa lipid máu

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây rối loạn mỡ máu:

  • Chế độ ăn của người bệnh (ăn nhiều chất béo bão hòa hay còn gọi là “ chất béo xấu”).
  • Béo phì (Dư thừa năng lượng).
  • Lối sống: Lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia...
  • Yếu tố di truyền ( Rối loạn chuyển hóa lipid máu có tính chất gia đình).

3. Lựa chọn chế độ ăn cho người rối loạn chuyển hóa lipid máu mãn tính

Dưới đây là một số lời khuyên về việc lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thực phẩm cho những bệnh nhân rối loạn lipid máu có thể kham khảo:

  • Giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, trong đó thành phần chất dinh dưỡng ăn hàng ngày có lượng acid béo bão hòa <10%, tổng số các chất béo không quá 30% và lượng cholesterol < 300mg/ngày.
  • Chất béo trong thực phẩm được chia thành 2 dạng là chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa. Người bệnh cần tránh hoặc giảm chất béo bão hòa hay “chất béo xấu” như: thịt mỡ động vật, trứng, sữa nguyên, phủ tạng động vật, các loại phomat, kem. Ngược lại, ăn các chất béo chưa bão hòa hay “chất béo tốt” giúp làm giảm cholesterol, tryglycerid, ngăn ngừa mảng xơ vữa, thực phẩm chứa Omega 3Omega 6. Các loại hải sản như: cá chích, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá chép, cá trắm... là những thực phẩm giàu omega 3. Các cây họ đậu là nguồn giàu omega 6: đậu đen, đậu đỗ, đậu đỏ, đậu nành... ngoài ra một số loại dầu thực vật cũng giàu omega 6 (dầu mè, dầu vừng, dầu hướng dương...).
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ trong rau củ, trái cây làm giảm mỡ máu bằng cách làm giảm lipid có hại (LDL-C), tăng lipid có ích ( HDL-C). Nếu chế độ ăn nhiều bơ, cholesterol tăng cao, nhưng khi thêm chất xơ vào khẩu phần ăn thì lượng cholesterol giảm xuống tới 20%. Chất xơ có thể làm giảm triglycerid, phòng bệnh béo phì, vì thực phẩm giàu chất xơ thời gian tiêu hóa lâu hơn làm cho cơ thể no lâu, từ đó giảm thèm ăn..
  • Tăng cường thức ăn chứa nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa (A, C, E. kẽm...): làm giảm lipid máu và tăng sự tuần hoàn máu nên làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Uống đủ nước: Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi người nên uống 40 ml nước/kg/ngày (VD: 1 người 50 kg nên uống ~ 2 lít nước/ngày).
  • Hạn chế rượu bia, nước ngọt, thuốc lá: Cần hạn chế tối đa bia rượu góp phần giảm nguy cơ gia tăng biến chứng với bệnh nhân rối loạn lipid máu: bệnh mạch vành, đột quỵ...
  • Cách chế biến thực phẩm: Nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc. Giảm ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, không nên ăn thức ăn nhanh.

4. Một số loại thực phẩm khuyên dùng cho người bệnh rối loạn lipid mạn tính

Người bệnh rối loạn chuyển hóa Lipid mạn tính ngoài việc sử dụng thuốc còn cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý kết hợp việc luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm khi ăn vào còn có tác dụng giảm lipid máu và dưới đây là một số thực vật, hoa quả chúng ta có thể tham khảo để dùng khi có mỡ máu cao:

  • Đậu xanh: Hạt đậu xanh là thức ăn hoàn hảo cho việc giảm cân vì chứa ít chất béo, giàu protein và chất xơ, giúp hạ thấp một mức độ cholesterol cao trong hệ thống máu. Cháo đậu xanh có thể ăn với đường hoặc muối (nước mắm) là thực phẩm rất phổ biến và tốt trong mùa hè.
  • Đậu phụ và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (sữa đậu tương, sữa chua đậu tương...): chứa khoảng 11% protein, 5% chất béo, là thực phẩm phổ biến, có bán sẵn ở chợ lớn, nhỏ và xuất hiện thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Đậu phụ và các sản phẩm chế biến từ đậu tương cung cấp protein quan trọng trong chế độ ăn của nhóm đối tượng rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số bệnh khác thường gặp ở tuổi già.
  • Đậu đen: Rất giàu chất xơ, giúp giảm cholesterol, chất xơ hòa tan cũng giúp ngăn ngừa sự tăng nhanh chóng lượng đường trong máu, sau bữa ăn. Đậu đen ít calo và không chứa chất béo là thực phẩm tuyệt vời cho người rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường type 2.
  • Đậu đỏ: Có chứa rất ít chất béo, cholesterol và rất giàu protein. Đậu đỏ có nhiều chất xơ, các chất xơ hòa tan được tìm thấy trong đậu đỏ cũng giúp giảm cholesterol trong máu bằng cách thúc đẩy cholesterol qua đường tiêu hóa trước khi cơ thể hấp thụ. Đậu đỏ cũng giàu chất chống oxy hóa, chất chống oxy hóa cần thiết để bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch,....
  • Hạt điều: Các chất béo trong hạt điều chiếm khoảng 47%, trong đó có trên 80% các chất béo chưa bão hòa, tỉ lệ các chất béo chưa bão hòa và bão hòa là 4:1 rất có lợi. Các chất béo chưa bão hòa hay “chất béo tốt” không những không làm tăng lipid máu mà còn có tác động điều hòa và làm giảm lượng lipid trong máu, từ đó giúp tránh được các bệnh về tim mạch.
  • Rau ngót: Dùng canh rau ngót ăn hàng ngày có tác dụng đối với người bị mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não do tắc mạch, nghẽn mạch.
  • Táo: Giàu vitamin C và chất xơ, giúp bền vững thành mạch, giảm xơ vữa. Bên cạnh đó táo còn giúp phòng chống táo bón, hỗ trợ việc giảm cân cho người thừa cân, béo phì.
  • Lựu: Có thể giúp hạn chế hình thành những mảng xơ vữa trong động mạch và nguy cơ đột quỵ ( hậu quả của rối loạn chuyển hóa lipid).
  • Nho đỏ: Hợp chất Resveratrol trong lớp vỏ của nho đỏ (nho xanh không có chất này) có tác dụng ngăn hồng cầu kết dính vào nhau, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, tăng cholesterol tốt ( HDL-C), và giảm cholesterol xấu ( LDL-C).
  • Bưởi đỏ: Không chỉ giàu chất xơ hòa tan mà còn kích thích sự ngon miệng, có tác dụng đốt chất béo, giảm lipid máu trong cơ thể, đặc biệt là làm giảm cholesterol.
  • Rong biển: Là thực phẩm rất có ích đối với sức khỏe vì có chứa nhiều iod và magie, có tác dụng trong việc ngăn ngừa hình thành mảng lắng đọng cholesterol ở thành mạch. Ngoài ra, trong rong biển còn có thành phần laminaria polysaccharide, thành phần này có thể làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid.
  • Các loại nấm (Như nấm hương, nấm linh chi, mộc nhĩ) có tác dụng hiệu quả trong việc làm giảm cả cholesterol và triglycerid máu.

Dưới đây là Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam - Viện Dinh Dưỡng 2017 cung cấp:

Bảng 1. Các thực phẩm thông dụng giàu chất xơ

d

Bảng 2. Các thực phẩm thông dụng có hàm lượng Cholesterol cao

Bảng 2. Các thực phẩm thông dụng có hàm lượng Cholesterol cao

Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tuân thủ nghiêm chế độ ăn, lối sống và chế độ tập luyện khoa học. Việc người bệnh tuân thủ được chế độ ăn hợp lý và biết cách chọn món ăn phù hợp góp phần giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các chỉ số lipid máu như cholesterol, tryglicerid máu... hạn chế các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

173 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan