Vết mổ sạn túi mật gần 2 năm bị đau, ăn không tiêu bị ói nên uống thuốc gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em mổ sạn túi mật được gần 2 năm, giờ ăn không tiêu, bị ói với đau chỗ mổ. Bác sĩ cho em hỏi vết mổ sạn túi mật gần 2 năm bị đau, ăn không tiêu bị ói nên uống thuốc gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Vết mổ sạn túi mật gần 2 năm bị đau, ăn không tiêu bị ói nên uống thuốc gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thường sau mổ cắt túi mật không ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa của bệnh nhân. Các triệu chứng của bạn có thể do nguyên nhân khác như trào ngược dạ dày thực quản.

Bạn cần khám, làm các xét nghiệm để rõ và tùy vào trường hợp mà có hướng điều trị cụ thể.

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tùy theo mức độ của bệnh. Phần lớn các trường hợp nhẹ, mới xuất hiện chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, bệnh cũng có thể được cải thiện (bỏ thuốc lá, bỏ bia rượu, giảm cân, giảm stress,...). Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và liệu trình điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh nếu bệnh kéo dài. Những nhóm thuốc chính bác sĩ thương kê đơn cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là: PPI làm giảm axit trong dạ dày và một số thuốc chống trào ngược. Các phương pháp khác có thể áp dụng với trào ngược dạ dày nặng và kéo dài như phẫu thuật: Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Điều trị tại nhà bằng cách thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống có thể làm giảm tần suất trào ngược axit dạ dày. Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao giờ cũng phải đi kèm với chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Sau đây là một số mẹo nhỏ chữa trào ngược dạ dày dành cho bạn:

  • Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit từ dạ dày trào lên thực quản.
  • Đừng vội nằm sau khi ăn: Không ăn tối quá muộn, tốt nhất là trước 8h tối. Sau khi ăn 2- 3 hãy nằm xuống hoặc đi ngủ.
  • Ăn chậm, nhai kỹ: Cố gắng nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác.
  • Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản.
  • Tránh các loại đồ ăn thức uống kích thích trào ngược axit: Thực phẩm béo, chiên, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cafein. Bổ sung trái cây, rau xanh.
  • Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên phần bụng và cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện gây ra trào ngược dạ dày thực quản.
  • Sử dụng thảo dược: Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các thảo dược tự nhiên thỉnh thoảng lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ một loại thảo dược nào.
  • Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.

Nếu bạn còn thắc mắc về vết mổ sạn túi mật gần 2 năm bị đau, ăn không tiêu bị ói, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan