Vì sao bạn xì hơi nhiều và nặng mùi?

Xì hơi một phản ứng tự nhiên của cơ thể, hầu hết các trường hợp xì hơi là vô hại, tuy nhiên cũng có những trường hợp xì hơi bất thường lại là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt khi xì hơi liên tục và nặng mùi. Như vậy xì hơi nhiều và nặng mùi là bệnh gì?

1. Xì hơi là hiện tượng bình thường của một cơ thể khỏe mạnh

Xì hơi còn được gọi là trung tiện theo thuật ngữ của Đông y, dân gian ta còn gọi xì hơi là đánh rắm, thả bom... để chỉ phản ứng thải khí ra ngoài của cơ thể. Khi xì hơi, hậu môn sẽ mở rộng để thoát hơi ra ngoài, điều này có thể kèm theo âm thanh và hơi thoát ra có thể kèm theo mùi đặc trưng hoặc không.

Đây được xem là hiện tượng sinh lý bình thường của một cơ thể khỏe mạnh, đây cũng là một yếu tố phản ánh được sức khỏe của hệ tiêu hóa. Do vậy, khi gặp tình trạng xì hơi nhiều và nặng mùi, kéo dài liên tục thì chúng ta cần phải đặc biệt chú ý.

Trung bình một người có thể xì hơi khoảng 5 đến 15 lần/ngày, tổng lượng hơi thoát ra khỏi cơ thể thường rơi vào khoảng 0,5 lít, điều này sẽ giúp những khí hoặc hơi sản sinh bên trong ruột (vi khuẩn tại hệ tiêu hóa phân hủy thức ăn tạo ra các loại khí, khí này thường có mùi) và các khí tích tụ (do quá trình nhai nuốt thức ăn, uống nước, nói chuyện...) đào thải hết ra ngoài cơ thể.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xì hơi nhiều và nặng mùi

Hơn 90% lượng khí hơi mà chúng ta xì hơi mỗi ngày là khí CO2, nito, hidro và oxy... những khí này hoàn toàn không có mùi. Thủ phạm gây ra xì hơi nhiều và thối là các chất khí khác, đặc biệt là các chất khí có chứa hợp chất của lưu huỳnh hoặc amoniac, nguyên nhân sản sinh ra các chất khí này có thể là chúng ta tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa:

2.1. Thực phẩm chứa lưu huỳnh

Những thực phẩm có chứa lưu huỳnh gồm có trứng, thịt đỏ, hành,, tỏi, phô mai, trái cây khô, các loại hạt, bia, rượu... Khi các loại thức ăn có chứa các gốc lưu huỳnh này đi vào bên trong cơ thể, hệ tiêu hóa sẽ hấp thu và hình thành nên các hợp chất có chứa lưu huỳnh và kèm theo mùi hôi tương tự như mùi trứng thối do hình thành của hợp chất hydrogen sulfide.

2.2. Các thực phẩm có chứa tinh bột khó tiêu hóa

Các thực phẩm chứa tinh bột khó tiêu hóa (raffinose) và có khả năng lên men (FODMAPs) như: Súp lơ xanh, cải xoăn, bắp cải, cải Brussels, các loại đậu... khi vào cơ thể không được hấp thu ở ruột non mà được các vi khuẩn ở ruột già lên men, trong quá trình lên men này sẽ tạo ra hơi metan gây ra mùi hôi khó ngửi.

xì hơi nhiều và nặng mùi
Xì hơi nhiều và nặng mùi là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe

2.3. Do thói quen sinh hoạt

Ngoài các loại thực phẩm thì thói quen sinh hoạt có thể dẫn đến tình trạng xì hơi nhiều và thối như:

2.4. Xì hơi nhiều khi đi máy bay

Với độ cao chênh lệch lớn so với mặt nước biển như khi ở trên máy bay sẽ khiến lượng khí trong cơ thể nở ra gây hiện tượng đầy hơi và xì hơi nhiều.

3. Xì hơi nhiều và nặng mùi là bệnh gì?

Ngoài nguyên nhân từ thói quen ăn uống và sinh hoạt, xì hơi liên tục và nặng mùi có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như:

3.1. Táo bón

Táo bón kéo dài là nguyên nhân rất thường gặp gây ra tình trạng xì hơi liên tục và nặng mùi, điều này được giải thích là do phân tích tụ nhiều trong ruột già mà không “đi” ra được, phân tiếp tục bị các vi khuẩn tại đây phân hủy và giải phóng khí hơi, do đó phân tích tụ càng lâu trong ruột thì mùi xì hơi càng nặng.

3.2. Không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose là tình trạng ruột non không thể sản xuất đủ lượng enzyme lactase - đây là enzyme có tác dụng phân hủy lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Người mắc bệnh không dung nạp lactose khi tiêu thụ các thực phẩm chứa lactose sẽ không thể hấp thụ hết ở ruột non, lượng lactose dư thừa sẽ đi đến ruột già, tại đây các vi khuẩn ở ruột già sẽ lên men và tạo ra khí metan có mùi hôi. Nếu cảm thấy đau bụng, chướng hơi, xì hơi nhiều và thối sau khi uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa khoảng 30 phút - 2 giờ thì có thể là dấu hiệu của tình trạng không dung nạp lactose.

xì hơi nhiều và nặng mùi
Xì hơi nhiều và nặng mùi có thể là triệu chứng của táo bón

3.3. Bệnh Celiac - Không dung nạp gluten

Bệnh Celiac là tình trạng cơ thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa gluten - một loại protein có nhiều trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen... khi đó cơ thể nhầm gluten là chất gây hại và tấn công chúng làm niêm mạc ruột non bị hư hỏng.

Triệu chứng xì hơi nhiều và nặng mùi rất thường gặp ở người mắc hội chứng này, bên cạnh đó còn có các triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, đau thượng vị, đau đầu, đau khớp, sụt cân, phát ban, thiếu máu...

3.4. Mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng gây ra tình trạng xì hơi nhiều và thối. Nếu bạn vừa kết thúc đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc có chế độ ăn ít chất xơ thì vấn đề xì hơi nhiều và nặng mùi có thể nghĩ đến nguyên nhân này.

Mặt khác hội chứng loạn khuẩn ruột non (SIBO) là tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức và tích tụ với số lượng nhiều ở ruột non lại gây cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng, kèm theo tình trạng đầy hơi, khó tiêu, xì hơi nhiều và nặng mùi...

3.5. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Xì hơi nhiều và nặng mùi cũng có thể do hội chứng ruột kích thích (IBS) kèm theo dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

4. Cần làm gì khi xì hơi nhiều và nặng mùi?

Tình trạng xì hơi nhiều và nặng mùi xuất hiện nhưng không quá thường xuyên, không kèm theo bất cứ triệu chứng nào thì nguyên nhân có thể là do chế độ ăn, thói quen sinh hoạt, do cân bằng vi sinh vật đường ruột hoặc dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, lúc này chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt sẽ giúp vấn đề được cải thiện.

  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm - nhai kỹ;
  • Điều chỉnh chế độ ăn, tăng chất xơ, tránh uống nước ngọt có ga, tránh ăn các món ăn chứa nhiều đường, tránh thức ăn nhanh, tránh đồ lên men hay các thực phẩm chứa nhiều chất đạm khó tiêu.... Nên chọn các thực phẩm như thịt gà, thịt bò, cà hồi, khoai tây, bánh mì không gluten, dưa chuột, cà tím, dâu tây, nho, kiwi...;
  • Bổ sung các thực phẩm giàu lợi khuẩn: sữa chua, yến mạch...;
  • Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý sẽ giúp dạ dày điều tiết việc sản xuất dịch vị, giảm axit;
  • Tập thể dục thường xuyên;

Khi nào cần đi khám bệnh? Nếu tình trạng xì hơi nhiều và nặng mùi đi kèm với các triệu chứng:

  • Phân có máu;
  • Sút cân;
  • Sốt;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Phân lỏng;
  • Nôn ói nhiều.

Xì hơi nhiều và nặng mùi khiến chúng ta cảm giác xấu hổ và cố gắng kiềm chế cơn xì hơi, tuy nhiên trừ những trường hợp bất khả kháng, chúng ta không nên nhịn xì hơi vì việc này sẽ làm cản trở việc thoát ra của khí, gây tích tụ làm tăng nguy cơ bị đau bụng, mặt khác còn khiến mùi hôi tăng lên và tiếng vang to hơn bình thường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

339.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan