Trầm cảm ở người bị hội chứng ruột kích thích

Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thường xuyên gặp phải những triệu chứng đau bụng và đầy bụng, táo bón và/ hoặc tiêu chảy. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cả về thể chất, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người bệnh, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

1. Hội chứng ruột kích thích IBS

Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS) là một rối loạn tiêu hoá, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu nhưng không có tổn thương thực thể. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1892, hội chứng này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau, bao gồm đại tràng co thắt, đại tràng kích thích,...

Từ trước đến nay, hội chứng ruột kích thích vẫn là một chẩn đoán loại trừ do không có biểu hiện cụ thể về rối loạn nhu động hoặc rối loạn cấu trúc. Bệnh lý này chủ yếu được xác định bằng lâm sàng, những tiêu chí để phân biệt với các bệnh đường ruột khác như sau:

  • Đau bụng kèm theo đi tiêu thường xuyên và/ hoặc đi tiêu lỏng hơn
  • Giảm đau sau khi đi tiêu
  • Đầy hơi
  • Một số trường hợp bệnh nhân có cảm giác đi tiêu không sạch ruột
  • Tiêu phân nhày.

Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân phải thay đổi về số lần đi tiêu, về hình thức của phân và về kiểu cách đi tiêu ít nhất 3 ngày/ tháng trong 3 tháng gần nhất, kèm với trướng bụng hoặc đầy hơi.

Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mãn tính và dễ tái phát, nhưng không làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc tăng nguy cơ viêm loét hay ung thư đại tràng. Hậu quả việc của thay đổi thói quen đi tiêu có thể làm đảo lộn cuộc sống của bệnh nhân, ví dụ như khiến họ bị nghỉ việc và khó thăng tiến hơn. Nguyên nhân của IBS vẫn chưa được xác định, vì vậy cũng không có phương thức cụ thể để phòng ngừa hoàn toàn. Nhìn chung, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tránh căng thẳng và tìm cách phù hợp để đối phó với triệu chứng của bệnh tùy vào từng trường hợp.

2. Mối quan hệ trầm cảm - rối loạn tiêu hóa

Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn đang xác định mối liên quan sinh bệnh học giữa yếu tố tâm lý và hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên thực tế cho thấy những bệnh nhân rối loạn tâm lý thường mắc IBS thường xuyên với mức độ nặng hơn. Ngược lại, người mắc hội chứng ruột kích thích thường có tỷ lệ hoảng sợ, trầm cảm nặng, rối loạn lo âu và hoang tưởng nhiều hơn.

Trong khoảng 77% bệnh nhân IBS, các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa thường xảy ra trùng hợp với những rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, tăng động giảm chú ý ở trẻ em, tự kỷ, biếng ăn tâm lý, ăn vô độ, và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, đã có nghiên cứu chứng minh được rằng tỷ lệ người mắc hội chứng ruột kích thích bị lạm dụng về thể chất và tình dục là khá cao. Tuy nhiên vẫn chưa thể kết luận những yếu tố tâm lý như trên có thúc đẩy sự phát triển IBS hoặc ngược lại hay không.

Trầm cảm hội chứng ruột kích thích
Trầm cảm và hội chứng ruột kích thích có sự liên quan đến nhau

3. Điều trị và phòng ngừa trầm cảm rối loạn tiêu hóa

Về chế độ sinh hoạt, bệnh nhân cần loại bỏ những căng thẳng trong cuộc sống vì stress về cả thể chất lẫn tinh thần đều có thể khiến biểu hiện của hội chứng ruột kích thích diễn tiến trầm trọng hơn. Lời khuyên để chủ động giảm căng thẳng hiệu quả nhất là thường xuyên tập thể dục. Nếu duy trì được thói quen tốt này đều đặn, tinh thần của bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, đồng thời các cơn co thắt bình thường của ruột cũng được kích thích. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tìm cách thư giãn thông qua các bộ môn như thiền định, yoga hay thái cực quyền.

Điều quan trọng là khi được chẩn đoán mắc hội chứng IBS, người bệnh cần xây dựng và tuân thủ ngay kế hoạch ăn uống khoa học. Không nên ăn nhiều chất béo dầu mỡ để tránh làm co thắt đại tràng mạnh, chuột rút và tiêu chảy. Hàng ngày cũng cần hạn chế những thực phẩm dễ tạo khí, gây đầy hơi như đồ uống có ga và một số loại rau cải (cải bắp, súp lơ, bông cải xanh...).

Thay vào đó, bệnh nhân cần bổ sung nhiều chất xơ với bánh mì nguyên hạt, các loại ngũ cốc, đậu, trái cây và rau quả phù hợp để tránh táo bón cũng như giảm các triệu chứng tiêu hóa. Có thể bổ sung thêm men vi sinh vào thực đơn bằng cách ăn 1 - 2 cốc sữa chua mỗi ngày, uống các chế phẩm sinh học có chứa probiotics...

Trong trường hợp những triệu chứng vẫn kéo dài, người bệnh có thể dùng thêm các thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng, chống tiêu chảy, chống co thắt nhằm giảm cơn đau... Đặc biệt, người có biểu hiện trầm cảm rối loạn tiêu hóa nên trao đổi với bác sĩ để được kê đơn thuốc chống trầm cảm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan