Tại sao giun đũa lại chui được vào ống mật?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Giun đũa chui được vào ống mật xảy ra khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn trong ống tiêu hóa. Trước đây, bệnh lý giun chui ống mật khá phổ biến. Tuy nhiên hiện nay với công tác dự phòng và tẩy giun định kỳ, tỷ lệ người mắc bệnh đã giảm nhiều trong cộng đồng.

1. Giun chui ống mật là gì?

Giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa, khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn. Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng đến cơ vòng Oddi và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan. Giun chui ống mật có thể dẫn tới nhiễm trùng đường mật, áp xe gan, áp xe đường mật.

Bệnh giun chui ống mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Những yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm: Chế độ ăn thiếu protein, độ toan thấp trong dịch vị, thể trạng gầy và các bệnh lý nhiễm khuẩn.

tai-sao-giun-dua-lai-chui-duoc-vao-ong-mat-1
Giun chui ống mật có thể dẫn tới áp xe gan

2. Tại sao giun đũa lại chui được vào ống mật?

  • Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng giun đũa chui ống mật, nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là do dùng thuốc tẩy giun không đủ liều làm cho giun đũa không bị liệt hẳn mà lại kích thích làm rối loạn vận động của giun. Lúc này giun đũa sẽ chuyển động không định hướng từ ruột non đi lên hành tá tràng rồi chui và ống dẫn mật và túi mật. Số lượng giun quá nhiều trong ruột non khiến giun chui vào ống mật. Vì nguồn dinh dưỡng tại ruột non không đủ, chúng phải di chuyển đến các môi trường khác trong cơ thể người.
  • Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không uống hoặc sử dụng thuốc tẩy giun không hiệu quả khiến giun vẫn tiếp tục tồn tại và ký sinh trong hệ đường ruột cũng là một trong những nguyên nhân khiến giun chui vào ống mật.
  • Ngoài ra, khi dịch vị bài tiết từ dạ dày giảm tính axit, môi trường tại hệ đường ruột không còn thích hợp với giun, chúng sẽ di chuyển đến các vị trí khác để tìm kiếm môi trường tốt hơn. Bệnh nhân sau mổ cắt một phần dạ dày hoặc mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng làm thay đổi môi trường nội sinh tại đường tiêu hóa là những đối tượng có nguy cơ mắc giun chui ống mật cao hơn.

3. Triệu chứng giun chui ống mật

Triệu chứng của bệnh giun chui ống mật hết sức rầm rộ bao gồm:

  • Cơn đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải: Đau bụng dữ dội làm cho trẻ vã mồ hôi, mặt tái xanh, tái nhợt, vật vã, quằn quại. Khi lên cơn đau, trẻ sẽ nằm ở tư thế chổng mông để đỡ đau hơn, tay ôm bụng hoặc cào cấu vào vùng thượng vị.
  • Lệch sang phải đau đột ngột
  • Đau từng cơn.

Với trẻ nhỏ, khi bị giun đũa chui ống mật, trẻ sẽ thích bế vác lên vai và áp bụng vào vai người bế khi đó trẻ đỡ đau nên ít kêu khóc hơn. Đau bụng thường kèm theo triệu chứng buồn nôn hoặc nôn.

Giun đũa mang vi khuẩn từ phân đi lên làm viêm nhiễm đường dẫn mật và có thể gây ra nhiễm trùng đường mật. Do viêm ruột thừa thường xuất hiện triệu chứng ban đầu là đau thượng vị, đau quanh rốn sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Bệnh cũng có thể nhầm với hội chứng dạ dày.

tai-sao-giun-dua-lai-chui-duoc-vao-ong-mat-2
Đau bụng dữ dội từng cơn là biểu hiện của giun chui vào ống mật

4. Chẩn đoán giun chui ống mật

Hình ảnh giun đũa trong tá tràng, túi mật hoặc trong đường dẫn mật có thể thấy khi chụp X quang hành tá tràng có thuốc cản quang, trong cấp cứu có thể phát hiện giun trong đường mật qua siêu âm, CT hoặc MRI đường mật.

Để xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh bác sĩ cần thực hiện hút dịch mật hút từ tá tràng thấy trứng giun đũa, và xét nghiệm phân có thể thấy được trứng giun đũa. Ngoài ra, cần thực hiện xét nghiệm công thức máu, đặc biệt là trường hợp có sốt thấy bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu ái toan tăng để nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng sớm. Khi giun đũa chui ra khỏi ống mật hoặc túi mật thì các triệu chứng đau bụng dữ dội sẽ giảm.

Về điều trị, điều trị nội khoa thường sử dụng thuốc tẩy giun và các thuốc điều trị hỗ trợ triệu chứng: thuốc giãn cơ trơn đường mật, thuốc lợi mật, thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng. Trong trường hợp tắc mật, áp xe có thể xem xét phẫu thuật loại bỏ giun, dẫn lưu, cắt túi mật.

Tóm lại, giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa, xảy ra khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn trong ống tiêu hóa. Giun chui ống mật có thể gây ra tắc ống mật, áp xe gan, nhiễm khuẩn,... Do đó, khi có nghi ngờ nhiễm giun cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan