Rò tiêu hóa: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương- Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Rò tiêu hóa là sự kết nối từ ruột đến các cơ quan khác lân cận của ruột hoặc các bề mặt da bên ngoài. Thực tế, đây là sự thoát ra bất thường của dịch tiêu hóa sang một cơ quan khác. Bệnh thường phát triển thứ phát sau chấn thương vùng bụng chậu, nhiễm trùng, quy trình phẫu thuật hoặc một số quá trình bệnh viêm cơ bản. Rò tiêu hóa cần điều trị phẫu thuật kết hợp với liệu pháp kháng sinh.

1. Tổng quan về hệ tiêu hoá

Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa. Ống tiêu hóa gồm miệng, răng, hầu, lưỡi, thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già, ruột thừa, hậu môn. Tuyến tiêu hóa gồm tuyến nước bọt, tuyến mật, tuyến tụy, tuyến ruột. Đây là bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể giúp cắt nhỏ thức ăn để cơ thể dễ hấp thụ và chuyển hóa. Tuyến nước bọt như một cỗ máy trộn, giúp thức ăn được đi xuống thực quản, dạ dày dễ hơn.

Hệ tiêu hóa
Hình 1: Hệ tiêu hoá con người
Hệ tiêu hóa
Hình 2: Hệ tiêu hóa – nơi xảy ra nhiều bệnh lý tiêu hóa phổ biến

Bệnh lý về hệ tiêu hoá là một trong những loại bệnh lý thường gặp nhất trong thực tế hằng ngày tại bệnh viện, trong đó, có bệnh lý rò tiêu hoá. Đây là một bệnh lý gây tăng chi phí điều trị, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, tăng thời gian nằm viện và là bệnh lý còn nhiều điểm chưa thống nhất về chẩn đoán và điều trị.

2. Định nghĩa rò tiêu hoá

Rò là sự kết nối bất thường giữa hai bề mặt biểu mô. Bề mặt biểu mô có mặt trong các cấu trúc rỗng (chẳng hạn như mạch máu và các cơ quan) và bao gồm các bề mặt da. Rò tiêu hóa là sự kết nối từ ruột đến các cơ quan khác lân cận, các phần khác của ruột hoặc các bề mặt da bên ngoài. Nói một cách dễ hiểu, rò tiêu hoá là sự thoát ra bất thường của dịch tiêu hóa sang một cơ quan khác.

Rò tiêu hóa thường phát triển thứ phát sau chấn thương vùng bụng chậu, nhiễm trùng, quy trình phẫu thuật hoặc một số quá trình bệnh viêm cơ bản. Rò tiêu hóa có thể gây ra rò rỉ mủ và dịch tiêu hóa ra bên ngoài cơ thể hoặc các cơ quan kết nối thông qua các xoang nhỏ. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác. Rò tiêu hóa thường cần điều trị phẫu thuật kết hợp với liệu pháp kháng sinh.

Dò ruột non
Hình 3: Dò ruột non – ruột non và ruột non – đại tràng
Dò trực tràng – âm đạo
Hình 4: Dò trực tràng – âm đạo

3. Phân loại rò tiêu hoá theo vị trí dò

3.1. Rò từ cơ quan tiêu hóa ra da

Rò giữa các phần của ruột non (tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng) và bề mặt da. Có thể xác định được bởi các chỗ rò rỉ dịch tiêu hóa qua da.

rò đại tràng ra thành bụng
Hình 5: Hình ảnh rò đại tràng ra thành bụng

3.2. Rò giữa những đoạn khác nhau của ống tiêu hóa

Rò giữa hai phân đoạn khác nhau của ruột. Các triệu chứng phụ thuộc vào phân khúc ruột bị rò. Trong một số bệnh nhân không gây ra các triệu chứng nhưng có thể dẫn đến tình trạng kém hấp thu, tiêu chảy, mất nước.

3.3. Rò tiêu hóa với bàng quang

Rò giữa ruột và bàng quang. Đại tràng, trực tràng, hồi tràng, và ruột thừa đều có khả năng hình thành rò với bàng quang. Ruột già là phổ biến nhất, và thường phổ biến hơn ở những bệnh nhân nam vì họ không có tử cung để phân cách hai cơ quan trên. Triệu chứng đau, khó tiểu, tiểu không kiểm soát và nước tiểu có mùi. Để chẩn đoán, người bệnh có thể thử mẫu nước tiểu, siêu âm và các xét nghiệm khác để xác định vị trí rò.

Rò đại tràng – bàng quang
Hình 6: Rò đại tràng – bàng quang

3.4. Rò qua hậu môn

Rò giữa ống hậu môn với da xung quanh hậu môn. Thường phát triển từ ổ áp xe hậu môn bị vỡ và trục xuất thành phần trong ổ áp xe ra da. Áp xe hậu môn trực tràng phổ biến hơn ở nam giới, đặc biệt là những người đồng tính nam. Bệnh nhân có triệu chứng đau dữ dội tầng sinh môn, áp-xe tái phát và sốt. Cần kiểm tra cẩn thận các vùng hạ bộ hay thăm trực tràng để tìm đường rò.

Bệnh lý rò hậu môn
Hình 7: Bệnh lý rò hậu môn
rò hậu môn
Hình 8: Một bệnh nhân bị rò hậu môn

Bệnh lý rò hậu môn, phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là cắt mô xơ đường rò. Mặc dù có một số trường hợp rò phức tạp, điều trị khó khăn, nhưng nhìn chung đây là thể rò tiêu hoá có tiên lượng tốt nhất.

4. Phân loại rò tiêu hoá theo cung lượng rò

Rò cung lượng thấp dưới 200ml/24 giờ, rò cung lượng vừa từ 200-500ml/24 giờ, và rò cung lượng cao trên 500ml/24 giờ. Mặc dù, tỉ lệ lành tự nhiên không liên quan rõ ràng đến cung lượng rò, nhưng rò cung lượng vừa và cao thường liên quan đến rò ruột non.

5. Nguyên nhân của rò tiêu hoá

Khá phức tạp, 75 tới 85% các trường hợp là biến chứng sau phẫu thuật. 15-25% các trường hợp còn lại là rò tự phát. Rò tiêu hóa sau mổ tùy thuộc nhiều yếu tố như tình trạng bệnh lý và cấu trúc giải phẫu, sinh lý của các cơ quan.

  • Những phẫu thuật thường dễ tạo nên tình trạng rò là phẫu thuật bệnh lý viêm ruột (inflammatory bowel diseases), ung thư hoặc gỡ dính ruột. Trong đó, các bệnh lý như ung thư thực quản, trực tràng, đầu tụy có tỉ lệ xì rò miệng nối sau mổ thường gặp hơn các bệnh lý ở dạ dày, ruột non do đặc điểm giải phẫu, sinh lí và bệnh lý riêng.
  • Các phẫu thuật cấp cứu như vỡ tá tụy, tỉ lệ rò tiêu hóa sau mổ thường cao, còn do cấu trúc giải phẫu khung tá tràng luôn có áp lực lớn vì lượng dịch tiết ra từ dạ dày, tá tràng, dịch mật, dịch tụy và sự hoạt hóa của các men tụy, đặc biệt là khi bệnh nhân được xử trí muộn sau 24 giờ khi đã có viêm phúc mạc.

Những biến chứng trên thường xảy ra khi bệnh nhân không được chuẩn bị tốt, phẫu thuật cấp cứu, hoặc bệnh nhân được xạ trị trước đó, tình trạng bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý tim phổi, tiểu đường mãn tính. Tình trạng dinh dưỡng kém đóng vai trò chính trong việc miệng nối tiêu hóa không lành và đáp ứng không đủ của cơ thể đến tình trạng viêm nhiễm sau mổ.

Ngoài ra, kỹ thuật phẫu tích, khâu nối và kinh nghiệm của phẫu thuật viên và các phương tiện như kim, chỉ phẫu thuật góp phần quan trọng trong sự lành vết thương cũng như biến chứng dò tiêu hóa.

Người bị bệnh Crohn: phẫu thuật cắt đoạn đại tràng hoặc khâu nối đại tràng, ruột non trên cơ địa bệnh nhân bệnh Crohn, sẽ dễ dẫn đến xì rò miệng nối và rò tiêu hoá, do mô ở vùng khâu nối không còn được bình thường. Ngay cả phẫu thuật cắt ruột thừa ở cơ địa bệnh nhân bị bệnh Crohn cũng dễ dẫn đến rò tiêu hoá.

6. Nguyên nhân gây biến chứng và tử vong trong dò tiêu hóa

Ba biến chứng kinh điển thường gặp trong rò tiêu hóa: rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng, và nhiễm khuẩn. Tần suất của những biến chứng trên liên quan trực tiếp đến cung lượng dò. Mặc dù, tỉ lệ lành tự nhiên không liên quan rõ ràng đến cung lượng rò, nhưng rò cung lượng vừa và cao thường liên quan đến rò ruột non.

Rối loạn điện giải (xác định trong vòng 48 giờ) xác định bằng việc theo dõi khí máu động mạch và nồng độ điện giải trong huyết tương. Những chất điện giải thường bị rối loạn là Natri, Kali, Magie và Phosphate trong những trường hợp nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn.

Suy dinh dưỡng thường liên quan đến cung lượng rò. Nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng thường gặp trong rò cung lượng cao. Rõ ràng, khi tình trạng nhiễm khuẩn không được khống chế thì cho dù cung cấp đầy đủ dinh dưỡng vẫn không cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Khi đã khống chế được tình trạng nhiễm khuẩn, tức đã có thể hình thành các ổ nhiễm khuẩn kín (áp xe), cần tiếp tục chụp CT scan hoặc chụp MRI để xác định. Cần dẫn lưu các ổ áp xe này mới giải quyết được tình trạng nhiễm khuẩn. Phẫu thuật giám sát, gỡ dính toàn bộ ruột, tái lập lưu thông và dẫn lưu các ổ áp xe, phẫu thuật này được gọi là “sự tái lập chức năng” bởi tác giả Welch, nguyên thủy với mục đích tái lập lưu thông tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Nhưng hiện nay, dinh dưỡng có thể được cung cấp qua nhiều cách, nên mục đích của phẫu thuật trên là tái lập lưu thông và dẫn lưu áp xe.

7. Chẩn đoán rò tiêu hoá

Vai trò của X Quang đường rò cản quang và chụp cắt lớp đường dò: Dò ruột-da có thể được mô tả đầy đủ với chụp x-quang đường dò (fistulography) trong đa số trường hợp. Trong một số trường hợp, đường dò có thể được hiển thị tốt hơn bằng việc sử dụng chất cản quang.
Phương pháp phổ biến nhất để chụp X Quang đường rò là chèn một ống thông đầu mềm và tiêm chất cản phản tan trong nước vào đường dò, với sự hướng dẫn của máy soi huỳnh quang (fluoroscopy– Chụp x-quang đường rò thường sẽ cho thấy sự thông nối ruột và bất kỳ áp xe nào nếu có liên quan, trong khi đó, CT thường được thực hiện bổ sung, không chỉ giúp xác định tất cả các khoang áp xe mà còn để hướng dẫn đường thoát dịch qua da của bất kỳ ổ áp xe được tìm thấy.
MRI đường rò: Với sự ra đời của các thế hệ máy MRI hiện đại, đã giúp đánh giá đường dò chính xác hơn, ưu điểm của MRI là đánh giá mô mềm tốt hơn so với CT Scan trong đa số các trường hợp.

Dò dạ dày ra da sau mổ thủng dạ dày
Hình: Dò dạ dày ra da sau mổ thủng dạ dày, hình mũi tên màu trắng chỉ vị trí thuốc cản quang chảy từ dạ dày ra thành bụng

Ngoài ra, siêu âm có tăng cường hydrogen peroxide đã được sử dụng gần đây tại một số trung tâm để phân định rò ruột-da.

Nội soi tiêu hoá có vai trò quan trọng trong chẩn đoán rò tiêu hoá. Phương pháp này vừa xác định vị trí rò, kích thước đường rò, tiên lượng phẫu thuật. Qua nội soi, có thể can thiệp bít đường rò bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Lỗ dò dạ dày ra ổ bụng sau mổ thủng dạ dày
Hình 9: Lỗ dò dạ dày ra ổ bụng sau mổ thủng dạ dày. Sau đó lỗ dò được đóng lại thành công bằng dụng cụ Over The Scope Clip (OTSC)

8. Điều trị rò tiêu hóa

Phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân và mức độ của lỗ rò. Đánh giá tình trạng bệnh nhân, điều trị nội khoa tích cực để đường rò có thể lành tự nhiên. Điều trị nội khoa bảo tồn là cách tiếp cận tiêu chuẩn ban đầu đối với các ca hậu phẫu rò ruột ra da. Các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm phác đồ kháng sinh thích hợp và cân bằng điện giải. Những phẫu thuật can thiệp được chỉ định khi các biện pháp bảo tồn không thành công hoặc có dấu hiệu viêm phúc mạc.

Trong thập niên 60 rò tiêu hóa sau mổ thường có biến chứng nặng nề và tử vong cao. Quan điểm ở thời kỳ này là phẫu thuật sớm để phục hồi lại lưu thông tiêu hóa với hy vọng giải quyết được tình trạng nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng sớm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chiến lược này đã không thành công vì tỷ lệ thất bại quá cao tới 80% các trường hợp được can thiệp sớm. Tỉ lệ tử vong đạt tới 40 đến 60%. Ở thời kỳ sau đó, với hiểu biết sâu sắc về sinh lý bệnh và dinh dưỡng cùng với sự ra đời hàng loạt các kháng sinh mạnh hơn và chất nuôi dưỡng tốt hơn, chủ trương điều trị bảo tồn đã làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng rò tiêu hoá. Phẫu thuật chỉ đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại. Thời điểm can thiệp phẫu thuật cũng được xem xét sao cho phù hợp với từng loại phẫu thuật. Vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo dinh dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn trước khi phẫu thuật ở mức độ chấp nhận được. Nhiều tác giả khuyến cáo nên phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn sau 4 tới 6 tuần thất bại. Kháng sinh và dinh dưỡng chỉ có tác dụng đầy đủ khi các ổ áp xe được dẫn lưu tốt. Nên sử dụng các loại kháng sinh có khả năng thẩm thấu vào trong ổ áp xe tốt như: Dalacin C,...Invanz. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn có những hạn chế nhất định như: phẫu thuật trên cơ địa bệnh nhân dinh dưỡng kém, dễ bị nhiễm trùng chu phẫu, mô quanh đường dò dính nhiều, khó bóc tách...

Ngày nay, với sự tiến bộ về nội soi tiêu hoá ống mềm, đã góp phần thành công vào việc điều trị dò tiêu hoá. Một trong những kỹ thuật điều trị dò tiêu hoá đó là Over-the-scope clip (OTSC). Đây là một loại clip mới rất hữu ích không những khâu kín các lỗ thủng, lỗ rò mà còn rất hữu ích trong cầm máu qua nội soi. Ưu điểm của over-the-scope clip (OTSC) là thao tác đơn giản và nhanh giống như thắt thun tĩnh mạch thực quản giãn, đồng thời clip này bám rất chặt vào thành ống tiêu hóa...

Dụng cụ OTSC kẹp lỗ dò
Hình 10: Dụng cụ OTSC kẹp lỗ dò
Lỗ dò dạ dày ra da
Hình 11: Lỗ dò dạ dày ra da được khép thành công với dụng cụ OTSC

Chẩn đoán và điều trị rò tiêu hóa hiện nay vẫn còn là một thách thức lớn trong chẩn đoán. Kiến thức về các loại khác nhau của rò tiêu hóa và nguyên nhân của chúng là rất quan trọng để chăm sóc bệnh nhân thích hợp. Với sự tiến bộ của khoa học, ngày càng có nhiều phương pháp can thiệp ít xâm lấn để điều trị bệnh lý này, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (thực quản - dạ dày - đại tràng) kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để đem lại kết quả chính xác nhất có thể.

Khi sàng lọc ung thư đường tiêu hóa tại Vinmec, Quý khách sẽ được:

  • Khám Chuyên khoa Nội tiêu hóa với bác sĩ chuyên khoa ung bướu (có hẹn).
  • Nội soi dạ dày và nội soi đại tràng với máy nội soi NBI có gây mê.
  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser).
  • Xét nghiệm thời gian prothrombin bằng máy tự động.
  • Xét nghiệm thời gian thrombin bằng máy tự động.
  • Xét nghiệm thời gian thromboplastin một phần hoạt hoá (APTT: Activated Partial Thromboplastin Time) bằng máy tự động.
  • Siêu âm ổ bụng tổng quát

Để đăng ký sàng lọc và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan