Nội soi mật tụy ngược dòng giúp chẩn đoán bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nội soi mật tụy ngược dòng là kỹ thuật nội soi ít xâm lấn, được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như chẩn đoán viêm tụy cấp do sỏi kẹt tại bóng Vater, giun chui ống mật, sỏi đường mật,... Hãy cùng các chuyên gia của Vinmec tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này qua bài viết dưới đây.

1. Nội soi mật tụy ngược dòng là gì?

Nội soi mật tụy ngược dòng hay còn gọi là ERCP là kỹ thuật nội soi tá tràng dưới màn tăng sáng X quang dùng để chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường mật và tụy tạng.

Kỹ thuật được tiến hành bằng cách đưa catheter vào đường mật hoặc đường tụy qua máy nội soi tá tràng, qua đó bơm thuốc cản quang vào đường mật hoặc đường tụy với mục đích chẩn đoán và điều trị bệnh lý của đường mật và đường tụy.

Hiện nay, Kỹ thuật ERCP chủ yếu được áp dụng vào việc điều trị, ít được sử dụng với mục đích chẩn đoán vì còn nhiều phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, MRI, CT Scanner,... có độ nhạy và độ an toàn cao hơn.

2. Tại sao gọi là nội soi mật tụy ngược dòng?

Nội soi là thủ thuật dùng một thiết bị được gọi là ống nội soi - một ống có đường kính nhỏ, dẻo, ở đầu ống có gắn 1 camera nhỏ và đèn giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ các cấu trúc bên trong của đường tiêu hóa, trong đó có ống mật và ống tụy và trong lòng ống có 1 ống nhựa.

Sau khi đưa ống nội soi trên vào tá tràng, 1 ống nhựa nằm trong lòng ống nội soi sẽ bơm thuốc cản quang vào trong nhú tá tràng (nhú tá tràng là nơi dịch mật và dịch tụy đổ vào để vào trong tá tràng), thuốc này sẽ đi ngược lên ống tụy và ống mật nên người ta gọi là “ngược dòng”.

Cuối cùng tia X sẽ chụp ống tụy và ống mật, ngay lúc đó hình ảnh ống tụy và ống mật sẽ được ghi lại trên phim X quang. Quá trình chụp X quang này được gọi là chụp mật tụy.

Chính vì những lý do trên nên gọi là kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng.

Trong kỹ thuật này cần phải sử dụng thuốc cản quang tia X vì khi chụp bằng X quang thông thường, hình ảnh ống mật và ống tụy thường không thấy rõ trên phim. Nhưng nếu bơm thuốc cản quang tia X vào trong lòng ống mật và ống tụy thì trên phim X quang sẽ cho thấy hình ảnh rõ nét của các ống này.

Nội soi mật tụy ngược dòng
Tại sao gọi là nội soi mật tụy ngược dòng?

3. Nội soi mật tụy ngược dòng chẩn đoán bệnh gì?

Cũng như các kỹ thuật khác, nội soi mật tụy ngược dòng được dùng để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó bao gồm:

  • Chẩn đoán phân biệt bệnh lý vàng da tắc mật trong và ngoài gan;
  • Nghi ngờ có bệnh ở ống mật nhưng kết quả âm tính hoặc không thể sử dụng được phương pháp X-quang;
  • Chỉ định trong trường hợp nghi ngờ hẹp bóng vater ở nhú tá tràng;
  • Giãn ống mật, ống tụy;
  • Chẩn đoán sỏi mật kèm theo giãn ống mật chủ;
  • U đường mật;
  • Rối loạn chức năng vận động cơ Oddi;
  • Chẩn đoán viêm tụy cấp do sỏi;
  • Nội soi mật tụy ngược dòng là một trong những phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán viêm tụy mạn, tuy nhiên kết quả có thể bình thường ở những bệnh nhân có viêm tụy thay đổi tối thiểu.

4. Nội soi mật tụy ngược dòng dùng để điều trị bệnh gì?

Ngoài chẩn đoán, Nội soi mật tụy ngược dòng còn được sử dụng để điều trị:

  • Cắt cơ Oddi;
  • Lấy sỏi ống mật chủ;
  • Lấy sỏi tụy;
  • Dẫn lưu mật mũi;
  • Đặt stent đường mật trong các trường hợp:
    • Ung thư đường mật vùng rốn gan;
    • Ung thư đường mật vùng ngoài rốn gan khi không còn còn khả năng phẫu thuật;
    • Hẹp đường mật lành tính;
    • Sỏi lớn ống mật chủ chưa thể lấy ngay được;
    • Sỏi ống mật chủ nhưng người bệnh trong tình trạng nặng không cho phép lấy sỏi;
    • Nhiễm trùng đường mật cần dẫn lưu;
  • Đặt stent đường tụy.

5. Chống chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng khi nào?

Nội soi mật tụy ngược dòng
Thủ thuật chống chỉ định với bệnh nhân suy tim

Mặc dù nội soi mật tụy ngược dòng rất hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở ống mật và ống tụy, tuy nhiên không phải bệnh lý nào ở ống mật và ống tụy cũng có thể được chỉ định sử dụng kỹ thuật này. Một số chống chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng bao gồm:

  • Người bệnh mới bị nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh lý tim phổi nặng;
  • Dị ứng với thuốc cản quang;
  • Rối loạn đông máu nặng;
  • Giảm tiểu cầu;
  • Đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu;
  • Viêm đường mật cấp, ngoại trừ trường hợp nghi ngờ tắc nghẽn đường ống (do sỏi mật);
  • Viêm tụy cấp nghi ngờ hoặc xác nhận hoại tử tụy.

6. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng

Ưu điểm

  • Tích hợp cả chức năng điều trị và chẩn đoán;
  • Giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh;
  • Ít xâm lấn, ít tác động vào cơ thể người bệnh, ít biến chứng hơn;
  • Sau mổ ít đau;
  • Thời gian lưu viện ngắn, hồi phục sức khỏe nhanh.

Nhược điểm

Chảy máu từ các mạch máu nhỏ trên thành ống mật chủ, tụ dịch sau mổ do không hút dịch kỹ. Tuy nhiên nhược điểm này chỉ xảy ra nếu như triển khai bởi kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nội soi còn hạn chế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

213 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan