Men gan cao cảnh báo điều gì?

Gan là cơ quan chính trong cơ thể xử lý những chất độc nên các tế bào gan luôn phải chịu tác động cùng những nhân tố độc hại. Men gan tăng cao chính là dấu hiệu gan đang bị tổn thương. Đối tượng mắc bệnh men gan cao ngày càng có xu hướng trẻ hoá mà nguyên nhân chủ yếu là do bia rượu. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh trở nặng, thậm chí gây tử vong.

1. Chỉ số men gan là gì?

Men gan là hệ thống enzym hoàn chỉnh trong gan giúp tổng hợp và chuyển hoá chất, khi bị rối loạn có thể dẫn tới gia tăng hàm lượng giải phóng vào máu gây các biến chứng nguy hiểm. Có 4 loại men gan gồm AST, ALT, ALP và GGT trong đó:

  • AST và ALT là 2 loại enzyme cơ bản, tồn tại trong máu. Khi 2 chỉ số này tăng cao hơn ngưỡng cho phép nghĩa là gan đang bị tổn thương có thể do u gan, suy gan, gan nhiễm mỡ, bệnh gan do sử dụng rượu.
  • GGT và ALP là 2 chỉ số men gan mật thường tăng trong các trường hợp mật bị tắc hoặc viêm, có thể gấp tới 10 lần so với giá trị bình thường.

Các chỉ số men gan bình thường sẽ trong các ngưỡng sau:

  • AST: 20-40 UI/L
  • ALT: 20-40 UI/L
  • GGT: 20-40 UI/L
  • Phosphatase kiềm: 30-110 UI/L

2. Men gan cao có nguy hiểm không?

Men gan cao chính là biểu hiện của gan bị tổn thương và phá hủy do các nguyên nhân khác nhau. Men gan càng cao thì mức độ tổn thương càng nặng hay chính là tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương. Tình trạng này thường gặp ở những người sử dụng bia rượu quá mức, người có tiền sử bệnh gan. Giai đoạn đầu men gan tăng cao có thể không biểu hiện rõ ràng thành triệu chứng nhưng đối với các trường hợp bệnh lý cấp tính sẽ có các biểu hiện như: rối loạn tiêu hoá, mẩn đỏ, ngứa, đau bụng, vàng da,... Việc đánh giá chỉ số men gan cụ thể như sau:

  • Chỉ số men gan từ 40-80: cảnh báo nguy cơ gan nhiễm mỡ, viêm gan virus hay viêm gan do rượu
  • Chỉ số men gan từ 80-150 cảnh báo chức năng gan bị suy giảm, có thể gây biến chứng như xơ gan, xơ gan cổ trướng
  • Nếu chỉ số men gan từ 150-200 thì tế bào gan đã bị tổn hại nghiêm trọng, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan.

3. Những nguyên nhân gây ra tăng men gan

Một số nguyên nhân gây tăng nồng độ men gan bao gồm các nguyên nhân tại gan và ngoài gan như:

  • Viêm gan virus: là nguyên nhân điển hình khiến men gan tăng đột biến, gồm viêm gan siêu vi A, B, C, D, E. Các virus này xâm nhập vào cơ thể và phá huỷ tế bào gan dẫn tới tổn thương gan nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan
  • Tắc đường mật do giun, sỏi, viêm tụy, tắc ruột, viêm dạ dày cấp,... cũng làm tăng men gan nhưng không nhiều như chỉ số gặp trong viêm gan
  • Các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu trong giai đoạn toàn phát cũng làm tăng men gan
  • Lạm dụng rượu bia: Việc sử dụng rượu bia quá đà trong thời gian dài cũng khiến gan bị tổn thương và suy giảm chức năng, gây tăng men gan
  • Tác dụng phụ của thuốc: Thói quen tự ý sử dụng kháng sinh, kháng viêm hay thuốc giảm đau cũng có thể làm men gan tăng nếu lạm dụng các loại thuốc này. Gần đây các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc cũng làm tăng nguy cơ viêm gan.
  • Ngoài ra chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ men gan.

Việc men gan tăng còn có nguyên nhân do hấp thụ 1 phần độc tố chứa trong thực phẩm. Do đó các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nấm mốc, chứa chất bảo quản, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến gan hoạt động nhiều hơn để loại bỏ và xử lý những độc tố này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan