Loét thực quản do dùng thuốc có nguy hiểm không?

Loét thực quản được biết tới là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp. Loét thực quản do những nguyên nhân nào gây ra? Cùng tìm hiểu thêm những thông tin về loét dạ dày thực quản qua bài viết dưới đây.

1. Loét thực quản là gì?

Trong giải phẫu, thực quản là một ống nối từ cổ họng đến dạ dày. Loét thực quản là một dạng viêm loét xảy ra tại thực quản, các tổn thương thường xuất hiện ở trên lớp niêm mạc ở phần dưới của thực quản, là nơi gặp nhau giữa thực quản và dạ dày khiến cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu, đau đớn. Các triệu chứng người bệnh có thể gặp phải khi loét thực quản như: Khó nuốt hoặc đau khi nuốt, đau phía sau của xương ức, ợ nóng, đau tức ngực, nôn ra máu,...

2. Loét thực quản có nguy hiểm không?

Loét thực quản khi không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí có thể dẫn đến phát triển thành ung thư thực quản đe dọa đến tính mạnh của bệnh nhân.

Viêm loét thực quản ban đầu xuất hiện chỉ là những tổn thương nhẹ, lâu dần khi những vết loét bị tấn công một cách nặng nề hơn và không được chữa trị để làm giảm đi tình trạng viêm sẽ khiến các vết loét ngày càng trầm trọng hơn, khiến các lớp cơ của thực quản mất dần các chức năng chống đỡ và dễ bị các tế bào lạ tấn công. Ở vị trí ống dưới của thực quản, nơi gần với dạ dày sẽ bị gặp các biến chứng nhiều nhất. Các tế bào ung thư khi tấn công trên nền thực quản đang bị viêm loét có mức độ phát triển mạnh hơn bình thường, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

3. Các dấu hiệu tổn thương và những nguyên nhân thường gặp

Triệu chứng hay gặp nhất của viêm loét thực quản do thuốc thường xảy ra sau khi uống thuốc từ 24 đến 48 giờ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau sau xương ức và có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên khi bệnh nhân ăn uống hoặc hít sâu, đôi khi có thể kèm theo nuốt đau, nuốt khó,... Tuy nhiên, có một số trường hợp chỉ biểu hiện bằng nóng rát sau xương ức và đau vùng bụng trên rốn, tương tự với dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và bệnh viêm thực quản trào ngược. Có những bệnh nhân lại bị đau vùng sau xương ức kèm đau vùng bụng trên, ợ chua, ợ nóng lên cổ nên dễ bị lầm tưởng là bệnh đau dạ dày.

Trên thực tế, bệnh loét thực quản do dùng thuốc không hiếm gặp, tuy nhiên lại thường ít được nghĩ đến vì các triệu chứng đau vùng bụng hoặc đau ngực làm bệnh nhân nghĩ đến các bệnh khác như viêm loét dạ dày hoặc bệnh tim phổi hơn là bệnh lý của đoạn ống tiêu hóa này. Phương pháp được sử dụng để chẩn đoán chính xác nhất là nội soi đường tiêu hóa trên của bệnh nhân qua miệng.

Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng viêm loét thực quản do dùng thuốc là do người bệnh đã sử dụng thuốc không đúng cách:

  • Nhiều bệnh nhân đã dùng thuốc với lượng nước quá ít, thậm chí có những người uống thuốc không cần nước.
  • Uống thuốc khi đang ở tư thế nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi, uống thuốc xong rồi đi nằm ngay.

Vị trí thường hay gặp tổn thương nhất là đoạn 1/3 giữa thực quản vì đây là nơi hẹp nhất của thực quản làm cho các viên thuốc khi đi qua đây làm cho các viên thuốc, nhất là dạng viên nang có lớp vỏ thuốc sẽ bị mềm ra rất nhanh khi gặp môi trường ẩm và dễ bám dính lại trên thành của thực quản, nếu người bệnh uống thuốc không đúng cách thì thuốc sẽ không thể đẩy xuống dạ dày. Khi thuốc đã bị dính lại ở thực quản, nồng độ của thuốc sẽ tan rã tại chỗ rất cao gây ra độc tính trực tiếp trên thành của thực quản, hoặc một vài loại thuốc khi tan rã tạo ra những chất có tính acid hoặc tính kiềm gây ra tổn thương trực tiếp, làm bỏng trên thành của thực quản và tạo ra những ổ loét lớn với đường kính lên đến 30 mm hoặc đồng thời có nhiều ổ loét. Biến chứng thường thấy là những vết loét không lành sẹo, co rút làm hẹp thực quản gây ra tình trạng khó nuốt kéo dài.

Loét thực quản do dùng thuốc thường hay gặp ở đối tượng là người cao tuổi, do đặc điểm sinh lý theo tuổi thì các chức năng co bóp nhu động của thực quản để đẩy thuốc xuống được dạ dày thường sẽ kém hơn do với người trẻ tuổi. Và thường những người có tuổi có thói quen nằm để uống thuốc hoặc buổi tối khi đã chuẩn bị đi ngủ mới nhớ bỏ quên một cữ thuốc nên vội vàng uống thuốc sau đó lên giường nằm nghỉ ngay. Loét thực quản cũng hay gặp ở nữ giới hơn so với nam giới do các thuốc dễ gây loét trên thực quản thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về phụ khoa và da liễu.

4. Những loại thuốc dễ gây tình trạng viêm loét thực quản nếu dùng sai cách

Có nhiều loại thuốc gây viêm loét thực quản. Tuy nhiên, thường gặp nhất là ở các thuốc thuộc nhóm kháng sinh Doxycyclin (các thuốc thường được dùng tương đối phổ biến trong các phác đồ điều trị viêm nhiễm phụ khoa mụn trứng cá), các thuốc nhóm kháng viêm giảm đau, các thuốc sử dụng trong điều trị loãng xương nhóm bisphosphonate,... thậm chí cả các thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol cũng đã có những số liệu báo cáo là có thể gây ra chứng viêm loét thực quản.

Ở những đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi, độ tuổi thường mắc các bệnh lý về xương khớp nên thường xuyên sử dụng những loại thuốc thuộc nhóm bisphosphonate, đây là một loại thuốc rất nhạy cảm với bề mặt của thực quản và dạ dày. Nếu thuốc này đọng lại trong lòng của thực quản (do tình trạng thuốc khi uống không trôi vào dạ dày hoặc thuốc tan ngay khi đang còn ở thực quản) thuốc có thể gây ra tình trạng kích ứng, viêm, đau, loét rất nhanh. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bị chứng loét thực quản do dùng thuốc đều có thể được chữa lành kịp thời và ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Biện pháp khắc phục:

Đối với viêm loét thực quản do dùng thuốc, các biện pháp điều trị viêm loét thực quản chủ yếu là tạm ngừng sử dụng các thuốc có nghi ngờ gây ra loét thực quản, đồng thời điều trị hỗ trợ bằng các thuốc bù nước điện giải, chống trào ngược acid dạ dày và giảm triệu chứng đau tại chỗ bằng thuốc Sucralfate hoặc thuốc tê Lidocain dạng gel.

Trong thời gian người bệnh đang bị loét thực quản, nên sử dụng thức ăn mềm, nguội (súp xay, sữa, cháo), uống nhiều nước ấm.

Phần lớn các tổn thương loét thực quản sẽ hồi phục sau 2 đến 4 tuần điều trị. Bệnh này có thể phòng tránh được. Uống thuốc đúng cách là một yếu tố quan trọng khi dùng thuốc nhưng lại ít được đề cập đến và có sự quan tâm đúng mức. Nên uống thuốc cùng với ít nhất là 150 ml nước, tốt nhất là 250 ml. Dùng thuốc ở tư thế đứng hoặc đang ngồi thẳng, tránh nằm ngay sau khi uống thuốc (thời gian ít nhất là 30 phút).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan