Đau bụng thường xuyên ở người lớn tuổi có thể cảnh báo điều gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Các chức năng sinh lý của người cao tuổi bị suy giảm thì sức đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm, các loại bệnh tật cũng theo đó mà phát sinh. Đau bụng là một triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi, cường độ của cơn đau có thể dao động từ nhẹ âm ỉ đến oằn oại dữ dội khiến người bệnh phải đi cấp cứu.

1. Đau bụng ở người cao tuổi có thể gặp trong các trường hợp nào?

Có thể xếp nguyên nhân gây ra đau bụng thành ba nhóm chính :

  • Đau bụng do viêm, ví dụ viêm ruột thừa, viêm túi mật, viêm đại tràng...
  • Đau bụng do căng hoặc giãn của một cơ quan, như tắc ruột do u hay do xoắn ruột, tắc đường mật do sỏi, gan sưng do viêm.
  • Đau bụng do thiếu máu nuôi, ví dụ như viêm đại tràng thiếu máu, nhồi máu mạc treo ruột...

Cũng có thể đau bụng không do nguyên nhân nào trong ba nhóm nguyên nhân trên, ví dụ như hội chứng ruột kích thích.

Sau đây là một số trường hợp đau bụng thường xuyên xảy ra ở người cao tuổi:

1.1 Táo bón

Táo bón là vấn đề thường gặp. Bệnh nhân thường quên đi tiêu với số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong 1 tuần, hoặc đi tiêu mỗi ngày với cảm giác tiêu khó khăn, phân cứng và đôi khi kèm đau bụng dưới.

Đau bụng ở người cao tuổi
Táo bón là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi

Táo bón không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, theo thời gian những người bị táo bón mạn tính có nhiều nguy cơ bị trĩ, viêm đại tràng mạn...

1.2. Chứng đầy bụng khó tiêu

Khó tiêu là cảm thấy khó chịu trong người sau khi ăn. Có thể là cảm giác không thoải mái ở phần bụng trên hay ở sau xương ức. Nó thường xuất hiện sau khi ăn một loại thức ăn cụ thể, có thể là đồ ăn chứa nhiều chất béo và đạm. Cũng có thể là cảm giác ợ hơi nhiều và có vị chua trong miệng và thường xuất hiện trong một vài giờ đồng hồ.

Với người già hay những người mắc bệnh tim, đau bụng do khó tiêu xuất hiện khi gắng sức hay căng thẳng sẽ đáng lo ngại. Đôi khi khó có thể phân biệt cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim với chứng khó tiêu. Nếu đau lan lên quai hàm hay xuống cánh tay trái thì có thể đó là cơn đau thắt ngực. Nếu nó mất đi nhanh, hãy thử đến khám bác sĩ, còn nếu nó không dịu đi và cảm thấy khó chịu, hãy gọi cấp cứu.

1.3. Sỏi mật

Nguy cơ bị sỏi túi mật tăng theo tuổi. Do vậy người già là đối tượng thường bị mổ cắt bỏ túi mật nhất.

Bệnh điển hình sẽ có đau bụng đột ngột, dữ dội xuất hiện. Vị trí đau là vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị lệch sang phải, lan lên vai phải hoặc sau lưng, đau bụng làm cho người bệnh lăn lộn trên giường, cũng có thể đau làm người bệnh không dám thở mạnh.

Trong trường hợp không điển hình, đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, hoặc vùng thượng vị lệch phải và lan lên ngực rất dễ nhầm với hội chứng dạ dày.

Trường hợp có nhiễm trùng đường mật sẽ xuất hiện sốt cao, có thể có rét run nhưng đôi khi chỉ sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài, nhất là ở người tuổi cao, sức yếu do phản xạ đã kém. Khi bị tắc đường mật trong hoặc ngoài gan sẽ có vàng da, niêm mạc (lưỡi, mắt...).

1.4. Tắc ruột

Tắc ruột thường xảy ra ở người cao tuổi bị mất răng nên giảm sức nhai, người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hoặc người mắc bệnh viêm tụy tạng mạn tính... làm khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn bị giảm sút.

Ngoài ra, có thể gặp ở người cao tuổi hay bị táo bón, người ăn thức ăn cứng, dai như: gân bò, sụn sườn nhưng nhai không kỹ hoặc ăn trái cây như: vải, táo... mà nuốt luôn cả hạt. Thức ăn không được nhai kỹ, hạt trái cây khi vào đường tiêu hóa sẽ tạo thành nhân để những thực phẩm khó tiêu khác có nhiều xơ, sợi bám dính vào và vón lại thành nhiều cục, gây tắc ruột.

2. Tại sao bệnh đau bụng ở người cao tuổi lại khó chẩn đoán?

Ngày nay, có nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại có thể giúp xác định nguyên nhân gây đau bụng nhanh và chính xác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra đau bụng ở người cao tuổi do những nguyên nhân sau:

2.1 Triệu chứng bệnh không điển hình

Trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, những cơ quan này có thể nằm gần nhau cho nên biểu hiện đau gần giống nhau. Vì thế việc chẩn đoán chính xác đòi hỏi phải có kỹ năng thăm khám của người thầy thuốc, kết hợp với việc am hiểu và sử dụng đúng các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng.

Đau bụng ở người cao tuổi
Triệu chứng bệnh không điển hình làm cho bệnh đau bụng ở người cao tuổi khó chẩn đoán

2.2 Thay đổi hệ tiêu hóa

Người già gặp khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn do hậu quả của thiếu nước uống có fluor cũng như ít được chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng từ khi còn trẻ. Các vấn đề viêm lợi, bệnh quanh răng, rụng răng và tăng cảm giác răng trở nên rất phổ biến.

Giảm nhu động thực quản làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa dẫn tới người già phải nhai lâu hơn và ăn chậm hơn.

Giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch vị dạ dày gây giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Thay đổi một số giá trị xét nghiệm liên quan đến chức năng hệ tiêu hóa: Albumin toàn phần phản ánh chức năng gan và tình trạng dinh dưỡng giảm, enzym ALT tăng theo tuổi, canxi máu giảm, đường máu và kali tăng.

Giảm nhu động của đại tràng cản trở thức ăn di chuyển trong phần còn lại của ống tiêu hóa và đi ra ngoài cơ thể. Tăng thời gian lưu thông của khối thức ăn trong ruột làm tái hấp thu nước nhiều hơn dẫn tới tỉ lệ táo bón gia tăng ở người cao tuổi.

Tuy nhiên, có thể gặp ở vùng bụng 1/4 trên bên phải do ruột thừa nằm dưới gan, đau ở hông lưng phải do ruột thừa sau manh tràng, đau ở bụng dưới do ruột thừa nằm ở tiểu khung, đau ở giữa bụng do ruột thừa dài có đầu ruột thừa thay đổi vị trí bất thường và thậm chí biểu hiện đau bụng bên trái do xảy ra ở bệnh nhân đảo ngược phủ tạng...

Mặt khác, biểu hiện đau ở bụng 1/4 dưới phải nhưng có thể không do viêm ruột thừa mà do viêm manh tràng, viêm hồi tràng, viêm túi thừa vùng manh tràng, viêm túi thừa ruột non, viêm hạch mạc treo ruột, xoắn bờm mở trong ổ bụng, viêm nhiễm vùng vòi dẫn trứng...

Những bệnh nhân lớn tuổi và người dùng thuốc corticoide có thể có ít hoặc không đau bụng khi bị viêm. Kết quả xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh không phải luôn cho kết quả bất thường. Bệnh có thể biểu hiện giống một bệnh khác: triệu chứng viêm ruột thừa điển hình có thể nhầm với viêm túi thừa manh tràng. Các đặc điểm của đau bụng có thể bị thay đổi: đau bụng do viêm tụy cấp khởi đầu thường khu trú ở vùng trên rốn, nhưng sau đó có thể lan khắp ổ bụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan