Chẩn đoán và dùng thuốc trong điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Thói quen ăn uống sinh hoạt chưa khoa học là nguyên nhân chính lý giải cho vấn đề ngày nay có rất nhiều người bị viêm loét đại tràng. Viêm loét đại trực tràng có nhiều biểu hiện khác nhau, mức độ gây đau đớn nhẹ hay nặng còn tùy thuộc vào vị trí viêm loét. Vậy dấu hiệu bị viêm loét đại trực tràng ra sao? Bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin về bệnh cũng như chẩn đoán và dùng thuốc trong điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu.

1. Đại trực tràng nằm ở đâu? Chức năng của đại trực tràng

Đại trực tràng còn được gọi là ruột già là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa. Đại trực tràng có chức năng tiếp nhận và bài biết các thức ăn không tiêu hóa được (phân)

2. Viêm loét đại trực tràng là gì? Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu?

Viêm loét đại-trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, có tính chất tự miễn. Bệnh gây ra tình trạng bị loét và chảy máu tại khu vực đại trực tràng, gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.

Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng đến nay vẫn chưa rõ, tuy nhiên theo nghiên cứu, bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn được gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD). Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, gây tổn thương có thể toàn bộ đại tràng, đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non.

Viêm đại tràng
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính có tính tự miễn

3. Triệu chứng, dấu hiệu mắc viêm loét đại trực tràng?

Dấu hiệu lâm sàng:

Dấu hiệu người bệnh có thể nhận thấy trong quá trình sinh hoạt hằng ngày:

  • Đau bụng, ruột thấy khó chịu, không thoải mái, đầy bụng, chướng bụng
  • Hoạt động ruột thay đổi liên tục gây ra tình trạng bị rối loạn phân: Đại tiện phân lỏng hoặc táo bón, thấy có nhày máu (màu đỏ tươi hoặc sẫm màu) nhiều lần trong ngày, phân màu đỏ.
  • Sốt hiếm khi thường ở thể tiến triển nặng, thể có biến chứng.
  • Phân nhỏ hơn so với bình thường
  • Triệu chứng ngoài tiêu hóa: bị đau khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ hóa đường mật.
  • Toàn thân: gầy sút cân không rõ nguyên do, thiếu máu, đôi khi phù do thiếu dinh dưỡng
  • Cơ thể mệt mỏi

Dấu hiệu cận lâm sàng:

Khi thực hiện thủ thuật nội soi đại trực tràng, thấy phạm vi tổn thương:

  • Viêm loét trực tràng: tổn thương chỉ ở trực tràng
  • Viêm loét trực tràng và đại tràng sigma: tổn thương từ trực tràn đến giữa đại tràng sigma.
  • Viêm loét đại tràng trái: tổn thương từ trực tràng lên đến đại tràng góc lách.
  • Viêm loét đại tràng phải: tổn thương từ trực tràng lên đến đại tràng góc gan.
  • Viêm loét đại tràng toàn bộ.

Sau khi nội soi, lấy 1 mảnh tế bào bị viêm để làm xét nghiệm (xét nghiệm mô bệnh học). Đây là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng, kết luận cuối cùng để biết mức độ viêm loét đại trực tràng chảy máu. Kết quả cho thấy:

  • Tổn thương chỉ ở lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, không tổn thương đến lớp cơ.
  • Biểu mô phủ bong tróc, mất bằng phẳng.
  • Cấu trúc khe tuyến bất thường: ngắn lại, mất song song, chia nhánh, giảm số lượng tế bào hình đài cạn kiệt chất nhày.
  • Tương bào thâm nhập xuống lớp mô đệm.
  • Áp xe khe hốc.
  • Xuất huyết niêm mạc, các mạch máu xung huyết.
Xét nghiệm sinh thiết
Xét nghiệm mô tế bào bị viêm là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng để xác định tình trạng bệnh

Làm xét nghiệm thêm thấy:

  • Bị thiếu máu ở các mức độ tùy vào tình trạng xảy ra sớm hay lâu

Nếu không khám, điều trị kịp thời, viêm loét đại trực tràng chảy máu gây ra những biến chứng nguy hiểm khác:

  • Phình giãn đại tràng: thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng. Đại tràng giãn to chủ yếu giãn đại tràng ngang, d > 6cm. đay là 1 cấp cứu nội khoa vì có nguy cơ thủng đại tràng.
  • Thủng đại tràng: bệnh cảnh viêm phúc mạc. là cấp cứu ngoại khoa.
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Ung thư hóa theo dõi CEA, CA 19.9.

4. Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Đối với các trường hợp chưa từng điều trị: Khởi đầu cho sử dụng 1 loại thuốc, sau đó đánh giá đáp ứng dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân sau 10- 15 ngày;

Đối với trường hợp đã hoặc đang điều trị có đợt tiến triển nặng: Cần bắt đầu lại điều trị bằng 2 loại thuốc đang điều trị và kết hợp thêm 1 loại thuốc khác;

Trường hợp đã được điều trị và ngừng điều trị từ lâu: Điều trị khởi đầu giống như trường hợp chưa từng được điều trị, nên bắt đầu điều trị bằng loại thuốc khác;

Trường hợp thể tổn thương nhẹ tối thiểu ở trực tràng và đại tràng sigma nên kết hợp thêm thuốc điều trị tại chỗ viên đặt hậu môn và thuốc thụt;

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể được điều trị bằng việc sử dụng thuốc

5. Thuốc điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Để điều trị bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu mức độ nhẹ.(tổn thương ở trực tràng), điều trị bằng thuốc:

  • 5- ASA đường uống: pentasa
  • 5 - ASA tại chỗ : nang đặt hậu môn.
  • Có thể kết hợp steroid tại chỗ nang đạn đặt hoặc dung dịch thụt hoặc dạng bột: 100mg x 1-2 lần/ngày.
  • Kháng sinh uống: ciprofloxacin hoặc metronidazol

Điều trị bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu mức độ vừa ( tổn thương ở đại tràng trái )

  • 5 - ASA đường uống: pentasa n
  • 5 - ASA tại chỗ: dung dịch thụt hoặc bột.
  • Dung dịch hydrocortisone 100mg thụt vào mỗi buổi sáng
  • Kháng sinh uống: ciprofloxacin hoặc metronidazol
  • Nếu không đáp ứng: kết hợp corticoid uống
  • Nếu vẫn không đáp ứng:methylprednisolon

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu mức độ vừa hoặc nặng ( tổn thương đại tràng phải hoặc toàn bộ đại tràng ):

  • 5- ASA đường uống: pentasa
  • Prednisolon uống
  • Nếu không đáp ứng: corticoid liều cao tiêm TM, methylprednisolon 16-20mg/8h, hydrocortisone 100mg/8h (TM). Nếu lâm sàng cải thiện sau 7-10 ngày giảm liều dần mỗi 5mg/tuần và cắt hẳn. nếu không đáp ứng kết hợp dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Kháng sinh: ciprofloxacin hoặc metronidazol
thuốc kháng sinh
Tùy thuộc vào mức độ viêm loét đại trực tràng chảy máu để sử dụng thuốc điều trị phù hợp

6. Lưu ý trong quá trình điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp...

Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.

Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng, nên thư giãn, thoải mái đầu óc, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu đối với những người khỏe mạnh.

Cho tới nay, chưa có thuốc đặc trị khỏi bệnh hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu. Chỉ có thể điều trị giúp hạn chế bệnh, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress và cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.

Ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm để được điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan