Chẩn đoán và điều trị và nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Nội Tiêu Hóa - Nội soi - Đơn nguyên Nội tiêu hóa - Nội soi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Helicobacter pylori (H.p), còn được gọi là H.pylori, là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong dạ dày. Khoảng một nửa dân số thế giới nhiễm Hp. Phần lớn những người bị nhiễm H. pylori không có triệu chứng. Tuy nhiên, H. pylori có khả năng gây ra một số vấn đề về tiêu hóa, bao gồm loét và ít gặp hơn là ung thư dạ dày. Không rõ tại sao một số người nhiễm H. pylori mắc phải những vấn đề này và những người khác thì không.

1. Nguồn lây nhiễm H.pylori

H.pylori có thể lây lan bằng cách ăn uống thức ăn hoặc nước bị nhiễm qua phân. H. pylori gây ra những thay đổi cho dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Vi khuẩn Hp xâm nhập các mô liên kết dọc theo dạ dày. Điều này dẫn đến việc giải phóng một số enzyme và độc tố và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Cùng với nhau, những yếu tố này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương các tế bào của dạ dày hoặc tá tràng. Điều này gây ra viêm mãn tính ở thành dạ dày (viêm dạ dày) hoặc tá tràng (viêm tá tràng).

Do những thay đổi này, dạ dày và tá tràng dễ bị tổn thương hơn từ các loại dịch tiêu hóa, chẳng hạn như axit dạ dày.

Ở Hoa Kỳ và các nước phát triển khác, nhiễm H. pylori là bất thường trong thời thơ ấu nhưng trở nên phổ biến hơn ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, hầu hết trẻ em bị nhiễm H. pylori trước 10 tuổi.

vi khuẩn hp
Helicobacter pylori (H.p), còn được gọi là H.pylori, là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong dạ dày

2. Triệu chứng nhiễm H.pylori

Hầu hết các cá thể bị viêm dạ dày mãn tính hoặc viêm tá tràng không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người tiến triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm loét dạ dày hoặc tá tràng.

Loét có thể gây ra các triệu chứng loét phổ biến như:

  • Đau hoặc khó chịu (thường ở bụng trên)
  • Đầy hơi
  • Cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn
  • Thiếu cảm giác thèm ăn
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Phân màu tối hoặc phân có máu
  • Loét chảy máu có thể gây ra lượng máu thấp và mệt mỏi

Ít phổ biến hơn, viêm dạ dày mãn tính gây ra những thay đổi bất thường trong niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến một số dạng ung thư. Tuy nhiên, vì rất nhiều người trên thế giới bị nhiễm H. pylori, nó được coi là một nguyên nhân quan trọng của ung thư dạ dày. Những người sống ở các quốc gia nơi nhiễm H. pylori xảy ra khi còn nhỏ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất.

3. Chẩn đoán H.pylori

Test hơi thở
Xét nghiệm hơi thở là phương pháp thường thấy khi muốn chẩn đoán H.pylori

Các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm hơi thở - Test hơi thở (được gọi là test urea hơi thở) yêu cầu bạn uống một dung dịch chuyên dụng có chứa một chất bị vi khuẩn H. pylori phân hủy. Các sản phẩm bị phân hủy có thể được phát hiện trong hơi thở của bạn.
  • Xét nghiệm phân - Các xét nghiệm phát hiện protein H. pylori trong phân.
  • Xét nghiệm máu - Xét nghiệm máu có thể phát hiện các kháng thể mà hệ thống miễn dịch của cơ thể phát triển để đáp ứng với vi khuẩn H. pylori . Tuy nhiên, nó đã được hạn chế sử dụng vì mối lo ngại về độ chính xác.

4. Ai nên được kiểm tra nhiễm H.pylori?

Bạn nên được kiểm tra nhiễm H.pylori khi:

4.1 Nếu bạn có triệu chứng

Nên xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. pylori nếu bạn bị loét dạ dày hoặc tá tràng hoạt động hoặc nếu bạn có tiền sử loét.

Mặc dù nhiễm H. pylori là nguyên nhân gây loét phổ biến nhất, nhưng không phải tất cả bệnh nhân bị loét đều có H. pylori. Một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt (ví dụ: aspirin, ibuprofen, naproxen) cũng có thể gây loét dạ dày.

4.2 Nếu bạn không có triệu chứng

Xét nghiệm H. pylori thường không được khuyến nghị nếu bạn không có triệu chứng và không có tiền sử bệnh loét dạ dày. Tuy nhiên, nó có thể được xem xét cho những đối tượng nhất định, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình hoặc lo lắng về ung thư dạ dày, đặc biệt là những người gốc Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Trung Mỹ; những nhóm này có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn.

5. Điều trị H.pylori

Những người có tiền sử bệnh loét dạ dày, loét dạ dày hoạt động hoặc loét tá tràng hoạt động liên quan đến nhiễm H. pylori nên được điều trị. Điều trị thành công H. pylori có thể giúp vết loét mau lành, ngăn ngừa loét quay trở lại và giảm nguy cơ biến chứng loét (như chảy máu).

Hướng dẫn tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác khuyến cáo rằng bệnh nhân cần dùng thuốc chống viêm lâu dài như aspirin, ibuprofen, naproxen và các loại thuốc tương tự điều trị viêm khớp và các tình trạng y tế khác nên được kiểm tra H. pylori và nếu bị nhiễm phải điều trị để loại bỏ nhiễm H. pylori.

Các phác đồ điều trị nhiễm vi khuẩn H.pylori cần phối hợp nhiều loại thuốc trong 14 ngày.

  • Hầu hết các phác đồ điều trị đều cần thuốc ức chế bơm proton (PPI). Thuốc này làm giảm sản xuất axit của dạ dày, cho phép các mô bị tổn thương do nhiễm trùng được chữa lành. Ví dụ về thuốc ức chế bơm proton bao gồm rabeprazole (Pariet), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Losec), pantoprazole (Protonix), dexlansoprazole và esomeprazole.
  • Tuy nhiên hầu hết các PPI mất tác dụng ở pH5, một số PPI khác ví dụ như Rabeprazole (Pariet) với pKa~5 giúp nó vẫn giữ nguyên tác dụng ức chế axit, giúp kiểm soát axit nhanh từ ngày đầu tiên, giúp giảm đau nhanh hơn. Rabeprazole còn làm tăng đáng kể chất nhầy dạ dày giúp bệnh nhân nhanh chóng giảm viêm, kích thích lành loét nhanh.
  • Phối hợp 2 kháng sinh làm giảm nguy cơ thất bại điều trị và kháng kháng sinh.
  • Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhiễm H. pylori đề kháng kháng sinh, vì vậy điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc được kê đơn và làm xét nghiệm xác nhận rằng nhiễm trùng đã được loại bỏ.
  • Để đảm bảo hiệu quả điều trị H. pylori, điều quan trọng là phải dùng tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đủ thời gian quy định.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị:

Thuốc
Các phác đồ điều trị nhiễm vi khuẩn H.pylori cần phối hợp nhiều loại thuốc trong 14 ngày

Có tới 50 phần trăm bệnh nhân có tác dụng phụ trong khi điều trị H. pylori . Tác dụng phụ thường nhẹ và ít hơn 10 phần trăm bệnh nhân ngừng điều trị vì tác dụng phụ. Đối với những người gặp phải tác dụng phụ, có thể điều chỉnh liều hoặc thời gian dùng thuốc. Một số tác dụng phụ phổ biến gồm:

  • Phác đồ có metronidazole (Flagyl) hoặc clarithromycin (Klacid) có thể gây ra mùi vị kim loại trong miệng.
  • Nên tránh đồ uống có cồn (ví dụ: bia, rượu vang) trong khi dùng metronidazole; sự kết hợp có thể gây đỏ da, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh.
  • Bismuth, có trong một số phác đồ, làm cho phân bị đen và có thể gây táo bón.
  • Nhiều phác đồ gây tiêu chảy và co thắt dạ dày.

Thất bại điều trị:

Có tới 20 phần trăm bệnh nhân bị nhiễm H. pylori không được chữa khỏi sau khi hoàn thành liệu trình điều trị đầu tiên. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ kê đơn phác đồ điều trị thứ hai. Việc này thường đòi hỏi bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế bơm proton 14 ngày và hai loại kháng sinh. Ít nhất một trong những loại kháng sinh khác với những loại được sử dụng trong liệu trình điều trị đầu tiên.

Theo dõi sau điều trị:

Sau khi kết thúc liệu trình tiệt trừ H. pylori, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm lại để đảm bảo rằng tình trạng nhiễm trùng đã được giải quyết. Điều này thường được thực hiện với xét nghiệm hơi thở hoặc phân. Xét nghiệm máu không được khuyến cáo để theo dõi kết quả tiệt trừ H.p vì kháng thể được phát hiện bởi xét nghiệm máu thường tồn tại trong máu từ bốn tháng trở đi sau khi điều trị, ngay cả sau khi nhiễm trùng được loại bỏ.

Tóm lại, hầu hết mọi người được chữa khỏi sau khi kết thúc hai tuần dùng thuốc. Một số người cần dùng thêm hai tuần nữa. Điều quan trọng là phải hoàn thành liệu trình điều trị của tất cả các loại thuốc để đảm bảo rằng vi khuẩn bị tiêu diệt.

Khuyến cáo tất cả bệnh nhân điều trị H.pylori phải trải qua kiểm tra hơi thở hoặc phân hai tuần sau khi dùng thuốc xong. Điều này được thực hiện để chắc chắn rằng vi khuẩn đã bị tiệt trừ. Xét nghiệm được thực hiện 30 ngày sau khi điều trị kết thúc và ngừng thuốc ức chế bơm proton trong 1 đến 2 tuần trước khi thử nghiệm diệt trừ.

Dù tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP tiến triển thành ung thư không quá cao nhưng đây cũng là tình trạng đe dọa lớn đến sức khỏe người bệnh. Mỗi người nên có cách chủ động phòng tránh và điều trị vi khuẩn HP. Nhất là với những trường hợp người có tiền sử về bệnh liên quan đến tiêu hóa hoặc có người thân trong gia đình từng nhiễm vi khuẩn HP. Phát hiện sớm vi khuẩn HP giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sử dụng đồng vị carbon 13C trong test hơi thở chẩn đoán vi khuẩn H. pylori với loại máy ưu việt hàng đầu có gắn 02 túi khí, vừa cho giá trị chẩn đoán rất cao (> 95%) vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh.

>>Xem thêm: Liệu pháp quang động học và vắc-xin trong điều trị helicobacter pylori- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Nguồn tham khảo:

  1. Chey WD, Leontiadis GI, Howden CW, Moss SF. ACG Clinical Guideline: Treatment of Helicobacter pylori Infection. Am J Gastroenterol 2017; 112:212.
  2. Fallone CA, Chiba N, van Zanten SV, et al. The Toronto Consensus for the Treatment of Helicobacter pylori Infection in Adults. Gastroenterology 2016; 151:51.
  3. Malfertheiner P, Megraud F, O'Morain CA, et al. Management of Helicobacter pylori infection-the Maastricht V/Florence Consensus Report. Gut 2017; 66:6.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan