Các rối loạn chức năng thường gặp ở thực quản và dạ dày

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Thực quản và dạ dày là những phần rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Trong khi thực quản là đoạn đầu ống tiêu hóa chịu chi phối bởi các hệ thống cơ và thần kinh phức tạp thì dạ dày có chức năng chủ yếu là tiết dịch và vận động. Khi có rối loạn trong hệ tiêu hóa đặc biệt là thực quản và dạ dày sẽ gây ra nhiều khó khăn và cản trở đáng kể đến hoạt động sinh hoạt của người bệnh.

1. Các rối loạn chức năng thực quản thường gặp

Có rất nhiều dạng rối loạn thực quản nhưng thường gặp nhất một số loại như sau:

  • Ợ nóng: Là triệu chứng đau bỏng sau xương ức lan ra hai bên ngực, cổ hoặc hàm đặc trưng cho bệnh lý viêm thực quản do trào ngược và thường nổi trội khi bệnh nhân nghiêng mình ra trước hoặc nằm ngửa sau bữa ăn. Nếu nguyên nhân là do bệnh trào ngược dạ dày- thực quảnơ (GERD) thì bệnh nhân thường được điều trị bằng các biện pháp tổng quát như nâng cao đầu trên giường để loại bỏ các yếu tố làm gia tăng áp lực trong bụng. Bệnh nhân cũng nên tránh rượu, chocolate, cà phê và các thức ăn béo, bạc hà, cam vắt cũng như bỏ thuốc lá. Thuốc điều trị bệnh là các chất kháng axit sau bữa ăn và H2-blockers trước khi ngủ
  • Nuốt đau: Là cảm giác đau dưới xương ức khi nuốt thường xảy ra do nhiễm trùng hoặc do nuốt các chất ăn mòn hoặc dùng thuốc (tetracyclin, quinidine, estrogen, aspirin) hay ung thư. Biểu hiện này hiếm khi gây ra bởi trào ngược dạ dày thực quản.
  • Nghẽn thực quản: Thường gặp ở trẻ em có tiền sử nuốt dị vật rồi khởi phát đau ngực, nuốt đau hoặc không nuốt được do dị vật nằm ở thực quản vùng cổ, cơ vòng thực quản trên, cơ vòng thực quản dưới hoặc cung động mạch chủ. Nếu nguyên nhân do thức ăn thì nghẽn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào có hẹp lòng thực quản do co thắt hoặc carcinoma. Để giải quyết tình trạng này bác sĩ có thể sử dụng catheter Foley lấy các vật tròn, cùn, thực hiện dưới soi quang tuyến. Các vật lạ khác như vật sắc bén, thức ăn bị kẹt không lấy bằng phương pháp Foley được thì tốt nhất nên nội soi để lấy dị vật.
  • Co thắt tâm vị: Nguyên nhân do cơ thực quản không giãn ra được, giai đoạn sớm có thể đau nhiều khi nuốt thức ăn hoặc có biểu hiện khó nuốt, khi tiến triển thì thực quản dần giãn ra, giảm đau nhưng triệu chứng khó nuốt lại gia tăng. Điều trị chủ yếu là sử dụng ống nong hoặc phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản, điều trị thuốc chỉ có thể làm giãn đoạn dưới cơ thực quản và chỉ sử dụng trong giai đoạn sớm.
  • Hội chứng Mallory-Weiss: Là vết rách niêm mạc ở dạ dày gần chỗ tiếp nối biểu mô lát trụ hoặc niêm mạch thực quản gây nên do nôn mửa. Bệnh nhân thường có bệnh cảnh xuất huyết đường tiêu hóa trên.
  • Thủng thực quản: Là một tình trạng đau ngực dữ dội, đặc biệt khi nuốt và thở gây ra do chấn thương, gia tăng áp lực trong thực quản (nôn mửa dữ dội) hay các bệnh lý thực quản như viêm thực quản do ăn mòn, loét thực quản, ung thư thực quản. Thủng thực quản còn có thể dẫn đến rò dịch dạ dày vào trung thất làm nhiễm trùng trung thất thứ phát.
Một số người sẽ bị ợ nóng sau khi dùng gừng
Ợ nóng là triệu chứng đau bỏng sau xương ức lan ra hai bên ngực, cổ hoặc hàm đặc trưng cho bệnh lý viêm thực quản do trào ngược

2. Các rối loạn chức năng dạ dày thường gặp

Dạ dày đóng vai trò rất quan trọng trong hệ tiêu hóa với chức năng chính là tiết dịch và vận động, khi hai chức năng này gặp vấn đề bất thường và không thể hoạt động nhịp nhàng thì có thể dẫn đến các rối loạn dạ dày như:

  • Giãn dạ dày cấp: Thường xuất hiện sau chấn thương ổ bụng hoặc phẫu thuật ổ bụng, viêm tụy có mủ hoặc ăn uống quá mức kéo dài. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau thượng vị dữ dội, đột ngột hoặc âm ỉ, ậm ạch và nôn nhiều kéo dài, có thể gây rối loạn nước và điện giải, thậm chí là tử vong.
  • Toan hóa: Do căng thẳng thần kinh, tâm thần, nghiện thuốc lá, viêm dạ dày giai đoạn đầu hoặc loét dạ dày- tá tràng gây ra. Bệnh nhân sẽ có đau vùng thượng vị, cảm giác nặng bụng cần được điều chỉnh chế độ ăn uống, bỏ thuốc lá và dùng các thuốc giảm tiết, băng se niêm mạc dạ dày và an thần
  • Tăng trương lực dạ dày: Do chấn thương tâm thần, nhiễm độc chì hoặc trong các cơn đau quặn gan, thận, bệnh viêm loét dạ dày biểu hiện bằng đau vùng thượng vị thường xuyên, tăng khi xúc động, lao động, buồn nôn, nôn, ợ chua, ợ hơi. Bệnh nhân cần hạn chế sử dụng các chất kích thích mạnh, dùng thêm sinh tố, an thần và thuốc chống co thắt cơ trơn
Thai phụ đau bụng dưới dữ dội cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra
Giảm trương lực dạ dày thường xuất hiện sau chấn thương, căng thẳng thần kinh tâm thần, bội thực sau thời gian dài nhịn đói hoặc các bệnh lý như viêm đường mật, viêm tụy, ...
  • Giảm trương lực dạ dày: Thường xuất hiện sau chấn thương, căng thẳng thần kinh tâm thần, bội thực sau thời gian dài nhịn đói hoặc các bệnh lý như viêm đường mật, viêm tụy, viêm dạ dày. Bệnh nhân chủ yếu cảm thấy mệt mỏi, sức lao động giảm, bụng ậm ạch, đau lâm râm, kém ăn, chóng no, buồn nôn, ợ hơi, chướng bụng,...
  • Co thắt môn vị: Chủ yếu do loét dạ dày tá tràng hoặc polyp dạ dày, viêm dạ dày tăng toan, viêm đại tràng mạn, thiếu vitamin B1. Bệnh nhân thường đau hạ sườn phải, nôn nhiều nên cần ăn uống nhẹ, tránh các chất kích thích, dùng thuốc an thần, giãn cơ và truyền dịch khi cần (nôn nhiều)
  • Chậm tiêu: Chủ yếu bệnh nhân có cảm giác đau và khó chịu vùng bụng, nhất là thượng vị sau ăn, cảm giác mau no và buồn nôn. Các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng với ít nhất trên 3 đợt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

941 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan