Các cấp độ của xơ hóa gan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xơ hóa gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, xơ hóa gan được phân ra nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng và tỉ lệ chữa khỏi khác nhau.

1. Các mức độ xơ hóa gan

Theo phân loại Metavir của giải phẫu bệnh, các giai đoạn xơ hóa gan bao gồm:

  • F0 (không có xơ hóa)
  • F1 (xơ hóa khoảng cửa)
  • F2 (xơ hóa khoảng cửa với vài cầu nối)
  • F3 (xơ hóa bắt cầu)
  • F4 (xơ gan).

Có 4 mức độ xơ hóa gan:

  • Không xơ hóa hay xơ hóa nhẹ khi bệnh nhân ở giai đoạn: F0, F1
  • Xơ hóa đáng kể khi: ≥ F2 (F2 đến F4)
  • Xơ hóa nặng khi: ≥ F3 (F3 đến F4)
  • Xơ gan (F4).

Vai trò của việc xác định các mức độ xơ hóa gan

Việc xác định các mức độ xơ hóa gan có 3 vai trò chính sau đây:

  • Xác định mức độ tổn thương gan để quyết định bắt đầu điều trị, đặc biệt đối với viêm gan mạn do virus viêm gan C, tránh tiến triển đến xơ gan khi có xơ hóa đáng kể.
  • Thiết lập chế độ theo dõi đặc biệt, xác định thời gian tối ưu để bắt đầu tầm soát biến chứng (ung thư tế bào gan, giãn tĩnh mạch thực quản...) đối với xơ hóa nặng.
  • Theo dõi điều trị: đánh giá tiến triển hay thoái triển xơ hóa gan và xơ gan.

Thông thường:

  • Giai đoạn F1, F2: điều trị có thể phục hồi
  • Giai đoạn F3, F4: thường điều trị không phục hồi, chỉ dừng lại sự tiến triển của xơ hóa gan.
Các cấp độ của xơ hóa gan
Mức độ xơ gan nặng

2. Nhận biết các cấp độ xơ hóa gan

Giai đoạn F1

Giai đoạn đầu tiên này người bệnh ít xuất hiện những biểu hiện bệnh lý bởi nó xuất hiện cực kì mờ nhạt. Các mô sẹo xơ hóa mới bắt đầu hình thành, gây nên những triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa thông thường. Giai đoạn này dễ bị bỏ qua hoặc lầm tưởng là biểu hiện của bệnh khác.

Giai đoạn F2

Lúc này xuất hiện nhiều hơn các mô sẹo, mô xơ hóa trong gan người bệnh có thể nhìn thấy rõ nét hơn. Lượng tế bào mô xơ giai đoạn này tăng lên rất nhiều, làm gan bị suy yếu chức năng rõ rệt, chất độc bị ứ đọng, không được thải ra ngoài khiến các cơ quan khác bị tác động gây rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể. Triệu chứng điển hình của giai đoạn này là hiện tượng vàng da.

Giai đoạn F3

Xơ hóa gan giai đoạn 3 đã làm gan bị rối loạn chức năng gan một phần bởi lượng tế bào gan bị thay thế bằng các mô xơ hóa chiếm chủ yếu. Độ xơ hóa gan F3 cao hơn nhiều so với xơ hóa gan F2 làm gan mất đi hầu hết chức năng. Các tế bào gan bình thường còn lại sẽ phải làm việc nhiều hơn, thay thế cho phần tế bào gan bị xơ dẫn đến việc quá tải, chất độc ứ đọng ngày càng nhiều khiến tế bào gan dần bị tổn thương và chuyển sang giai đoạn xơ hóa. Những triệu chứng khá rõ rệt như: người bệnh cảm thấy đau mỏi cơ thể, xuất hiện phù nề tay chân và dần dần lan rộng ra toàn cơ thể.

Giai đoạn F4

Tế bào gan bị tổn thương hoàn toàn, bệnh gan đã tiến triển đến giai đoạn cuối, gan không còn chức năng, bệnh ngày càng có những diễn biến xấu hơn. Người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng bệnh lý khác hay các biểu hiện của những biến chứng xơ gan gây nên. Xơ hóa gan F4 là giai đoạn nguy hiểm nhất.

3. Phương pháp đánh giá xơ hóa gan

Các cấp độ của xơ hóa gan
Phương pháp đánh giá xơ hóa gan

Các phương pháp đánh giá xơ hóa gan bao gồm 2 nhóm chính: xâm nhập và không xâm nhập.

  • Xâm nhập: sinh thiết gan bằng kim nhỏ qua da lấy một mẫu mô gan quan sát dưới kính hiển vi
  • Không xâm nhập: chỉ điểm sinh học, chẩn đoán hình ảnh và đo độ đàn hồi gan.

Trong đó, sinh thiết gan được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá độ xơ hóa gan. Tuy nhiên, sinh thiết gan là phương pháp xâm nhập sâu, có biến chứng, đồng thời bộc lộ một số hạn chế: kết quả bị ảnh hưởng bởi kích thước mẫu, vị trí sinh thiết và sự phân tích của các nhà giải phẫu bệnh. Vì vậy, hiện nay trên thế giới đã và đang phát triển nhiều phương pháp đánh giá xơ hóa gan không xâm nhập, có thể thay thế một phần sinh thiết gan với độ chính xác khác nhau.

Hiện nay phương pháp chẩn đoán siêu âm đàn hồi mô gan là phương pháp tốt nhất để đánh giá tổn thương trong nhu mô gan và mức độ xơ gan, giúp chẩn đoán các bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan C, gan nhiễm mỡ do rượu, gan ứ thận mạn... . Theo đó, bệnh nhân nằm ngửa, tay phải đặt sau đầu, người thực hiện đặt đầu dò lên da kẽ liên sườn vị trí thường sinh thiết gan và ấn với một áp lực nhẹ và kiểm tra gồm 10 phép đo liên tục tại cùng một vị trí. Máy sẽ tự động tính trị số trung bình. Kết quả được máy phân tích và cho ra con số cụ thể. Ưu điểm của kỹ thuật là không xâm lấn, dễ thực hiện được ở bệnh nhân béo phì, báng bụng và có thể áp dụng với nhiều cơ quan khác nhau.

>>Xem thêm: Vai trò của thảo dược trong điều trị, chống xơ hoá gan- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan