Lọc màng bụng ở trẻ em

Lọc màng bụng là một phương pháp lọc máu ngoài thận, kỹ thuật đơn giản, có thể áp dụng trong nhiều cơ sở điều trị vì không đòi hỏi máy móc phức tạp và nhân viên y tế chuyên khoa đặc biệt. Lọc màng bụng ở trẻ em được chỉ định trong một số trường hợp suy thận.

1. Lọc màng bụng ở trẻ em được chỉ định trong trường hợp nào?

Thẩm phân phúc mạc hay lọc màng bụng là một phương pháp điều trị sử dụng niêm mạc của bụng như một bộ lọc tự nhiên để đưa chất thải và nước thừa ra khỏi máu. Phương pháp này đặc biệt thích hợp ở trẻ em bởi kỹ thuật không theo đường mạch máu nên tránh được nghẽn mạch, tắc mạch và xơ hóa mạch...

Lọc màng bụng ở trẻ em được chỉ định trong các trường hợp suy thận:

  • Suy thận cấp
    • Kali máu ≥ 6,0mmol/l, HCO-3 < 12mmol/l.
    • Nhiễm toan nặng và có diễn biến xấu.
    • Urê máu > 30mmol/l.
    • Thiểu hoặc vô niệu kéo dài ≥ 2 ngày.
    • Rối loạn nước điện giải.
  • Suy thận mạn: Lọc màng bụng liên tục thay thế thận suy đặc biệt là ở giai đoạn nặng hoặc giai đoạn cuối để kéo dài cuộc sống, trong lúc chờ ghép thận.
Lọc màng bụng ở trẻ em được chỉ định trong suy thận cấp
Lọc màng bụng ở trẻ em có thể được chỉ định trong suy thận cấp

2. Lọc màng bụng ở trẻ em được tiến hành như thế nào?

Trước khi bắt đầu thẩm phân phúc mạc, trẻ được gây mê và đặt ống thông màng bụng. Trong quá trình thẩm phân phúc mạc, một chất lỏng làm sạch được gọi là dialysate sẽ được đưa vào bụng. Chất thải và nước thừa thấm qua niêm mạc bụng vào dịch lọc, sau đó rửa ngược ra ngoài, mang theo chất thải và nước thừa.

Quá trình điều trị thẩm phân phúc mạc mất khoảng 8–10 giờ. Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên được điều trị trong khi ngủ mỗi đêm.

Trong khi thực hiện lọc màng bụng, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đánh giá tình trạng tuần hoàn, thần kinh, hô hấp, rối loạn nước và điện giải, cân bằng toan kiềm, kiểm tra kỹ ổ bụng xem gan lách có to không hoặc có viêm màng bụng khu trú không. Bệnh nhi sẽ được cân trước và sau mỗi ngày lọc.

Trẻ thường sẽ cảm thấy khó chịu trong vài ngày sau khi làm thủ thuật đặt ống thông. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị thẩm phân phúc mạc, bệnh nhi sẽ không được cảm thấy đau hoặc khó chịu.

3. Nguy cơ biến chứng lọc màng bụng ở trẻ em

  • Chảy máu tại vị trí mổ là biến chứng hay gặp, xuất hiện ngay, thường không cần xử trí, sau vài lần thay dịch thường tự cầm máu.
  • Chảy máu trong ổ bụng với triệu chứng sốc: đây là biến chứng rất ít gặp, thường xảy ra ở bệnh nhi đã làm lọc màng bụng nhiều lần
  • Đau bụng: Nếu xảy ra lúc đưa dịch vào thì cho dịch chảy chậm lại, thay đổi tư thế bệnh nhân. Nếu trẻ đau bụng dữ dội, đột ngột có nguy cơ vỡ tạng, cần tiến hành cấp cứu ngay. Nếu đau bụng xảy ra khi tháo dịch ra, thì lại cho dịch vào một ít
  • Tắc ống thông: tình trạng này có thể do cục máu đông, ruột hoặc mạc nối lớn bít lại, bác sĩ có thể sẽ thay đổi tư thế bệnh nhân, bơm nhanh qua catheter dung dịch có pha heparine. Nếu vẫn không có kết quả thì sẽ tiến hành cho nòng thông lại. Sau cùng là thay thế một ống thông phúc mạc khác.
  • Hạ huyết áp và trụy mạch: xảy ra do cơ thể trẻ bị mất nước
  • Rối loạn tuần hoàn: Bệnh nhi cảm thấy tức ngực, khó thở do cơ hoành bị đẩy lên cao hoặc do rối loạn điện giải, đặc biệt do giảm kali máu, đây là tình huống cần xử lý và điều chỉnh kịp thời.
  • Viêm phúc mạc ở mọi mức độ
  • Tổn thương các phủ tạng
  • Các rối loạn chuyển hoá khác: Thường gặp khi thực hiện lọc màng bụng nhiều lần như mất protein, tăng đường huyết hoặc rối loạn cân bằng toan-kiềm.
Lọc màng bụng ở trẻ em có thể xảy ra biến chứng như chảy máu tại vị trí mổ
Lọc màng bụng ở trẻ em có thể xảy ra biến chứng như chảy máu tại vị trí mổ

4. Bố mẹ cần làm gì để giúp trẻ trong quá trình lọc màng bụng

Khi trẻ cần lọc màng bụng, việc giữ gìn sức khỏe sẽ giúp trẻ tránh được các vấn đề và cảm thấy tốt hơn. Dưới đây là một vài lời khuyên cho bố mẹ:

  • Giúp trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Trẻ em đang thẩm phân phúc mạc cần nhiều protein nạc như thịt nạc, cá và đậu.
  • Giúp trẻ nhớ uống thuốc nếu cần. Trẻ em thường cần các loại thuốc để kiểm soát huyết áp, giúp sản xuất các tế bào hồng cầu và kiểm soát mức độ dinh dưỡng trong máu. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ và hỏi trước khi con bạn dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung nào không cần kê đơn.
  • Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu khoảng một tháng một lần.

Trẻ em và thanh thiếu niên điều trị bằng thẩm phân phúc mạc vẫn có thể đi học hoặc đi làm. Lọc máu được thực hiện qua đêm, vì vậy trẻ em vẫn có thể tuân thủ lịch trình bình thường của chúng. Các công việc và môn thể thao mang vác nặng hoặc tiếp xúc nhiều có thể không nên được thực hiện. Nhưng ngay cả khi có một số giới hạn, trẻ em vẫn có thể làm nhiều điều chúng thích.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

257 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan