Vì sao thuốc lợi tiểu gây tác dụng phụ? Hạn chế tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu bằng cách nào?

Bài viết bởi Dược sĩ Phạm Thị Kim Dung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm tái hấp thu nước và muối, làm tăng lượng nước tiểu và đi kèm tăng thải muối. Thuốc lợi tiểu thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp, phù, suy tim, ...

1. Vì sao thuốc lợi tiểu có tác dụng hạ huyết áp?

Lợi tiểu thường dùng trong điều trị tăng huyết áp vì thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm muối, nước vì vậy giảm thể tích dịch nên làm giảm áp lực lên thành động động mạch, có tác dụng giảm huyết áp. Ngoài ra, một số thuốc như chlorthalidone, indapamide còn có tác dụng giãn mạch gây giảm huyết áp trực tiếp.

Tăng huyết áp ở người trẻ phải điều trị thế nào?
Thuốc lợi tiểu ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp

2. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu là gì? Và vì sao thuốc lợi tiểu gây tác dụng phụ?

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc lợi tiểu mà người bệnh khi sử dụng cần lưu ý như sau:

  • Rối loạn dịch và điện giải: Do thuốc lợi tiểu làm tăng tái hấp thu muối Na và thông qua các kênh vận chuyển Na-Kali-Cl làm kéo theo sự thay đổi bài tiết hoặc tái hấp thu các ion trong dịch cơ thể. Lợi tiểu quai (furosemide) làm giảm các Natri, kali, magie, calci trong máu, trong khi đó lợi tiểu thiazide (chlorothiazdie, hydrochlorothiazide), thiazide –like (indapamide, chlorthalidone) làm tăng calci máu và giảm các ion khác, lợi tiểu kháng aldosterone (spironolactone, amiloride) làm tăng kali máu. Khi bị rối loạn nặng có thể dẫn đến yếu cơ, tê bì chân tay, rối loạn nhịp tim,... nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Việc dùng lợi tiểu quai liều cao và kéo dài gây hạ Calci máu và cũng làm tăng Calci niệu, có thể gây sỏi thận
  • Rối loạn cân bằng kiềm – toan: Cũng tương tự, sự tái hấp thu Na kéo theo thay đổi bài tiết và tái hấp thu các ion H+, HCO3-,... trong dịch cơ thể dẫn đến thay đổi pH máu và làm rối loạn cân bằng kiềm toan. Sự thay đổi pH máu của thuốc lợi tiểu đôi khi lại được sử dụng trong điều trị (acetazolamide dùng trên người bệnh phù với kiềm chuyển hóa).

  • Rối loạn chuyển hóa: tăng đường huyết vì làm giảm K máu gây rối loạn dung nạp glucose ở ngoại vi và làm giảm bài tiết insulin từ tụy, tăng lipid.
  • Tăng acid uric có thể gặp ở bệnh nhân điều trị với thuốc lợi tiểu quai hoặc lợi tiểu thiazide do thuốc giảm bài tiết muối urate trực tiếp hoặc gián tiếp.
  • Hạ huyết áp tư thế.

Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác của từng nhóm như:

  • Độc tính trên tai có thể gây điếc ở một số bệnh nhân truyền thuốc lợi tiểu furosemide liều cao
  • Tác dụng phụ trên nội tiết gây vú to ở nam giới, kinh nguyệt bất thường, giảm tình dục của lợi tiểu kháng aldosterone (amiloride, spironolactone...)
  • Một số ít trường hợp có thể gặp tác dụng phụ gây chóng mặt, nhạy cảm ánh sáng, mẩn đỏ của lợi tiểu thiazide
Chóng mặt
Người bệnh có thể gặp triệu chứng chóng mặt

3. Hạn chế tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu bằng cách nào?

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu người bệnh nên:

  • Sử dụng thuốc lợi tiểu đúng theo chỉ định, liều dùng và xem xét kỹ khi dùng thuốc ở bệnh nhân tiểu đường, suy thận, gout.
  • Nên dùng thuốc lợi tiểu vào ban ngày để tránh tình trạng tiểu đêm.
  • Khi sử dụng lâu dài, cần theo dõi chức năng thận, tình trạng dịch cơ thể (lượng dịch vào – ra, cân nặng), huyết áp, điện giải, đường máu ở tuần đầu và tuần thứ 2 dùng thuốc, sau đó sau 6 tháng và 12 tháng.
  • Thận trọng nguy cơ ngã, choáng, hoa mắt do hạ huyết áp tư thế.
  • Người bệnh dùng thuốc lợi tiểu hạ kali, tùy trường hợp có thể được khuyên ăn bổ sung thức ăn giàu kali.
  • Lợi tiểu Thiazides có thể không hiệu quả trên bệnh nhân có sức lọc cầu thận CrCI < 30 mL/min và nên sử dụng liều thấp có tác dụng vì hiệu quả của thuốc không phụ thuộc vào liều, nhưng độc tính tăng theo liều.
  • Nếu xuất hiện cơn gout mới hoặc tái phát, cần thông báo bác sĩ để rà soát việc sử dụng thuốc lợi tiểu.
Dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec
Trước khi sử dụng, người bệnh cần được khuyến cáo về tác dụng phụ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan