Uống thuốc mỡ máu có ảnh hưởng sinh lý không?

Thuốc mỡ máu là một loại thuốc thường được chỉ định để điều trị tình trạng tăng mỡ trong máu ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc cần được kê đơn theo sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vậy uống thuốc mỡ máu có ảnh hưởng sinh lý không?

1. Uống thuốc mỡ máu có hại không?

Mỡ trong máu tăng cao là một tình trạng bệnh lý diễn ra khi có sự rối loạn về lipid trong máu, cụ thể đó là sự tăng lên của các chất béo xấu và giảm đi của những chất béo tốt nên gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tình trạng mỡ trong máu tăng cao cần được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch, các bệnh lý về động mạch ngoại biên,... Theo nhiều nghiên cứu gần đây thì tình trạng mỡ máu tăng cao đang xuất hiện nhiều hơn đối với những người trẻ tuổi, đặc biệt là người trong khoảng 30 tuổi.

Với những bệnh nhân bị mỡ trong máu mức độ nặng và có nhiều nguy cơ biến chứng sau đó hoặc đã xuất hiện biến chứng thì sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm mỡ máu. Thuốc giảm mỡ máu nếu sử dụng trong một thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, mức độ đa dạng có thể từ nhẹ đến nặng. Thuốc thường được sử dụng nhiều đối với những bệnh lý liên quan đến hệ tim mạch nên các bác sĩ điều trị rất thận trọng khi chỉ định loại thuốc này và thường phải lựa chọn nhóm thuốc giảm mỡ máu phù hợp với từng bệnh nhân để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn.

Một cách tổng quan thì khi thuốc hạ mỡ máu được đưa vào cơ thể người bệnh thì nó sẽ có tác dụng ức chế quá trình tạo mỡ, điều trị được tình trạng mỡ tăng cao trong máu. Khi mỡ trong máu giảm thì mỡ ở các mô có quan cũng sẽ giảm theo nên người bệnh thường gặp tình trạng mệt mỏi, đau đầu, cơ thể uể oải,... và còn gây ra những tác dụng phụ lên các hệ cơ quan khác trong cơ thể.

2. Thuốc mỡ máu có tác dụng phụ gì?

Thuốc mỡ máu có thể gây ra những tác dụng không mong muốn lên nhiều hệ cơ quan khác nhau như:

  • Hệ gan - mật: Thuốc có thể làm tăng men gan, có khả năng hoại tử tế bào gan, đối với trường hợp này thì bắt buộc phải ngưng dùng thuốc ngay lập tức. Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm gan cấp tính, viêm gan mãn tính hay men gan tăng cao trong thời gian dài thì sẽ chống chỉ định với loại thuốc này.
  • Hệ tiêu hóa: Thuốc giảm mỡ máu có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa mặc dù với tỉ lệ không cao, nhưng vẫn gây ra một số triệu chứng lâm sàng như khó tiêu, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chán ăn,...
  • Hệ thần kinh: Thuốc làm phù mạch thần kinh, gây ra chứng chuột rút, một số bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng có thể gặp phải.
  • Hệ da - cơ - xương - khớp: Khi người bệnh dùng thuốc hạ mỡ máu Atorvastatin thì có thể gây ra tình trạng đau cơ, yếu cơ, nhức mỏi khớp, ngứa, nổi mề đay trên da.
  • Ngoài ra, khi dùng thuốc hạ mỡ máu chung với thuốc kháng đông thì cần phải theo dõi prothrombin thông qua INR vì có thể dẫn đến tình trạng chảy máu ở người bệnh. Thuốc cũng có thể làm tăng đường huyết, hạ đường huyết. Với những bệnh nhân bị viêm gan cấp thì không kết hợp thuốc hạ mỡ máu và thuốc Perhexiline vì dễ gây ra tử vong cho người bệnh.

Tác dụng phụ của thuốc cũng có thể phân theo nhóm thuốc để người bệnh dễ dàng lưu ý hơn đối với loại thuốc mỡ máu mình đang sử dụng:

  • Nhóm Statin: Tác dụng không mong muốn cần lưu ý nhất của nhóm thuốc này đó là làm tiêu cơ vân, các tế bào cơ vân tiêu hủy nên thận không đào thải kịp dẫn đến suy thận và tử vong. Triệu chứng lâm sàng phổ biến đó là đau nhức cơ, yếu cơ, co cơ, nhất là cơ vùng lưng, bắp chân, nước tiểu chuyển màu đỏ đậm,... Ngoài ta, tác dụng phụ của Statin còn có thể là viêm gân, tổn thương gân nhất là gân Achilles, tổn thương gan, đường ruột...
  • Nhóm Niacin: Gây ra một số tác dụng phụ lên da như đỏ da, ngứa,... và kèm theo triệu chứng đau đầu.
  • Nhóm chất ức chế PCSK9: Thuốc gây ra một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, đau nhức cơ, viêm đường tiết niệu, cảm lạnh, các bệnh lý về gan,... Thuốc này thường không được chỉ định với những bệnh nhân có tiền sự dị ứng với thuốc như mề đay hay phát ban khi dùng thuốc.
  • Nhóm thuốc cô lập axit mật: Tác dụng phụ thường gặp khi dùng loại thuốc này đó là táo bón, đầy hơi, đau dạ dày, tiêu chảy, đau lưng,...

3. Uống thuốc mỡ máu có ảnh hưởng sinh lý không?

Tình trạng mỡ máu tăng cao cũng gây ra những ảnh hưởng đến các hormone sinh dục và vấn đề quan hệ tình dục ở nam và nữ. Trong cơ thể thì cholesterol trong máu là chất tạo ra màng tế bào và những hormone sinh dục Testosterone ở nam và Estrogen, Progesterone ở nữ. Khi Cholesterol trong máu tăng cao thì có thể dẫn đến rối loạn cương dương ở nam giới do khi mỡ máu tăng cao thì vùng mạch máu ở xương chậu có xu hướng bị tắc nghẽn, dương vật sẽ không được cung cấp lượng máu cần thiết cho việc quan hệ tình dục. Tương tự ở nữ giới, việc mỡ máu tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục và sự ham muốn ở nữ giới. Vì vậy, người bệnh cần khắc phục tình trạng này bằng cách dùng thuốc hạ mỡ máu để không gây ảnh hưởng đến các hormone sinh dục trong cơ thể. Cho đến nay, vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu nói về tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sinh lý nên vẫn có thể dùng thuốc điều trị mỡ máu cho những bệnh nhân này.

4. Kết luận

Thuốc hạ mỡ máu được chỉ định với những tình trạng bệnh lý mỡ trong máu tăng cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và có thể diễn biến nghiêm trọng sau đó. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc vì thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn lên các hệ cơ quan trong cơ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan