Uống thuốc bao lâu thì đào thải hết?

Thuốc được đưa vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau do thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như: dạng viên nén, viên sủi, dịch truyền, thuốc tiêm,... Tùy từng loại thuốc có thời gian đào thải ra khỏi cơ thể khác nhau, mặc dù có hoạt chất giống nhau. Dưới đây là những thông tin bạn cần biết để sử dụng thuốc hợp lý.

1. Hành trình của thuốc trong cơ thể người bệnh

Thuốc trong cơ thể con người trải qua các giai đoạn: hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ.

Thuốc được hấp thu như thế nào?

  • Thuốc có thể được hấp thu trực tiếp vào máu khi dùng đường tiêm chích. Tiêm tĩnh mạch đưa thuốc trực tiếp vào máu nên cho tác dụng nhanh nhất, nhanh hơn tiêm bắp và tiêm dưới da.
  • Thuốc dùng phổ biến là thuốc uống. Tùy dạng bào chế của thuốc mà sự hấp thu thuốc vào cơ thể nhanh chậm khác nhau. Thuốc sau khi được uống vào miệng, sẽ đi qua thực quản xuống dạ dày, một số sẽ bắt đầu hòa tan trong khi dạng thuốc lỏng thì đã hòa tan sẵn. Một số loại thuốc sẽ được hấp thụ tại dạ dày, một số thuốc khác sẽ di chuyển vào ruột non. Từ đây, thuốc được hấp thụ vào niêm mạc của ruột non tại ba nơi: tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng và di chuyển vào trong máu.

Sự phân bố của thuốc trong hệ tuần hoàn:

  • Sự phân bố của thuốc trong hệ tuần hoàn chủ yếu nhờ hoạt động bơm máu của tim. Nhờ vậy, thuốc được đưa đến các cơ quan đích để phát huy tác dụng dược lý của thuốc.
  • Sự phân bố của thuốc trong cơ thể phụ thuộc vào đặc tính của thuốc, phụ thuộc vào tính chất của cơ quan đích mà thuốc sẽ di chuyển tới,...

Quá trình chuyển hóa của thuốc trong cơ thể người bệnh:

  • Thuốc được chuyển hóa ở gan nhờ các enzym chuyển hóa thuốc. Gan luôn xem thuốc là chất độc và chuyển hóa chúng thành các chất không độc, dễ tan trong nước để thận loại chất đó qua nước tiểu ra khỏi cơ thể.
  • Sau khi được chuyển hóa ở gan, ngoài thải trừ qua đường tiểu, các chất chuyển hóa của thuốc còn được thải trừ qua mật để theo phân ra ngoài. Một số loại thuốc còn được chuyển hóa thêm ở ruột và sẽ được tái hấp thu vào máu để thải trừ qua thận.

Quá trình thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể người bệnh:

  • Gan và thận là hai cơ quan chính liên quan đến việc thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể. Gan đào thải thuốc bên trong cơ thể bằng cách chuyển hóa, còn thận đào thải thuốc ra khỏi cơ thể bằng cách bài tiết qua nước tiểu ra ngoài.
  • Nhiều loại thuốc còn được thải trừ qua các con đường khác như qua đường ruột (qua phân), đào thải qua da (qua mồ hôi), qua phổi (hơi thở), đào thải qua sữa hoặc qua tóc.

2. Thời gian bán thải thuốc

Thời gian bán thải thuốc là thời gian mà nồng độ thuốc trong cơ thể con người dùng hay nồng độ thuốc trong máu người dùng giảm đi một nửa.

Chẳng hạn: Loại thuốc có thời gian bán thải là 4 giờ, điều đó có nghĩa là sau 4 giờ nồng độ thuốc giảm 50%, sau 8 giờ nồng độ thuốc giảm đi một nửa, có nghĩa là giảm 75%.

  • Để có thể xác định được thời gian bán thải của một thuốc, thường được tiến hành bằng cách đưa vào cơ thể một lượng thuốc xác định qua đường tĩnh mạch vào máu, rồi sau đó kiểm tra nồng độ thuốc trong máu trong những khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian tương ứng với nồng độ thuốc giảm đi một nửa trong máu chính là thời gian bán thải của thuốc đó.
  • Thuốc sau khi đưa vào cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau như qua đường uống, đường ngậm dưới lưỡi, đường tiêm chích,...sẽ được hấp thu vào cơ thể. Từ đó, thuốc theo hệ tuần hoàn phân phối khắp cơ thể để phát huy tác dụng điều trị cho người sử dụng thuốc.
  • Khi phân bố trong hệ tuần hoàn, nồng độ của thuốc trong máu thường sẽ trải qua 2 giai đoạn tương ứng nhau:

Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn mà nồng độ thuốc đạt đến mức cao nhất phát huy hiệu quả điều trị.

Giai đoạn 2: Giai đoạn nồng độ thuốc giảm dần cho đến khi thải trừ ra khỏi cơ thể người sử dụng.

Thời gian bán thải của thuốc chính là thời gian thuốc đạt đến mức cao nhất để phát huy hiệu quả điều trị ở giai đoạn 1.

Nồng độ thuốc trong máu cũng chính là nồng độ thuốc trong huyết tương của người sử dụng thuốc. Vì vậy, thời gian bán thải thuốc cũng chính là nồng độ thuốc trong huyết tương người dùng thuốc giảm đi một nửa.

  • Thời gian bán thải của thuốc phụ thuộc vào 2 thông số:

Độ thanh thải: số ml huyết tương được thận lọc sạch thuốc trong thời gian một phút. Độ thanh thải liên quan đến tốc độ thuốc giải phóng ra khỏi huyết tương người dùng.

Thể tích phân phối: Đó là thể tích cần có để chứa lượng thuốc phân bố trong cơ thể có cùng nồng độ thuốc trong huyết tương. Thể tích phân phối liên quan đến lượng thuốc phân phối đến các mô trong cơ thể người sử dụng.

3. Ứng dụng của thời gian bán thải thuốc trong lâm sàng

Thời gian bán thải thuốc liên quan đến số lần uống thuốc trong ngày của người bệnh. Nếu thời gian bán thải thuốc càng ngắn số lần uống thuốc trong ngày càng nhiều và ngược lại nếu thời gian bán thải thuốc càng dài thì số lần uống thuốc càng ít.

Với người bị suy gan, thận do thời gian bán thải thuốc kéo dài, nên cần chú ý giảm liều dùng thuốc.

Dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch hay dạng thuốc phóng thích chậm là những dạng thuốc thích hợp với các thuốc có thời gian bán thải ngắn, nhưng cần duy trì nồng độ thuốc luôn đạt ở mức cao nhất, đáp ứng hiệu quả điều trị.

Mỗi loại thuốc khác nhau có thời gian đào thải ra khỏi cơ thể khác nhau mặc dù có chung một hoạt chất. Cần lưu ý đến thời gian bán thải của thuốc để sử dụng thuốc đúng liều lượng, an toàn và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

93.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan