Tìm hiểu về Jaimiess thuốc tránh thai nội tiết tố

Thuốc Jaimiess là thuốc tránh thai nội tiết tố, có chứa 2 hormone là progestin và estrogen. Ngoài tác dụng chính là tránh thai, thuốc còn giúp chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đều hơn, giảm mất máu và đau bụng kinh, giảm nguy cơ u nang buồng trứng và điều trị mụn trứng cá.

1. Thuốc Jaimiess là thuốc gì?

Thuốc Jaimiess là thuốc tránh thai kết hợp có chứa 2 loại hormon: progestin (Levonorgestrel) và estrogen (Ethinyl estradiol). Thuốc hoạt động dựa trên các cơ chế: ức chế sự rụng trứng, làm thay đổi chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn cản sự xâm nhập của tinh trùng, thay đổi độ dày nội mạc tử cung để giảm khả năng trứng đã thụ tinh làm tổ.

Thuốc Jaimiess được cung cấp dưới dạng vỉ chứa lượng thuốc đủ dùng trong 13 tuần (91 ngày). Trong đó có:

  • 84 viên màu hồng, mỗi viên chứa 0,15mg levonorgestrel và 0,03mg ethinyl estradiol;
  • 07 viên màu vàng, mỗi viên chứa 0,01mg ethinyl estradiol.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Jaimiess

2.1. Cách dùng

  • Nếu bạn bị đau bụng, buồn nôn khi dùng thuốc Jaimiess, bạn có thể uống thuốc sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ để giảm nhẹ các triệu chứng trên. Các khung thời gian khác cũng được miễn là bạn uống đúng 1 viên/ ngày vào cùng 1 thời điểm (cách nhau 24 giờ).
  • Để tránh thai, người dùng sẽ bắt đầu uống thuốc Jaimiess vào Chủ nhật đầu tiên sau khi bắt đầu hành kinh. Nếu kinh nguyệt của bạn bắt đầu vào Chủ nhật, nên uống viên màu hồng (estrogen/progestin) đầu tiên vào ngày hôm đó. Uống 1 viên hồng/ ngày liên tục trong 84 ngày, sau khi uống hết các viên thuốc kết hợp thì uống 1 viên vàng (chỉ chứa estrogen)/ ngày trong 7 ngày tiếp theo.
  • Uống theo mũi tên chỉ và theo thứ tự các tuần. Cần duy trì việc uống thuốc đúng hướng dẫn vì chỉ cần quên uống thuốc nhiều lần thì nguy cơ có thai càng tăng.
  • Nếu đây là lần đầu tiên bạn sử dụng thuốc này, trong 7 ngày đầu tiên hãy áp dụng một hình thức tránh thai không có nội tiết tố bổ sung (chẳng hạn như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng) để đảm bảo tránh thai cho đến khi thuốc có đủ thời gian phát huy tác dụng. Nếu bạn bắt đầu dùng thuốc vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt, bạn không cần áp dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong tuần đầu tiên.
  • Trong vài tháng đầu dùng thuốc Jaimiess một số người dùng có thể cảm thấy đau bụng, chảy máu nhẹ. Tuy nhiên đừng ngừng uống thuốc vì phần lớn các triệu chứng trên sẽ biến mất. Nếu không, bạn nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn thêm.

2.2. Trường hợp quên liều

Nếu quên uống 1 viên hồng:

  • Uống ngay khi nhớ ra. Uống liều tiếp theo vào thời điểm uống thường xuyên (có nghĩa là bạn có thể uống 2 viên trong 1 ngày);
  • Bạn không cần sử dụng biện pháp ngừa thai dự phòng nếu quan hệ tình dục.

Nếu quên uống 2 viên hồng liên tiếp:

  • Uống 2 viên vào ngày nhớ ra và 2 viên vào ngày hôm sau.
  • Sau đó uống 1 viên mỗi ngày cho đến khi hết vỉ.
  • Bạn có thể mang thai nếu quan hệ tình dục trong vòng 7 ngày sau khi quên uống 2 viên thuốc. Do vậy cần áp dụng biện pháp ngừa thai bổ sung để dự phòng trong 7 ngày sau khi dùng lại thuốc.

Nếu quên uống 3 viên hồng trở lên liên tiếp:

  • Đừng uống bù những viên thuốc đã quên. Tiếp tục uống 1 viên mỗi ngày theo chỉ dẫn trên vỉ cho đến khi uống hết tất cả những viên còn lại trong vỉ. Ví dụ: Nếu bạn tiếp tục uống thuốc vào thứ Năm, hãy uống viên thuốc vào ngày “Thứ Năm” và không uống những viên thuốc đã quên. Bạn có thể bị chảy máu trong tuần sau khi quên uống thuốc.
  • Bạn có thể có nguy cơ mang thai nếu quan hệ tình dục trong những ngày quên uống thuốc hoặc trong 7 ngày đầu tiên sau khi uống lại thuốc. Để tránh điều này, bạn nên dùng thêm biện pháp ngừa thai bổ sung (bao cao su, thuốc diệt tinh trùng). Nếu không thấy có kinh khi đang uống những viên màu vàng thì hãy liên hệ với bác sĩ và thăm khám vì có thể bạn đang có thai.

Nếu quên uống bất kỳ viên thuốc nào trong số 7 viên thuốc màu vàng:

  • Vứt bỏ những viên thuốc bị quên uống.
  • Tiếp tục uống thuốc theo lịch trình cho đến khi hết gói.
  • Không cần dùng biện pháp ngừa thai dự phòng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Jaimiess

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai Jaimiess bao gồm:

Thuốc Jaimiess cũng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như:

  • Phản ứng dị ứng: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng;
  • Tê yếu đột ngột (đặc biệt là 1 bên cơ thể);
  • Mất thăng bằng;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Nói lắp;
  • Suy giảm thị lực đột ngột, mờ mắt;
  • Sưng hoặc đỏ ở cánh tay, chân;
  • Đau ngực, cơn đau lan đến hàm hoặc vai,
  • Đổ mồ hôi;
  • Đau bụng trên;
  • Buồn nôn, chán ăn;
  • Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Phân màu đất sét;
  • Vàng mắt, vàng da;
  • Có khối u ở vú;
  • Rối loạn giấc ngủ.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm mà càng có xu hướng nghiêm trọng hơn, người dùng nên báo cho bác sĩ để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Jaimiess

4.1. Trường hợp chống chỉ định

Chống chỉ định dùng thuốc Jaimiess cho những đối tượng sau:

  • Từng bị ung thư vú hoặc bất kỳ loại ung thư nào nhạy cảm với nội tiết tố nữ
  • Bệnh gan, bao gồm cả khối u gan;
  • Đã được kê đơn dùng thuốc điều trị viêm gan C có chứa Ombitasvir/ Paritaprevir/ Ritonavir, có hoặc không có Dasabuvir. Dùng kết hợp với thuốc Jaimiess có thể làm tăng nồng độ men gan ALT trong máu;
  • Từng có cục máu đông ở tay, chân hoặc phổi;
  • Đã từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim;
  • Có các vấn đề về van tim hoặc nhịp tim bất thường có thể tăng nguy cơ huyết khối hình thành trong tim;
  • Có bệnh lý về máu ảnh hưởng đến khả năng đông máu;
  • Huyết áp cao không thể kiểm soát bằng thuốc;
  • Bệnh tiểu đường có tổn thương thận, mắt hoặc mạch máu;
  • Một số loại đau nửa đầu nghiêm trọng với hào quang, tê, yếu hoặc thay đổi thị lực

Ngoài ra, không nên dùng thuốc Jaimiess nếu bạn:

  • Hút thuốc và trên 35 tuổi;
  • Đang mang thai;
  • Đang nuôi con bằng sữa mẹ;
  • Phụ nữ mới sinh dưới 6 tuần;

Thuốc tránh thai Jaimiess có thể không phải là lựa chọn phù hợp nếu bạn đã từng bị vàng da (vàng da hoặc mắt) do mang thai.

4.2. Các lưu ý khác

Trước khi sử dụng thuốc này, hãy chủ động cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn có các vấn đề sau:

  • Dị ứng với ethinyl estradiol hoặc levonorgestrel; hoặc với các estrogen hoặc proestin khác;
  • Từng có huyết khối (ví dụ: ở chân, mắt, phổi);
  • Rối loạn đông máu (thiếu protein C hoặc protein S);
  • Huyết áp cao, các vấn đề về tim mạch;
  • Khám vú bất thường;
  • Ung thư (lạc nội mạc tử cung, ung thư vú);
  • Có nồng độ cholesterol hoặc chất béo trung tính (mỡ máu) cao;
  • Tiểu đường;
  • Tiền sử vàng da/mắt (vàng da) khi mang thai.

5. Tương tác thuốc cần lưu ý

Một số loại thuốc dùng chung có thể làm giảm lượng hormone kiểm soát sinh sản trong cơ thể người dùng, khiến khả năng tránh thai của thuốc Jaimiess kém hiệu quả hơn. Đó là:

  • Thuốc an thần;
  • Thuốc kháng sinh;
  • Bosentan;
  • Carbamazepine;
  • Griseofulvin;
  • Oxcarbazepine;
  • Phenytoin;
  • Rifampin;
  • St. John's wort;
  • Thuốc ức chế protease HIV;
  • Thuốc chống co giật (Lamotrigine, Topiramate, Felbamate, barbiturate, primidone);
  • Chất ức chế Aromatase (như Anastrozole, Exemestane);
  • Ospemifene, Tamoxifen, Tizanidine, Axit tranexamic;
  • Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nucleoside (NNRTIs);
  • Một số sản phẩm kết hợp được sử dụng để điều trị viêm gan C mãn tính (Ombitasvir/ Paritaprevir/ Ritonavir có hoặc không có Dasabuvir).

Do vậy cần cân nhắc áp dụng phương pháp ngừa thai khác khi bạn dùng các loại thuốc trên.

Thuốc này có thể tác động vào một số xét nghiệm (chẳng hạn như đánh giá các yếu tố đông máu, tuyến giáp) và gây ảnh hưởng đến kết quả. Hãy chắc chắn rằng nhân viên thí nghiệm và bác sĩ biết bạn đang sử dụng thuốc này.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

195 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan