Thuốc Piantawic có tác dụng gì?

Paracetamol và Ibuprofen là những hoạt chất được sử dụng rất rộng rãi với hiệu quả giảm đau, hạ sốt và kháng viêm. Việc sử dụng thuốc Piantawic với thành phần bao gồm 2 hoạt chất trên giúp mang lại hiệu quả điều trị tốt và tiện lợi hơn. Vậy thuốc Piantawic có tác dụng gì?

1. Piantawic là thuốc gì?

Piantawic là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm, thành phần hoạt chất chính là Paracetamol kết hợp Ibuprofen. Piantawic có tác dụng gì? Sản phẩm này được sử dụng trong quá trình điều trị các cơn đau nhức cơ xương mức độ từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, thuốc Piantawic còn mang lại hiệu quả giảm đau đầu do căng thẳng tinh thần, đau bụng kinh, nhức răng, giảm đau sau nhổ răng và tiểu phẫu.

Thuốc Piantawic được bào chế dưới dạng viên nang, mỗi hộp gồm 10 vỉ, mỗi vỉ tương ứng có 10 viên thuốc.

Thành phần và hàm lượng của thuốc Piantawic:

  • Paracetamol: 325mg;
  • Ibuprofen: 125mg.

Thuốc Piantawic có tác dụng gì?

Chỉ định của thuốc Piantawic:

  • Đau vai, đau cổ, đau lưng;
  • Căng cơ vùng cẳng tay hoặc cẳng chân;
  • Cứng cơ vùng cổ;
  • Viêm khớp, thấp khớp;
  • Viêm bao hoạt dịch;
  • Viêm gân, bong gân;
  • Đau đầu do căng thẳng tinh thần;
  • Đau bụng kinh;
  • Đau răng;
  • Đau sau nhổ răng hoặc tiểu phẫu.

3. Đặc điểm dược lý của Piantawic

3.1. Dược lực học

Paracetamol thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không steroid còn Ibuprofen là một thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

Ibuprofen khi sử dụng ở liều thấp mang lại hiệu quả giảm đau. Khi dùng ở liều cao trên 1200mg/ngày, Ibuprofen bắt đầu có tác dụng kháng viêm thông qua việc ngăn chặn quá trình sinh tổng hợp prostaglandin bằng cách ức chế hoạt động enzym cyclooxygenase.

Thuốc Piantawic là sản phẩm kết hợp của 2 hoạt chất trên, do đó vừa hỗ trợ giảm đau, hạ sốt vừa có tác dụng kháng viêm hiệu quả.

3.2. Dược động học

Hoạt chất Paracetamol có khả năng hấp thu nhanh chóng và gần như hoàn toàn qua đường uống. Sau đó phân bố nhanh và đồng đều trong phần lớn các mô của cơ thể. Thời gian bán thải của Paracetamol trong huyết tương là khoảng 1.25 - 3 giờ.

Về khả năng hấp thu, Ibuprofen sau khi uống sẽ đạt được nồng độ tối đa trong huyết thanh sau 90 phút. Thời gian bán thải vào khoảng từ 1-2 giờ. Sau khi vào máu, có đến 99% Ibuprofen sẽ gắn kết với protein có trong huyết tương. Hoạt chất nhóm NSAID này thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Piantawic

4.1. Liều lượng và cách sử dụng

Thuốc Piantawic sử dụng bằng đường uống, sau khi ăn với liều khuyến cáo như sau:

  • Người trưởng thành: 1 - 2 viên/lần, 3 lần mỗi ngày;
  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 1 viên/lần, 1 - 2 lần mỗi ngày.

Liều khuyến cáo như trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ sau khi đã đánh giá thể trạng và mức độ bệnh của từng bệnh nhân cụ thể.

4.2. Quá liều và cách xử trí

Ngộ độc Paracetamol thường xảy ra sau khi người bệnh sử dụng 1 liều độc duy nhất hoặc do uống Paracetamol ở liều cao lặp lại (ví dụ: 7.5-10g/ngày, trong 1 - 2 ngày) hoặc do sử dụng thuốc trong thời gian dài ngày gây nhiễm độc gan. Biểu hiện của ngộ độc Paracetamol bao gồm buồn nôn, nôn ói, đau bụng, da niêm hoặc móng tay xanh tím. Cách xử lý các trường hợp ngộ độc Paracetamol cần đảm bảo các vấn đề sau:

  • Điều trị hỗ trợ tích cực;
  • Rửa dạ dày trong tất cả trường hợp và tốt nhất nên thực hiện trong vòng 4 giờ sau khi uống;
  • Liệu pháp giải độc bao gồm sử dụng các hợp chất sulfhydryl (hiệu quả khi can thiệp trong thời gian dưới 10 giờ sau khi uống paracetamol) hoặc có thể dùng methionin;
  • Một số trường hợp có thể sử dụng than hoạt và/hoặc thuốc tẩy muối với mục đích giảm hấp thụ paracetamol.

Với các trường hợp ngôn độc Ibuprofen, người bệnh thường có những triệu chứng như đau đầu, ù tai, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, cơ thể mệt mỏi, tri giác lơ mơ, ức chế hệ thần kinh trung ương hoặc thậm chí co giật. Cách xử trí quá liều Ibuprofen:

  • Rửa dạ dày, gây nôn hoặc uống than hoạt tính;
  • Các trường hợp ngộ độc nặng cần thẩm tách máu hoặc truyền máu.

5. Tác dụng phụ của thuốc Piantawic

Tương tự các loại thuốc khác, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc Piantawic. Tuy nhiên các phản ứng phụ này tương đối hiếm xảy ra.

Các tác dụng phụ của Ibuprofen:

  • Sốt;
  • Mỏi mệt;
  • Chướng bụng, buồn nôn, nôn ói;
  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt;
  • Bồn chồn;
  • Hồng ban, mẩn ngứa.

Các tác dụng phụ của Paracetamol:

  • Dị ứng;
  • Phát ban ngoài da;
  • Nôn, buồn nôn;
  • Một vài trường hợp có thể giảm toàn bộ các tế bào máu như bạch cầu, hồng cầu;
  • Suy gan (do hủy tế bào gan) khi uống ở liều cao kéo dài.

6. Chống chỉ định của thuốc Piantawic

Piantawic chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người từng bị dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen hoặc bất kỳ thành phần có trong thuốc Piantawic;
  • Sử dụng kết hợp với các thuốc nhóm NSAID khác;
  • Người mắc chứng thiếu hụt men G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase);
  • Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng đang tiến triển;
  • Dị ứng hay quá mẫn cảm với Aspirin hay với các thuốc chống viêm không steroid khác (biểu hiện như lên cơn hen phế quản, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng thuốc);
  • Bệnh nhân có tiền căn hen suyễn hay bệnh gây co thắt phế quản, rối loạn đông cầm máu, các bệnh lý tim mạch, loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận;
  • Người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống đông Coumarin;
  • Bệnh nhân suy tim sung huyết, giảm thể tích tuần hoàn do thuốc lợi tiểu hoặc bị suy thận;
  • Bệnh tạo keo;
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối.

7. Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng thuốc Piantawic

  • Sử dụng thuốc Piantawic liên tục từ 2 tuần trở lên có thể dẫn đến suy chức năng gan và/hoặc suy thận. Đồng thời khi sử dụng thuốc Piantawic người bệnh nên hạn chế sử dụng rượu bia do nguy cơ tăng độc tính với gan của Paracetamol;
  • Suu hô hấp ở những bệnh nhân có tiền sử hen hoặc đang trong cơn hen phế quản cấp hoặc dị ứng với các thuốc nhóm NSAID;
  • Sử dụng Ibuprofen có thể dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp hoặc làm nghiêm trọng hơn bệnh lý tăng huyết áp;
  • Bác sĩ cần cảnh báo người bệnh về một số dấu hiệu phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell;
  • Nguy cơ huyết khối tim mạch: Các thuốc chống viêm không steroid (ngoại trừ aspirin) khi sử dụng đường toàn thân có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tim mạch, bao gồm cả bệnh lý nhồi máu cơ tim và đột quỵ cấp. Nguy cơ này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong, xuất hiện sớm trong vài tuần đầu và tăng lên theo thời gian dùng thuốc. Lưu ý là nguy cơ hình thành huyết khối tim mạch được ghi nhận chủ yếu ở những trường hợp sử dụng NSAID liều cao;
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Không dùng thuốc Piantawic cho người đang lái xe và vận hành máy móc;
  • Thời kỳ mang thai: Không sử dụng hoạt chất Ibuprofen cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối nếu không có chỉ định của bác sĩ;
  • Phụ nữ thời kỳ cho con bú cần thận trọng khi sử dụng thuốc Piantawic.

8. Tương tác thuốc của Piantawic

  • Sử dụng liều cao và kéo dài Paracetamol có thể dẫn đến hiện tượng tăng nhẹ tác dụng chống đông máu và các dẫn chất indandion;
  • Sử dụng nhiều rượu bia kéo dài, điều trị bằng các thuốc chống co giật (như phenytoin, barbiturat, carbamazepin...), Isoniazid và các thuốc chống lao là những yếu tố làm tăng nguy cơ độc tính trên gan của Paracetamol;
  • Ibuprofen khi dùng kết hợp với các thuốc chống viêm không steroid khác sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết do loét dạ dày;
  • Ibuprofen tác động làm giảm khả năng bài xuất Natri niệu của các thuốc lợi tiểu.

Piantawic là thuốc có chứa 2 hoạt chất Paracetamol và Ibuprofen. Thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm hiệu quả. Để tránh các tác dụng phụ, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan