Thuốc Ozanimod: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Ozanimod có công dụng giảm tần suất tái phát của bệnh đa xơ cứng (MS) và ngăn chặn các nguy cơ khuyết tật ở người mắc bệnh này. Việc dùng thuốc Ozanimod cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc để tránh nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

1. Thuốc Ozanimod có tác dụng gì?

Thuốc Ozanimod thường được sử dụng để điều trị bệnh đa xơ cứng (MS). Ozanimod không phải là một phương pháp điều trị hoàn toàn MS nhưng nó được cho là có tác dụng ngăn chặn các tế bào lympho của hệ thống miễn dịch tấn công vào các dây thần kinh trong não và tủy sống. Cơ chế hoạt động của thuốc Ozanimod có thể làm giảm số lần bệnh tái phát và hạn chế nguy cơ tàn tật ở người bệnh đa xơ cứng.

2. Liều dùng và cách dùng

  • Trước khi kê đơn cho bệnh nhân dùng Ozanimod, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm y tế như đánh giá công thức máu toàn phần, xét nghiệm chức năng gan, huyết áp, điện tâm đồ, mạch, khám mắt...để dự phòng các tác dụng phụ.
  • Thuốc Ozanimod thường được dùng theo đường uống kết hợp hoặc không kết hợp với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều dùng thường là 1 lần/ngày.
  • Để giảm nguy cơ mắc các phản ứng phụ, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng Ozanimod với liều lượng thấp và tăng dần liều lượng. Hãy tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ cẩn thận, không tự ý tăng liều hoặc uống thuốc thường xuyên hơn so với chỉ dẫn của bác sĩ hoặc trên nhãn thuốc;
  • Duy trì việc dùng thuốc Ozanimod đủ và đúng theo đơn để đạt được nhiều lợi ích nhất từ nó. Để ghi nhớ lịch uống thuốc, hãy uống thuốc vào những thời điểm giống nhau hàng ngày.
  • Liều dùng sẽ được cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe và phản ứng với điều trị của từng bệnh nhân. Do vậy không tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc này thường xuyên hơn so với quy định để tránh nguy cơ mắc các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Không tự ý ngừng dùng thuốc Ozanimod mà không hỏi ý kiến của ​​bác sĩ. Tình trạng đa xơ cứng của bạn có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ngừng thuốc này.
  • Bác sĩ có thể khuyến cáo người bệnh tránh dùng một số loại thực phẩm và đồ uống có nhiều Tyramine, vì chúng có thể làm tăng huyết áp trong thời gian dùng thuốc Ozanimod. Các sản phẩm có nhiều Tyramine có thể kể đến: pho mát lâu năm, thịt khô, xúc xích (ví dụ xúc xích Ý, xúc xích gan), cá đã qua chế biến (ví dụ: cá trích ngâm chua), các sản phẩm có một lượng lớn men (như nước thịt, bột chua bánh mì, dưa chua, kim chi...), hầu hết các chế phẩm từ đậu nành (như nước tương, đậu phụ), rượu vang đỏ....
  • Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện hoặc có chiều hướng xấu đi, hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
Các loại bệnh đa xơ cứng
Thuốc Ozanimod thường được sử dụng để điều trị bệnh đa xơ cứng (MS)

3. Tác dụng không mong muốn

  • Cũng tương tự như nhiều loại thuốc khác, thuốc Ozanimod cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: Đau lưng, chóng mặt và choáng váng.
  • Khi bạn mới dùng Ozanimod lần đầu, bạn có thể bị chậm nhịp tim tạm thời. Để giảm nguy cơ, bác sĩ có thể dần tăng liều từ từ trong 8 ngày đầu điều trị.
  • Thuốc Ozanimod cũng có thể làm tăng huyết áp của bạn. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên và cho bác sĩ biết nếu thấy kết quả cao.
  • Trong trường hợp hiếm thuốc này có thể gây ra bệnh gan nghiêm trọng (có thể gây tử vong). Liên hệ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của tổn thương gan, ví dụ như: buồn nôn, nôn không ngừng, chán ăn, đau dạ dày, đau bụng, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu.
  • Thuốc Ozanimod có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, tăng nguy cơ nhiễm trùng trong khi điều trị và 3 tháng sau khi ngừng thuốc. Thậm chí bạn còn dễ bị mắc các loại nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phế quản, bệnh Herpes... Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như: đau họng, ho dai dẳng không khỏi, khó thở, sốt, ớn lạnh, các triệu chứng cảm lạnh, cúm, có vết loét hoặc mụn nước. Không dùng Ozanimod nếu bạn đã bị nhiễm trùng.
  • Thuốc Ozanimod có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng não hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong là: nhiễm trùng não hiếm gặp (bệnh não đa ổ tiến triển - PML). Các triệu chứng của PML có thể giống như một cơn phát tác của bệnh đa xơ cứng nhưng tồi tệ hơn. Liên hệ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, chẳng hạn như vụng về, có các vấn đề về sức mạnh, thăng bằng, lời nói, thị lực hoặc suy nghĩ.
Đau vùng thắt lưng lan xuống đùi sau là dấu hiệu của bệnh gì?
Thuốc Ozanimod cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: Đau lưng, chóng mặt và choáng váng

4. Thận trọng khi dùng thuốc Ozanimod

Trước khi dùng thuốc Ozanimod, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu bạn bị dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc có bất kỳ tình trạng nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ;
  • Chia sẻ với bác sĩ về tiền sử bệnh lý cá nhân, đặc biệt là: các vấn đề về hô hấp (như hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng, ngưng thở khi ngủ), các tình trạng nhiễm trùng hiện tại (bao gồm cả viêm gan và bệnh lao), bệnh tiểu đường, một số vấn đề về mắt (phù hoàng điểm, viêm màng bồ đào), các vấn đề về tim (như nhịp tim chậm, không đều, suy tim, đau ngực, hội chứng QT kéo dài), huyết áp cao, các vấn đề về gan, hút thuốc, đột quỵ.
  • Ozanimod có thể khiến bạn dễ mắc nhiễm trùng hơn hoặc có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào đang có. Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng có thể lây sang người khác (như thủy đậu, sởi, cúm) và những người mới nhận được vắc-xin sống.
  • Thực hiện tất cả các chủng ngừa cần thiết trước khi bắt đầu dùng thuốc này. Không tiêm chủng mà không có sự đồng ý của bác sĩ khi bạn đang dùng Ozanimod và trong 3 tháng sau kể từ liều cuối cùng.
  • Thuốc Ozanimod có thể gây hại cho thai nhi nên không khuyến cáo có thai khi sử dụng thuốc này. Người bệnh nên thực hiện các biện pháp ngừa thai đáng tin cậy trong khi sử dụng thuốc và trong 3 tháng sau khi ngừng điều trị.
  • Hiện vẫn chưa rõ liệu thuốc Ozanimod có đi vào sữa mẹ hay không. Phụ nữ đang cho con bú nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc

  • Một số thuốc có thể tương tác với thuốc Ozanimod là: các loại thuốc khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng (như Natalizumab, Alemtuzumab, Rituximab).
  • Không dùng các thuốc ức chế MAO (như Linezolid, Isocarboxazid, Moclobemide, Procarbazine, Phenelzine, Safinamide, Rasagiline, Selegiline, Tranylcypromine...) trong thời gian sử dụng Ozanimod vì có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Không dùng các chất ức chế MAO 2 tuần trước và sau khi điều trị bằng thuốc Ozanimod.
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Rapamune hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng
Một số thuốc có thể tương tác với thuốc Ozanimod

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Ozanimod

  • Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Ozanimod quá liều và thấy các triệu chứng như ngất xỉu hoặc khó thở, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
  • Ngoài ra bệnh nhân được khuyến khích thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, bao gồm các xét nghiệm y tế như: công thức máu toàn phần, huyết áp, mạch, điện tâm đồ, MRI, khám mắt, kiểm tra chức năng gan, kiểm tra khả năng thở...trước và trong khi dùng thuốc để phòng ngừa các tác dụng phụ.
  • Quên liều: Việc tuân thủ lịch trình điều trị rất quan trọng trong việc phát huy công dụng của thuốc. Hãy hỏi bác sĩ trước về cách xử lý nếu lỡ quên một liều Ozanimod. Nếu bạn quên một liều trong 14 ngày đầu điều trị, bạn có thể phải bắt đầu lại với liều thấp hơn và từ từ tăng liều dần. Nếu bạn quên một liều sau 14 ngày điều trị đầu tiên, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc theo lịch bình thường. Không cố uống gấp đôi liều để bắt kịp.

Bảo quản: Bảo quản thuốc Ozanimod ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và độ ẩm. Tránh không bảo quản thuốc này ở phòng tắm. Giữ thuốc xa tầm với của trẻ nhỏ và phạm vi hoạt động của vật nuôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

215 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan