Thuốc lợi tiểu là gì? Dùng sao cho đúng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Linh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc lợi tiểu hay thuốc lợi niệu là loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch. Hiện nay, nhóm thuốc lợi tiểu được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm lại có cơ chế, hiệu quả khác nhau.

1. Thuốc lợi tiểu là gì?

Đây là loại thuốc thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các khoảng gian bào. Thuốc lợi tiểu có thể được chia thành 3 nhóm chính sau:

1.1 Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid

Đây là nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng phối hợp với các nhóm thuốc khác trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Nhóm thuốc lợi tiểu này có tác dụng lợi niệu vừa phải nên không gây tụt huyết áp khi sử dụng.

Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng trong nhóm này bao gồm:

  • Hydrochlothiazide
  • Chlorothiazide
  • Methylchlorothiazide
  • Indapamide.

1.2 Nhóm thuốc lợi tiểu tác động trên quai Henle (thuốc lợi tiểu quai)

Đây là nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng lợi tiểu mạnh, làm mất natri nhanh hơn các nhóm lợi tiểu khác nên thường được chỉ định trong trường hợp suy tim và phù nặng.

Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng trong nhóm này bao gồm:

  • Torsemide
  • Furosemide
  • Bumetanid
  • Axit ethacrynic.

1.3 Nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali

Tác dụng lợi tiểu của nhóm này yếu hơn so với hai nhóm kể trên nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được phối hợp với thuốc thuộc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai Henle.

Nhóm thuốc lợi tiểu này có tác dụng làm giảm thể tích chất lỏng mà không làm mất lượng kali trong cơ thể. Thuốc này thường được kê toa cho những người có nồng độ kali máu thấp. Các thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali bao gồm:

  • Amiloride
  • Spironolactone
  • Triamterene
  • Eplerenone.

Ngoài ba nhóm thuốc lợi tiểu trên còn có một số nhóm thuốc lợi tiểu khác thường dùng trong những trường hợp đặc biệt như: Nhóm thuốc lợi tiểu thẩm thấu (manitol, glycerin) được chỉ định trong phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật mắt, nhóm thuốc lợi tiểu ức chế men carbonic anhydrase (acetazolamide) dùng trong điều trị tăng nhãn áp.

Thuốc Amiloride
Thuốc Amiloride - thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali

2. Tác dụng không mong muốn của thuốc lợi tiểu

Một số tác dụng không mong muốn phổ biến của thuốc lợi tiểu bao gồm:

  • Hạ nồng độ kali trong máu (trừ nhóm lợi tiểu giữ kali)
  • Tăng độ kali trong máu (đối với thuốc lợi tiểu giữ kali)
  • Gây giảm độ natri trong máu
  • Tụt huyết áp
  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
  • Mất nước
  • Tăng đường huyết
  • Co thắt cơ bắp
  • Tăng lượng cholesterol
  • Dị ứng, phát ban trên da
  • Tiêu chảy.

Bên cạnh đó, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn đặc biệt nghiêm trọng như:

Đau đầu
Tác dụng phụ của thuốc gây đau đầu

3. Khi nào cần dùng thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

3.1 Điều trị bệnh tăng huyết áp

Thuốc lợi tiểu làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm lượng nước trong cơ thể qua đó làm hạ huyết áp. Thuốc thường được dùng phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác để đảm bảo hiệu quả điều trị.

3.2 Điều trị suy tim

Thuốc lợi tiểu làm giảm triệu chứng sưng phù và tình trạng tích tụ dịch (trong phổi) do ảnh hưởng của bệnh suy tim.

3.3 Trường hợp bị phù

Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường khả năng đào thải nước bị ứ trong cơ thể do đang mắc các bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư).

Viêm gan B mãn tính có thể gây xơ gan
Người bệnh xơ gan có thể gặp triệu chứng phù khi sử dụng thuốc lợi tiểu

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu

  • Trong khi điều trị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, không được tự ý ngưng, bỏ thuốc nửa chừng ngay sau khi giảm triệu chứng bệnh.
  • Khi đang điều trị bệnh bằng thuốc lợi tiểu bạn không nên tự ý dùng đồng thời các nhóm thuốc khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc phải báo cho bác sĩ điều trị rõ các thuốc đang dùng khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp.
  • Các nhóm thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và tác động ở quai Henle) có tác dụng thải natri đồng thời làm giảm lượng kali. Trong khi đó kali đóng vai trò quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, khi điều trị bằng thuốc lợi tiểu bạn nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali.
  • Khi dùng thuốc lợi tiểu mà lại có triệu chứng co cứng cơ, chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh phải đến ngay các cơ sở y tế để giải quyết kịp thời tình trạng mất kali do dùng thuốc lợi tiểu.
Làm gì khi bị viêm nội mạc tử cung mãn tính?
Người bệnh cần được thăm khám và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

246K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan