Thuốc Hemangeol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Hemangeol (hoạt chất propranolol) thuộc nhóm, là một loại dung dịch uống dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em để điều trị một tình trạng di truyền gọi là u máu.

1. Hemangeol là thuốc gì?

Hemangeol là một thuốc thuộc nhóm chẹn beta, được dùng để điều trị một tình trạng di truyền nhất định gọi là u máu tăng sinh ở trẻ sơ sinh. Thuốc giúp thu nhỏ khối u, ngăn chúng phát triển thành vết loét hoặc vết đỏ trên bề mặt da.

2. Cách sử dụng thuốc Hemangeol

  • Trước khi bắt đầu cho trẻ uống Hemangeol, bố mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham vấn ý kiến từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Cho trẻ uống hemangeol theo chỉ định của bác sĩ, liều thường dùng là 2 lần mỗi ngày (mỗi lần cách nhau ít nhất 9 giờ). Nên dùng thuốc hemangeol trong hoặc ngay sau bữa ăn. Nếu trẻ không thể ăn hoặc bị nôn, hãy bỏ qua lần dùng thuốc sau đó.
  • Không lắc dung dịch thuốc trước khi sử dụng. Đong liều dùng bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc bằng ống tiêm dạng uống. Không nên sử dụng thìa vì khó có thể ước lượng được liều lượng chính xác. Bạn có thể dùng ống tiêm lấy đúng thể tích thuốc rồi bơm trực tiếp vào miệng trẻ hoặc trộn liều thuốc với một lượng nhỏ sữa hay nước hoa quả rồi cho trẻ uống. Nếu bạn không chắc liệu trẻ có uống đủ liều lượng thuốc hay không hoặc nếu nghi ngờ trẻ đã uống quá liều, thì không nên cho trẻ dùng thêm một liều nữa, mà hãy đợi liều kế tiếp theo đúng lịch trình.
  • Để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ, bác sĩ có thể hướng dẫn để bắt đầu với liều thấp và tăng dần sau đó. Bác sĩ thường sẽ tăng liều khi trẻ tăng cân. Nên theo dõi huyết áp và nhịp tim của trẻ trong 2 giờ sau khi dùng liều đầu tiên và sau mỗi lần tăng liều.
  • Sử dụng thuốc Hemangeol đều đặn theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Để tránh quên liều, hãy cho trẻ uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
thuốc Hemangeol
Thuốc Hemangeol nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn

3. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Hemangeol

  • Các triệu chứng thoáng qua như chóng mặt, hoa mắt và mệt mỏi có thể xảy ra khi cơ thể trẻ đang trong thời kỳ thích nghi với thuốc.
  • Tiêu chảy, đau dạ dày, đau bụng, giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, nôn mửa, khó vào giấc ngủ và nằm mơ bất thường cũng có thể xảy ra. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được xử trí đúng cách.
  • Hemangeol có khả năng làm giảm lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân, dẫn đến cảm giác lạnh đầu chi. Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu hiện tượng này xảy ra và cho trẻ mặc quần áo ấm.
  • Đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu nguy kịch, bao gồm: Ngất xỉu, da trở nên nhợt nhạt, xanh, tím tái, biểu hiện của suy tim (như khó thở, sưng mắt cá chân, sưng bàn chân, mệt rã người một cách bất thường, đột ngột tăng cân không rõ nguyên nhân); nhịp tim không đều, có dấu hiệu của nhiễm trùng (như sốt cao, ho, đau cổ họng dai dẳng), sự thay đổi tâm thần, tâm trạng bất thường (như kích động đột ngột).
  • Dùng thuốc Hemangeol có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), đặc biệt nếu trẻ đang chán ăn, bỏ bữa hoặc bị nôn ói. Những triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm: Vã nhiều mồ hôi, run rẩy, nhịp tim nhanh, đói bụng, mờ mắt, hoa mắt, co giật, yếu rã người hoặc cảm thấy ngứa ran ở bàn tay, bàn chân. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của hạ đường huyết, hãy ngừng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ điều trị.
  • Ngoài ra, thuốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ ở những trẻ em có u máu lớn trên mặt hoặc đầu. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu của đột quỵ như: Nói ngọng, yếu một bên cơ thể, lú lẫn, thị lực đột ngột thay đổi, bố mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Hemangeol. Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu của dị ứng, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.

4. Tương tác giữa Hemangeol với các thuốc khác

  • Các sản phẩm trẻ đang sử dụng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ. Do đó, bố mẹ cần ghi chú lại và liệt kê danh sách tất cả các sản phẩm mà trẻ đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn và các sản phẩm từ thảo dược) cho bác sĩ và dược sĩ được biết. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hô hấp (như hen suyễn), bệnh về tim (như suy tim, nhịp tim chậm, block nhĩ thất độ hai hoặc độ ba), sốc phản vệ, u tủy thượng thận hoặc huyết áp rất thấp.
  • Không tự ý dùng, ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ thuốc nào trong quá trình điều trị mà chưa có sự chấp thuận của bác sĩ.
  • Một số hoạt chất có thể tương tác với thuốc Hemangeol bao gồm: Resin liên kết axit mật (như cholestyramine), epinephrine và thioridazine.
  • Thuốc Hemangeol thường không được chỉ định cho người lớn. Vì vậy, không dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Tham khảo thêm ý kiến ​​chuyên môn từ bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về loại thuốc này.
Lưu ý khi uống Hemangeol
Người bệnh nên uống thuốc Hemangeol theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ

5. Lưu ý khi dùng thuốc Hemangeol

5.1 Dùng quá liều

  • Các triệu chứng của quá liều thuốc Hemangeol bao gồm: Nhịp tim trở nên rất chậm, choáng váng, ngất xỉu, thay đổi tâm trạng bất chợt (như bồn chồn, lo lắng), co giật bất thường.
  • Không cho trẻ dùng chung thuốc này với những thuốc khác khi chưa có quyết định của bác sĩ.
  • Kiểm tra huyết áp và nhịp tim của trẻ thường xuyên trong khi dùng thuốc này, đặc biệt khi mới bắt đầu dùng thuốc hoặc sau khi tăng liều. Nếu có thể, hãy nhờ bác sĩ hoặc dược sĩ hướng dẫn cách theo dõi các chỉ số huyết áp và nhịp tim của trẻ tại nhà, ghi chú lại và định kỳ chia sẻ kết quả này với bác sĩ.

5.2 Quên liều

Nếu quên cho trẻ dùng thuốc, hãy cho dùng ngay khi bạn nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm dùng liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên. Tiếp tục dùng thuốc theo lịch trình như bình thường. Không bổ sung thuốc bằng cách gấp đôi liều.

5.3 Bảo quản

Bảo quản thuốc Hemangeol ở nhiệt độ phòng. Nên vứt bỏ thuốc 2 tháng sau khi mở lọ.

Việc nắm rõ thông tin về thuốc Hemangeol trước khi sử dụng luôn mang đến hiệu quả tích cực cũng như hạn chế rủi ro cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc nào về thông tin thuốc, khách hàng có thể gửi câu hỏi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được những tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

479 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan