Thuốc hạ triglycerides

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Dương Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc hạ triglycerides được dùng cho những đối tượng có TG cao dù có biểu hiện hay không. Hiện nay có 3 nhóm thuốc chủ yếu dùng để hạ triglycerides đơn thuần, các thuốc hạ cholesterol như statin, ezetimibe cũng có thể được dùng để hạ triglycerides.

1. Dẫn xuất Fibrates (fenofibrates, gemfibrozil)

  • Công dụng: Đây là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị tăng triglyceride và dự phòng thứ phát nguy cơ tim mạch do tăng triglyceride. Dẫn xuất Fibrates điều hoà chuyển hoá lipid thông qua hoạt hoá thụ thể PPARs. Fibrates giảm TGs 20-50% và tăng HDL 10-20%. Hiệu quả giảm LDL thường dao động trong khoảng từ 5-20%.
  • Lưu ý: Dẫn xuất Fibrate có thể gây đau cơ, tăng men gan tương tự statin. Thận trọng khi dùng chung với statin, đặc biệt với thuốc gemfibrozil. Ngoài ra thuốc có thể gây tăng creatinin huyết tương tạm thời.

2. Niacin

  • Công dụng: Niacin hay nicotinic acid là vitamin B3 có tác dụng ức chế sự phân giải mỡ ở mô mỡ và giảm tổng hợp acid béo tự do. Niacin dùng để làm giảm TGs từ 20-50%. Niacin cũng có xu hướng làm tăng HDL (15-35%) và giảm LDL (5-25%).
  • Lưu ý: Niacin có thể gây triệu chứng nóng bừng mặt (cutaneous flushing). Có thể giảm tác dụng không mong muốn này bằng việc dùng aspirin trước khi sử dụng hoặc dùng cùng bữa ăn. Niacin có thể làm tăng đường máu, acid uric và men gan. Khuyến cáo nên theo dõi đường máu, acid uric và men gan trước và trong quá trình sử dụng niacin. Không nên dùng niacin khi dùng statin vì tăng nguy cơ đau cơ.
Vitamin B3
Niacin có tác dụng ức chế sự phân giải mỡ ở mô mỡ và giảm tổng hợp acid béo tự do

3. Acid béo Omega 3

Acid béo Omega 3 ức chế tổng hợp TG ở gan, có thể làm giảm TG đến 44% ở bệnh nhân có TGs rất cao. Acid béo Omega 3 có trong dầu cá hoặc các chế phẩm thuốc được kê đơn, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng có giá trị như nhau. Sản phẩm Omega 3 có cả 2 thành phần EPA và DHA có thể làm giảm cả LDL và tăng HDL, trong khi sản phẩm chỉ có thành phần EPA thường không có tác dụng trên LDL hay HDL.

Lưu ý: Omega 3 có thể gây tác dụng phụ như ợ hơi. Không dùng sản phẩm Acid béo Omega 3 cho những người dị ứng với cá. Trong 3 tháng đầu sử dụng thuốc có thể tăng nguy cơ tái phát rung nhĩ.

Ngoài ra, omega 3 có thể kéo dài thời gian chảy máu. Cần thận trọng khi sử dụng Acid béo Omega 3 ở những bệnh nhân có dùng các thuốc tăng nguy cơ chảy máu khác như thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu, etc.

Ngoài việc sử dụng thuốc, thay đổi chế độ sinh hoạt như cai thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, giảm cân và cân bằng dinh dưỡng là các biện pháp cần được áp dụng để giảm và phòng ngừa các bệnh gây ra do tăng triglyceride.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: PSAP 2019, Medscape

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan