Thuốc Clozapine: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Clozapine là một loại thuốc chống loạn thần không điển hình. Thuốc chủ yếu được sử dụng cho bệnh tâm thần phân liệt nếu bệnh không tiến triển sau khi sử dụng các loại thuốc chống loạn thần khác.

1. Clozapine có tác dụng gì?

Thuốc Clozapine được sử dụng để điều trị một số bệnh lý liên quan đến rối loạn tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc). Clozapine là một loại thuốc tâm thần (loại chống loạn thần) hoạt động bằng cách giúp khôi phục lại sự cân bằng của các chất tự nhiên nhất định (các chất dẫn truyền thần kinh) trong não. Clozapine giúp giảm ảo giác và giúp ngăn ngừa tự tử ở những người có nguy cơ tự làm hại bản thân. Thuốc cũng giúp bệnh nhân suy nghĩ rõ ràng và tích cực hơn về bản thân, bớt lo lắng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định điều trị

Tâm thần phân liệt kháng trị

Clozapine được chỉ định ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt kháng trị và những bệnh nhân tâm thần phân liệt gặp các phản ứng bất lợi thần kinh nặng, không thể điều trị được với các thuốc chống loạn thần khác, kể cả thuốc chống loạn thần không điển hình.

Kháng trị được định nghĩa là tình trạng thiếu cải thiện về mặt lâm sàng mặc dù đã sử dụng đủ liều lượng của ít nhất hai thuốc chống loạn thần khác nhau, bao gồm một thuốc chống loạn thần không điển hình, được kê đơn trong thời gian điều trị thích hợp.

Rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân đang điều trị bệnh Parkinson

Clozapine cũng được chỉ định trong các rối loạn tâm thần xảy ra trong quá trình điều trị bệnh Parkinson, trong trường hợp điều trị tiêu chuẩn không thành công.

2.2. Chống chỉ định

  • Quá mẫn với hoạt chất clozapine hoặc với bất kỳ thành phần tá dược nào.
  • Người bệnh có vấn đề di truyền hiếm gặp như không dung nạp galactose, thiếu hụt dung nạp Lapp lactose hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
  • Bệnh nhân không thể làm xét nghiệm máu thường xuyên.
  • Tiền sử giảm bạch cầu hạt hoặc mất bạch cầu hạt độc tính hoặc riêng biệt (ngoại trừ giảm bạch cầu hạt hoặc mất bạch cầu hạt do hóa trị liệu trước đó).
  • Bệnh nhân có tiền sử mất bạch cầu hạt do clozapine.
  • Suy giảm chức năng tủy xương.
  • Chứng động kinh không kiểm soát được.
  • Rối loạn tâm thần do rượu và các chất độc khác, say thuốc, tình trạng hôn mê.
  • Suy giảm tuần hoàn hoặc suy nhược thần kinh trung ương do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Rối loạn thận hoặc tim nghiêm trọng (ví dụ như viêm cơ tim).
  • Bệnh gan hoạt động liên quan đến các triệu chứng buồn nôn, chán ăn hoặc vàng da; bệnh gan tiến triển, suy gan.
  • Liệt ruột.
  • Điều trị bằng Clozapine không được bắt đầu đồng thời với các thuốc được biết là có khả năng gây mất bạch cầu hạt đáng kể; Không khuyến khích sử dụng đồng thời thuốc chống loạn thần.
Dùng thuốc clozapine
Thuốc Clozapine được chỉ định cho bệnh nhân tâm thần phân liệt kháng trị

3. Cách sử dụng thuốc Clozapine

Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc Clozapine cần đọc tờ thông tin sản phẩm được dược sĩ cung cấp trước khi bạn bắt đầu dùng clozapine. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc về cách sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn thêm.

Thuốc Clozapine được dùng bằng đường uống, bệnh nhân có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn, theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu đang dùng thuốc ở dạng viên tan trong miệng, hãy cẩn thận lấy từng viên ra khỏi vỉ ngay trước khi dùng. Ngậm để viên thuốc tan trên lưỡi và nuốt. Bệnh nhân không cần phải hòa tan viên thuốc với nước. Vứt bỏ bất kỳ viên nén hòa tan nào đã tiếp xúc với không khí trước đó do bao bì bị hở hoặc bị hư.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng dạng lỏng của thuốc Clozapine, hãy lắc đều chai trong 10 giây trước mỗi lần sử dụng. Cẩn thận đo liều bằng dụng cụ hoặc thìa đo đặc biệt. Không sử dụng thìa gia dụng vì khi đó bệnh nhân có thể không nhận được liều lượng chính xác.

Điều quan trọng khi sử dụng thuốc Clozapine là bắt đầu dùng với liều thấp, tăng liều từ từ để giảm bớt các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ và co giật. Bệnh nhân cần làm theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ một cách chính xác. Liều lượng của mỗi người dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với liệu pháp. Vì clozapine có thể làm giảm số lượng bạch cầu, bệnh nhân sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên theo chỉ dẫn, do đó cần đảm bảo giữ tất cả các cuộc hẹn cho các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Nếu bệnh nhân bỏ lỡ liều của mình lâu hơn một hoặc hai ngày, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để biết cách thức quay trở lại liều lượng đã dùng. Sử dụng thuốc Clozapine thường xuyên để nhận được hiệu quả điều trị tối ưu. Để giúp bệnh nhân ghi nhớ, bác sĩ hoặc dược sĩ nên hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày.

Không được tự ý ngừng sử dụng clozapine mà không tham khảo kiến ​​bác sĩ. Một số tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân ngừng thuốc đột ngột. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Để ngăn ngừa các triệu chứng trong khi bạn đang ngừng điều trị bằng thuốc Clozapine, bác sĩ có thể giảm liều từ từ. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết và cần báo cáo bất kỳ triệu chứng mới hoặc xấu đi ngay lập tức.

Có thể mất vài tuần để nhận thấy hiệu quả sử dụng thuốc trên bệnh nhân. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh lý vẫn tồn tại hoặc xấu đi.

Khám bệnh trước khi dùng clozapine
Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn dừng thuốc

4. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể thay đổi cách thức hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Bài viết không chứa tất cả các tương tác thuốc có thể xảy ra. Giữ danh sách tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các sản phẩm nguồn gốc thảo dược) và chia sẻ nó với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn. Không được tự ý bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Một sản phẩm có thể tương tác với thuốc Clozapine là: Metoclopramide.

Một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến việc thải trừ (loại bỏ) clozapine ra khỏi cơ thể, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc Clozapine. Ví dụ bao gồm fluvoxamine, rifamycins (như rifabutin, rifampin), saquinavir, thuốc dùng để điều trị co giật (chẳng hạn như carbamazepine, phenytoin) và một số thuốc khác.

Thông tin cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bệnh nhân đang dùng các sản phẩm khác gây buồn ngủ như thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho (như codeine, hydrocodone), cần sa, rượu thuốc ngủ (chẳng hạn như alprazolam, lorazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ (như carisoprodol, cyclobenzaprine), hoặc thuốc kháng histamine (như cetirizine, diphenhydramine).

Kiểm tra nhãn ở tất cả các loại thuốc đang sử dụng (chẳng hạn như các sản phẩm dị ứng hoặc ho và cảm lạnh) vì chúng có thể chứa các thành phần gây buồn ngủ. Hỏi dược sĩ để có thể sử dụng những sản phẩm đó một cách an toàn.

Hút thuốc lá có thể làm giảm nồng độ thuốc Clozapine trong máu. Bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ nếu đang hút thuốc hoặc đã ngừng hút thuốc gần đây.

5. Lưu ý đặc biệt và các biện pháp phòng ngừa khi sử dụng

Mất bạch cầu hạt (Agranylocytosis)

Clozapine có thể gây mất bạch cầu hạt. Tỷ lệ mất bạch cầu hạt và tỷ lệ tử vong ở những người đang phát triển chứng mất bạch cầu hạt đã giảm rõ rệt kể từ khi theo dõi số lượng bạch cầu (WBC) và số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC). Trước khi bắt đầu điều trị bằng clozapine, bệnh nhân nên xét nghiệm máu và khám tiền sử cũng như khám sức khỏe. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim hoặc phát hiện tim bất thường khi khám sức khỏe nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa để khám các xét nghiệm khác có thể bao gồm điện tâm đồ và bệnh nhân chỉ được điều trị nếu lợi ích mong đợi rõ ràng hơn nguy cơ. Bác sĩ điều trị nên cân nhắc thực hiện điện tâm đồ trước khi điều trị.

Tăng bạch cầu ái toan

Trong trường hợp tăng bạch cầu ái toan , nên ngừng sử dụng Clozapine nếu số lượng bạch cầu ái toan tăng trên 3000/mm3 (3,0 x109/L); Chỉ nên bắt đầu lại liệu pháp sau khi số lượng bạch cầu ái toan giảm xuống dưới 1000/mm3 (1,0 x 109/L).

Giảm tiểu cầu

Trong trường hợp giảm tiểu cầu , nên ngừng điều trị Clozapine nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 50000/mm3 (50 x109/L).

Rối loạn tim mạch

Hạ huyết áp thế đứng, có thể kèm theo ngất, có thể xảy ra khi điều trị bằng Clozapine. Những triệu chứng này nhiều khả năng xảy ra khi sử dụng đồng thời với các thuốc benzodiazepin hoặc bất kỳ tác nhân hướng thần nào khác và trong quá trình điều trị ban đầu kết hợp với việc tăng liều nhanh chóng; trong những trường hợp rất hiếm, chúng có thể xảy ra ngay cả sau liều đầu tiên. Do đó, bệnh nhân bắt đầu điều trị bằng Clozapine cần được giám sát y tế chặt chẽ. Theo dõi huyết áp khi đứng và nằm ngửa là cần thiết trong những tuần đầu điều trị ở bệnh nhân Parkinson.

Clozapine gây rối loạn tim mạch
Thuốc Clozapine có thể gây rối loạn tim mạch

Viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim và bệnh cơ tim cũng đã được báo cáo liên quan đến việc sử dụng clozapine; các báo cáo này cũng bao gồm các trường hợp tử vong. Viêm cơ tim hoặc bệnh cơ tim nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có nhịp tim nhanh dai dẳng khi nghỉ ngơi, đặc biệt là trong hai tháng đầu điều trị, và những bệnh nhân xuất hiện đánh trống ngực, loạn nhịp tim, đau ngực và các dấu hiệu và triệu chứng khác của suy tim (ví dụ mệt mỏi không rõ nguyên nhân, khó thở, thở nhanh), hoặc các triệu chứng mô phỏng nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện ngoài các triệu chứng trên bao gồm các triệu chứng giống như cúm. Nếu nghi ngờ viêm cơ tim hoặc bệnh cơ tim, cần ngừng ngay việc điều trị bằng Clozapine và chuyển ngay bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc bệnh cơ tim do clozapine không nên tiếp xúc lại với thuốc này.

Co giật

Bệnh nhân có tiền sử động kinh nên được theo dõi chặt chẽ trong khi điều trị bằng Clozapine vì đã có báo cáo về co giật liên quan đến liều lượng. Trong những trường hợp như vậy, nên giảm liều và nên bắt đầu điều trị chống co giật nếu cần.

Kéo dài khoảng QT

Cũng như các thuốc chống loạn thần khác, cần thận trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc tiền sử gia đình có khoảng QT kéo dài. Tương tự với các thuốc chống loạn thần khác, cần thận trọng khi kê đơn clozapine cùng các thuốc làm tăng khoảng QT.

Tác dụng kháng cholinergic

Clozapine có hoạt tính kháng cholinergic, có thể tạo ra các tác dụng không mong muốn trên toàn cơ thể. Theo dõi cẩn thận được chỉ định trong trường hợp phì đại tuyến tiền liệt và tăng nhãn áp góc hẹp. Có thể do đặc tính kháng cholinergic của nó, clozapine có liên quan đến các mức độ suy giảm nhu động ruột khác nhau, từ táo bón đến tắc ruột, tống phân và liệt ruột. Chăm sóc đặc biệt cần thiết ở những bệnh nhân đang điều trị các thuốc đồng thời cũng gây táo bón, đã có tiền sử bệnh đại tràng hoặc có tiền sử phẫu thuật vùng bụng dưới. Điều quan trọng là táo bón phải được nhận biết và điều trị tích cực.

Sốt

Trong khi điều trị bằng Clozapine, bệnh nhân có thể bị tăng nhiệt độ thoáng qua trên 38°C, với tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 tuần đầu điều trị. Cơn sốt này nói chung là lành tính. Đôi khi, nó có thể liên quan đến việc tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu. Bệnh nhân bị sốt nên được đánh giá cẩn thận để loại trừ khả năng bị nhiễm trùng thông thường hoặc sự phát triển của chứng mất bạch cầu hạt. Trong trường hợp sốt cao, khả năng mắc hội chứng an thần kinh ác tính (NMS) phải được xem xét. Nếu chẩn đoán NMS được xác nhận, phải ngừng sử dụng Clozapine ngay lập tức và tiến hành các biện pháp y tế thích hợp.

Thay đổi trao đổi chất

Thuốc chống loạn thần không điển hình, bao gồm cả clozapine, có liên quan đến những thay đổi chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ tim mạch hoặc mạch máu não. Những thay đổi về chuyển hóa này có thể bao gồm tăng đường huyết, rối loạn lipid máu và tăng trọng lượng cơ thể. Mặc dù các loại thuốc chống loạn thần không điển hình có thể tạo ra một số thay đổi về chuyển hóa, nhưng mỗi loại thuốc trong nhóm đều có những tác động riêng biệt.

Tăng đường huyết

Suy giảm dung nạp glucose hoặc nguy cơ tiến triển thêm bệnh đái tháo đường đã được báo cáo khi điều trị bằng clozapine. Những bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh đái tháo đường khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống loạn thần không điển hình nên được theo dõi thường xuyên để kiểm soát nồng độ đường huyết. Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường (ví dụ như béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường) đang bắt đầu điều trị bằng thuốc chống loạn thần không điển hình nên xét nghiệm đường huyết lúc đói khi bắt đầu điều trị và định kỳ trong suốt thời gian điều trị. Những bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng tăng đường huyết khi điều trị bằng thuốc chống loạn thần không điển hình nên làm xét nghiệm đường huyết lúc đói.

Rối loạn lipid máu

Những thay đổi không mong muốn về lipid máu đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống loạn thần không điển hình, bao gồm cả clozapine. Khuyến cáo theo dõi lâm sàng, bao gồm xét nghiệm lipid máu ban đầu và theo dõi định kỳ ở bệnh nhân sử dụng clozapine.

Tăng cân

Tăng cân đã được ghi nhận khi sử dụng thuốc chống loạn thần không điển hình, bao gồm clozapine. Khuyến khích bệnh nhân theo dõi cân nặng trong quá trình sử dụng thuốc.

Theo dõi cân nặng khi dùng clozapine
Người bệnh nên theo dõi cân nặng khi sử dụng thuốc Clozapine

Nguy cơ thuyên tắc huyết khối

Các trường hợp thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) đã được báo cáo khi dùng thuốc chống loạn thần. Vì Clozapine có nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối, nên tránh cho bệnh nhân nằm ở tư thế bất động.

Hội chứng cai nghiện khi ngừng dùng thuốc

Các phản ứng cai nghiện cấp tính đã được báo cáo sau khi ngừng đột ngột clozapine, do đó khuyến cáo nên ngừng thuốc từ từ. Nếu cần ngừng thuốc đột ngột (ví dụ như do giảm bạch cầu), bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận về sự tái phát của các triệu chứng loạn thần và các triệu chứng liên quan đến sự phục hồi cholinergic, chẳng hạn như đổ mồ hôi nhiều, nhức đầu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Nguồn tham khảo: Webmd.com, eMC

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan