Thuốc Ciprofloxacin thuộc nhóm nào?

Ciprofloxacin là một trong những kháng sinh thông dụng với khả năng ngăn ngừa sự tấn công và phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, loại thuốc này được ưu tiên dùng trong các trường hợp điều trị tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng.

1. Ciprofloxacin thuộc nhóm nào?

Thuốc Ciprofloxacin là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm quinolon có phổ kháng khuẩn tương đối rộng nên thường được chỉ định để điều trị nhiều bệnh khác nhau, phần lớn là vi khuẩn gram âm gây bệnh đường ruột, đường hô hấp. Ciprofloxacin có hoạt tính mạnh, diệt khuẩn phổ rộng, cần thông tin từ nhiễm sắc thể (vật chất di truyền) cần thiết cho chuyển hoá bình thường của vi khuẩn. Điều này làm vi khuẩn bị giảm khả năng sinh sản mau chóng. Do cơ chế tác động đặc hiệu mà Ciprofloxacin không bị đề kháng với các kháng sinh khác không thuộc nhóm ức chế men gyrase. Vì vậy, thuốc Ciprofloxacin có hiệu lực cao chống lại những vi khuẩn kháng các loại kháng sinh như aminoglycoside, penicillin, cephalosporin, tetracycline và các kháng sinh khác.

Kháng sinh Ciprofloxacin thường được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng như:

  • Viêm đường tiết niệu trên và dưới
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Viêm xương- tuỷ
  • Viêm ruột nặng do vi khuẩn
  • Viêm tai giữa, viêm xoang
  • Nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viện
  • Dự phòng bệnh não mô cầu và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch
  • Cộng hưởng với các kháng sinh khác (beta lactam, aminozid) cho kết quả điều trị tích cực

Các chống chỉ định của thuốc kháng sinh Ciprofloxacin:

  • Bệnh nhân quá mẫn với hoá trị liệu bằng thuốc Ciprofloxacin hoặc quinolone khác
  • Trẻ em, thiếu niên đang tăng trưởng
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú

2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin

  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Ciprofloxacin với người bệnh có tiền sử động kinh hay rối loạn thần kinh trung ương, người bị suy chức năng gan hay chức năng thận, người thiếu G6PD, người bị nhược cơ
  • Dùng Ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức do đó phải theo dõi và làm kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp nhằm theo dõi kháng sinh đồ
  • Ciprofloxacin có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn mycobacterium tuberculosis bị âm tính
  • Ciprofloxacin có thể gây chóng mặt, quay cuồng, ảnh hưởng đến việc điều khiển máy móc hoặc phương tiện di chuyển
  • Hạn chế dùng kháng sinh Ciprofloxacin cho trẻ nhỏ và trẻ đang lớn vì có thể gây thoái hoá sụn ở các khớp chịu trọng lực
  • Chỉ nền dùng Ciprofloxacin cho người mang thai ở các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà không có kháng sinh khác thay thế, buộc phải dùng fluoroquinolon
  • Không dùng kháng sinh Ciprofloxacin cho phụ nữ cho con bú vì có thể tích lại trong sữa và đạt đến nồng độ gây tác hại cho trẻ

3. Tác dụng phụ của thuốc Ciprofloxacin

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, đau bụng, đầy hơi, kém ăn
  • Chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, run rẩy
  • Hiếm gặp liệt ngoại biên, vã mồ hôi, co giật, trầm cảm, ảo giác, lú lẫn
  • Mất cảm giác về mùi vị
  • Rối loạn thị lực (nhìn đôi, nhìn màu)
  • Ù tai, rối loạn thính lực tạm thời
  • Nổi ban, ngứa, sốt do thuốc
  • Xuất huyết dạng chấm, bóng xuất huyết và nốt nhỏ
  • Hội chứng Steven-Johnson, hội chứng Lyell
  • Phản ứng phản vệ: phù thanh quản hoặc phù phổi, khó thở, co thắt phế quản
  • Nhịp tim nhanh, cơn migrain, ngất

4. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng bất lợi của Ciprofloxacin

Để hạn chế tác dụng phụ xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc Ciprofloxacin, trước hết người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liệu lượng và thời gian sử dụng. Ngoài ra cần chú ý:

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi dùng Ciprofloxacin. Nếu phải ra nắng cần bảo vệ da bằng cách dùng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu 30
  • Uống đủ nước và tránh ăn uống thức ăn gây kiềm hoá nước tiểu để tránh tinh thể niệu hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận
  • Nếu bị tiêu chảy nặng, kéo dài trong và sau khi điều trị bằng Ciprofloxacin, người bệnh có thể đã bị rối loạn nặng ở ruột cần ngưng thuốc và thay thế bằng một kháng sinh khác thích hợp
  • Ngừng sử dụng thuốc ngay nếu bị đau, sưng, viêm hay đứt gân hoặc bị phát ban da, vàng da, nước tiểu sẫm màu hoặc phản ứng bất lợi ngày một tăng nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan