Thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt sử dụng tia X. Kỹ thuật này cho những hình ảnh khá rõ ràng của các cơ quan bên trong cơ thể thông qua phép dựng hình tái tạo. Đặc biệt, nó cho hình ảnh mô mềm trong cơ thể tốt hơn trong khi phim chụp X quang thông thường không hiển thị mô mềm tốt.

1. Chụp cắt lớp vi tính lợi ích gì?

Chụp CT scan có thể dùng khảo sát bất kỳ các bộ phận nào của cơ thể. Nó cho hình ảnh rõ ràng của xương, mô mềm, tạng, mạch máu mà các kỹ thuật như chụp X quang, siêu âm không khảo sát hết được. Vì vậy chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật phổ biến được ứng dụng để:

  • Phát hiện vấn đề bất thường trong chuyên khoa thần kinh sọ não như khối u, khối máu tụ dập não, thiếu máu, chảy máu, phù não...
  • Phát hiện khối u, ổ áp xe, dị dạng, hình ảnh bệnh lý khác trong các khu vực đầu - mặt - cổ, tim, ngực, bụng, khung chậu, xương, mô mềm cho đến các bệnh lý mạch máu.
  • Dùng để hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị và theo dõi sau phẫu thuật. Kỹ thuật 3D-CT scan cho phép đánh giá chính xác vị trí bị tổn thương trong không gian 3 chiều để định hướng tốt cho phẫu thuật cũng như xạ trị.
  • Giúp tái tạo hình ảnh 3D trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh, giúp các bác sĩ phẫu thuật tạo hình có thể điều trị tốt hơn các dị tật bẩm sinh.
  • Là phương tiện có giá trị theo dõi tiến triển bệnh, hiệu quả điều trị ở các mốc thời gian khác nhau.

Để làm rõ hình ảnh của một khối bất thường, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp sử dụng thuốc cản quang theo đường tiêu hóa, đường tĩnh mạch để chẩn đoán chính xác nhất.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú quốc, bác sĩ đang tiến hành chụp CT scan với máy MSCT scan 128 lát cắt. Đây là thiết bị y khoa hiện đại có sự kết hợp giữa kỹ thuật tia X và công nghệ máy tính để ghi lại toàn bộ cấu trúc bên trong cơ thể chỉ trong 10 giây, dữ liệu được mã hóa dưới dạng Voxel sau đó xử lý bằng công nghệ 3D dựng lại hình ảnh thật chính xác. Sau mỗi pha chụp, máy cho thu được 128 hình ảnh cắt ngang thay vì một hình ảnh như đa số các máy CT scan khác. Chính vì thế, hiệu quả thu được gần như tuyệt đối với hình ảnh rõ 100%, độ chính xác 97% và giá trị tiên đoán loại trừ bệnh đạt 99%.

Vinmec sử dụng máy chụp PET/CT 128 dãy hiện đại hàng đầu thế giới chẩn đoán, điều trị hiệu quả ung thư sớm
Máy MSCT scan 128 lát cắt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú quốc

2. Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang là gì?

Thuốc cản quang là những dung dịch có chứa Iod, được tiêm vào cơ thể khi chụp CT scan, làm cho cấu trúc hoặc tổn thương bắt thuốc sẽ có màu trắng sáng trên hình chụp CT scan, giúp phân biệt nó với các cấu trúc khác xung quanh.

Vì vậy chụp CT scan có thuốc cản quang sẽ giúp làm rõ hơn một mô hoặc tổn thương. Nâng cao tính chính xác trong chẩn đoán CT scan.

3. Khi nào thì tôi cần chụp CT scan có thuốc cản quang?

Khi quý vị có các vấn đề về sức khỏe cần khảo sát, theo dõi. Cụ thể:

  • Phần lớn các trường hợp CT scan ổ bụng đều cần thuốc cản quang, trừ khi muốn khảo sát sỏi hệ tiết niệu.
  • Các trường hợp nghi ngờ có khối u.
  • Phần lớn các trường hợp viêm, abces cần thuốc cản quang, trừ viêm phổi đã được chẩn đoán chắc chắn và không cần phân biệt với các bệnh lý khác.
  • Bệnh lý mạch máu như phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu, bóc tách động mạch.
  • Một số trường hợp đặc biệt: Tìm nguồn mạch nuôi của phổi biệt lập, đánh giá vùng tái tưới máu của tổn thương, chẩn đoán mức độ vách hóa của máu tụ dưới màng cứng giai đoạn bán cấp...

4. Thuốc cản quang dùng trong CT scan có những loại nào?

Các thế hệ thứ nhất là các chất cản quang ion và có độ thẩm thấu cao so với huyết tương (1400 đến 1800 mosmol/kg) Những loại này bây giờ không còn được sử dụng vì độc cho thận nhiều hơn những thế hệ sau này.

Hiện nay các loại cản quang đang sử dụng có độ thẩm thấu cao hơn so với huyết tương (500 đến 850 mosmol/kg) và không ion (ngoại trừ Hexabrix). Chỉ có Iso-osmolal (Iodixanol) là không ion và độ thẩm thấu thấp nhất (290 mosmol/kg).

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang sử dụng Ultravist. Là loại không ion, độ thẩm thấu cao hơn so với huyết tương (607 – 774 mosmol/kg). Với Ultravist có thể đảm bảo được mục đích khảo sát khi chụp CT scan.

Ultravist thuốc cản quang
Thuốc cản quang Ultravist

5. Chụp CT scan có tiêm thuốc cản quang có những nguy cơ nào?

Khi tiêm thuốc cản quang chụp CT scan có thể có một số nguy cơ, đòi hỏi xử lý kịp thời nếu xảy ra trên bệnh nhân.

  • Phản vệ: Sau khi tiêm thuốc, trong vòng 1 giờ xuất hiện các triệu chứng: Bừng mặt, ngứa, mày đay cấp, phát ban, phù mạch, co thắt phế quản gây khó thở, thở rít, phù thanh quản, rút lõm lồng ngực, tụt huyết áp, sốc, mất ý thức. Phản vệ thường không liên quan đến liều và tốc độ tiêm thuốc. Nó có thể xuất hiện ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thuốc cản quang. Và biểu hiện ở nhiều mức độ.
  • Suy thận do thuốc cản quang: Là tình trạng xuất hiện suy thận cấp hoặc tăng mức độ suy thận sau dùng thuốc cản quang (đã loại trừ các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng thận): Tăng thêm 25 % hoặc > 0,5 mg/dl (44,2 mmol/l) so với creatin
  • in ban đầu. Thường xuất hiện trong vòng 24-48 giờ sau khi dùng thuốc cản quang, creatinine tăng cao nhất sau 5-7 ngày và hầu hết các trường hợp trở về bình thường sau 7-10 ngày.
  • Cơn bão giáp: Là một tình trạng nặng trên những đối tượng đang bị bệnh lý tăng năng tuyến giáp. Vì vậy bệnh nhân cần thiết phải thông báo cho bác sĩ tiền sử bệnh, đặc biệt là bệnh lý tuyến giáp.
  • Các nguy cơ khác: Nguy hại cho thai nhi. Trên đối tượng là phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ, lựa chọn các biện pháp khác như siêu âm, chụp XQ thường có áo bảo vệ. Một số trường hợp có phản ứng giống dị ứng như ngứa nhẹ, tuy nhiên các phản ứng này nhanh chóng biến mất.

6. Trong trường hợp phải chụp CT scan có cản quang, tôi cần thông báo cho bác sĩ điều gì trước khi chụp?

Bác sĩ và người bệnh cần trao đổi tỉ mỉ về các nguy cơ có thể gặp phải, khai thác tiền sử, khám lâm sàng. Đồng thời, yêu cầu bệnh nhân thông báo chi tiết về một số tình trạng của mình:

  • Tiền sử bệnh: Đặc biệt là bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh tuyến giáp, bệnh hen suyễn..., các loại thuốc đang sử dụng, các loại máy cấy ghép trong cơ thể hiện tại, các can thiệp tim mạch.
  • Tiền sử dị ứng. Thông báo với bác sỹ tất cả tình trạng dị ứng.
  • Đã từng chụp CT scan có thuốc cản quang lần nào chưa. Nếu đã từng thì có biểu hiện gì bất thường ở lần trước không.
  • Hiện tại có tiêu chảy mất nước không.
  • Đảm bảo rằng mình không đang mang thai.
Khám bệnh
Bệnh nhân cần thông báo về tình trạng sức khỏe của bản thân, khi có chỉ định chụp CT scan có cản quang

7. Nếu tôi chụp CT scan có thuốc cản quang, bác sĩ chuẩn bị gì cho tôi trước khi chụp?

Tùy thuộc vào bệnh nhân đang điều trị nội trú hay bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú, sẽ có một ít khác nhau tương đối. Tuy nhiên về cơ bản cần chuẩn bị:

Khám lâm sàng kỹ càng

Chỉ định kiểm tra chức năng thận: creatinine (eGFR) cần thiết được đánh giá trước khi sử dụng thuốc cản quang. Một số trường hợp như đang chạy thận nhân tạo định kỳ, chấn thương thận cấp hoặc yêu cầu chụp khẩn cấp cho các trường hợp đe dọa tính mạng (ví dụ: nghi ngờ chấn thương nặng, đe dọa bóc tách động mạch chủ) có thể cân nhắc tiến hành chụp CT scan có thuốc cản quang mà không cần chờ kết quả creatinine.

Ngưng các thuốc có nguy cơ độc cho thận đang sử dụng, đặc biệt lưu ý: các thuốc chống viêm nonsteroid, lợi tiểu ngưng trước 24 giờ, metformin ngưng trước 48 giờ. Các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể không bắt buộc ngưng nghiêm ngặt.

Các biện pháp khác: Bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ thì không cần thiết. Chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. Bao gồm:

  • Bù dịch đầy đủ: Có thể sử dụng NaCl 9%0, NaHCO3, Ringer Lactate. Các nghiên cứu hầu hết cho thấy NaCl 9%0 có lợi hơn cả. Liều khuyến cáo: Đối với trường hợp cản quang được sử dụng đường tĩnh mạch: NaCl 9%0 được truyền tốc độ 100 ml mỗi giờ bắt đầu 6 đến 12 giờ trước và tiếp tục 4-12 giờ sau khi sử dụng thuốc cản quang đối với bệnh nhân nội trú. Hoặc NaCl 9%0 được truyền 500 ml bolus trên 30 phút đến 1 giờ trước và sau khi sử dụng thuốc cản quang ở bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân ngoại trú có thể bù dịch thêm bằng đường uống.
  • Acetylcystein: Thuốc cản quang gây độc trực tiếp trên ống thận và tình trạng thiếu máu cục bộ vùng tủy ngoài của thận. Tăng sản xuất gốc oxy hóa tự do có tác dụng độc trên thận. Acetylcystein có thể tác động như chất chống oxy hóa, từ đó ngăn chặn quá trình chết ở tế bào thận. Ngoài ra, còn có tính chất giãn mạch thận nhẹ. Liều khuyến cáo: Acetylcystein 1200 mg uống một giờ trước và một giờ sau khi sử dụng thuốc cản quang. Sau đó 2 lần mỗi ngày trong 4 ngày tiếp theo.

Đối với các trường hen phế quản, tiền sử hay dị ứng thì có thể sử dụng cortisone, phối hợp hoặc không với thuốc chống dị ứng trước khi chụp.

8. Sau bao lâu thì cơ thể tôi đào thải hết thuốc cản quang và sau bao lâu thì tôi có thể chụp CT scan có thuốc cản quang lại?

Ở những người có chức năng thận bình thường thời gian bán hủy của hầu hết các thuốc cản quang đang được sử dụng hiện tại là khoảng 2 giờ, và về cơ bản thì sau khoảng 20 giờ được thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể. Vì vậy, đối với những trường hợp sử dụng thuốc cản quang trước đó khoảng 24 giờ, trong trường hợp cần thiết vẫn có thể được sử dụng cản quang tiếp và những trường hợp này không được coi là có nguy cơ mắc bệnh thận do thuốc cản quang.

9. Tôi phải ăn uống sinh hoạt như thế nào sau khi chụp CT scan có thuốc cản quang?

Tùy thuộc vào bệnh nhân đang có những yếu tố nguy cơ gì.

  • Nếu bệnh nhân đang điều trị nội trú, bác sĩ sẽ có chế độ phù hợp với tình trạng hiện tại của bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân ngoại trú, không có các yếu tố nguy cơ thì có thể về nhà. Uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Nếu thấy lượng nước tiểu ít đi so với bình thường thì đến lại bệnh viện kiểm tra chức năng thận.
  • Quay lại bệnh viện khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
  • Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thì bù dịch, uống Acetylcystein theo liệu trình.
  • Chế độ dinh dưỡng giống các ngày bình thường khác.

10. Tôi có thể tìm hiểu thêm thông tin hoặc tư vấn về CT scan có tiêm thuốc cản quang ở đâu?

Với kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc cung cấp dịch vụ chụp CT scan đến khách hàng. Với dịch vụ này, khách hàng sẽ được chỉ định chụp CT scan khi cần thiết để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh chính xác nhất. Khách hàng sẽ được tư vấn chi tiết, rõ ràng, đồng thời cũng được chuẩn bị tốt nhất để hạn chế những nguy cơ có thể có khi chụp CT scan, đặc biệt là khi chụp CT scan có thuốc cản quang.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, Quý Khách có thể liên hệ theo địa chỉ: Bãi Dài, Giành Dấu, Phú Quốc, Gành Dầu, Phú Quốc.

Hotline: 0297 3985 588 hoặc đăng ký Trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết tham khảo nguồn: Heart.org; Uptodate.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan