Tác dụng của Clenbuterol là gì?

Clenbuterol là một thuốc chủ vận beta 2, mang lại tác dụng giãn phế quản và được sử dụng để điều trị bệnh lý hen phế quản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng và những lưu ý trong quá trình điều trị bằng thuốc này.

1. Clenbuterol là thuốc gì?

Clenbuterol là thuốc thuộc nhóm chủ vận beta 2, Clenbuterol được dùng để điều trị các bệnh tắc nghẽn đường hô hấp, sử dụng như một thuốc giãn phế quản trong điều trị bệnh hen suyễn.

Clenbuterol bản chất hóa học là một phenyl amino ethanol, tác dụng chủ vận trên receptor beta 2 ở liều rất thấp. Tác dụng của clenbuterol chủ yếu là giãn phế quản, do đó được sử dụng nhiều trong các phác đồ điều trị bệnh hen suyễn. Mặc dù đã được chấp thuận sử dụng ở một số quốc gia nhưng vào giữa năm 2006, clenbuterol không còn được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ phê duyệt như là thành phần của bất kỳ loại thuốc điều trị nào.

Thuốc clenbuterol được bào chế thành những dạng với hàm lượng như sau:

  • Viên nén 20 mg;
  • Si-rô (clenbuterol liquid) 1 mcg/ml.
Clenbuterol
Clenbuterol được dùng trong điều trị các bệnh tắc nghẽn đường hô hấp

2. Cách sử dụng thuốc clenbuterol

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo kỹ Hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm hoặc hướng dẫn của dược sĩ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng clenbuterol, người bệnh hãy hỏi trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Liều sử dụng của clenbuterol tuân theo chỉ định của bác sĩ và phụ thuộc vào một số yếu tố của người bệnh (như tình trạng sức khỏe hay khả năng đáp ứng điều trị). Cùng với đó, người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng (ít hơn hoặc nhiều hơn) khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Ngoài ra, quá trình sử dụng thuốc clenbuterol nếu không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn thì người bệnh cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để được can thiệp, xử trí phù hợp.

Cách bảo quản thuốc clenbuterol:

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, hạn chế nơi ẩm thấp và ánh sáng mặt trời trực tiếp;
  • Không được bảo quản thuốc clenbuterol trong nhà tắm hoặc ngăn đá tủ lạnh;
  • Giữ tất cả các loại thuốc, trong đó có clenbuterol, tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi;
  • Không nên vứt thuốc hết hạn vào toilet hoặc ống dẫn nước thải.

3. Liều dùng của thuốc Clenbuterol

Những thông tin về liều sử dụng của thuốc clenbuterol cung cấp sau đây chỉ mang tính tham khảo, quyết định chính xác nhất vẫn là chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc điều trị hen suyễn này.

Liều dùng thuốc clenbuterol cho người trưởng thành:

  • Dạng thuốc uống: Dùng 20mcg/lần, 2 lần uống mỗi ngày. Tùy theo đáp ứng của người bệnh có thể điều chỉnh tăng liều điều trị lên gấp đôi là 40mcg/lần, 2 lần uống mỗi ngày;
  • Dạng thuốc hít: Liều sử dụng là 20 mcg/lần, 3 lần hít một ngày.

Liều dùng thuốc clenbuterol cho trẻ em: Việc sử dụng hoạt chất này cho trẻ nhỏ vẫn chưa được nghiên cứu chính xác. Vì vậy cần phải trao đổi ý kiến với bác sĩ nếu định sử dụng thuốc clenbuterol cho trẻ.

Clenbuterol
Thuốc Clenbuterol cần được sử dụng đúng liều lượng

4. Tác dụng phụ của thuốc Clenbuterol

Một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc clenbuterol bao gồm:

  • Run cơ vân;
  • Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh;
  • Căng thẳng thần kinh, đau đầu;
  • Giãn các mạch máu ngoại vi;
  • Vọp bẻ (hiếm gặp);
  • Hạ kali máu khi sử dụng ở liều cao;
  • Các biểu hiện của phản ứng dị ứng/quá mẫn.

Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh sử dụng thuốc clenbuterol là sẽ gặp các tác dụng phụ không mong muốn như trên. Bên cạnh đó, quá trình dùng thuốc hoàn toàn có thể xuất hiện các biểu hiện bất thường khác chưa được đề cập. Vì vậy, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng không mong muốn, người bệnh hãy trao đổi ý kiến với bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc clenbuterol

Trước khi điều trị bệnh bằng thuốc clenbuterol, người bệnh cần thông báo với bác sĩ các vấn đề sau đây:

  • Tiền sử dị ứng với hoạt chất clenbuterol hoặc các thành phần khác có trong thuốc và các loại thuốc cùng nhóm;
  • Tiền sử bệnh lý mắc bệnh cường giáp, suy tim, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đái tháo đường hay hen suyễn nặng;
  • Đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh khác, bao gồm cả thảo dược và thực phẩm chức năng;
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ, mong muốn có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.

Đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, hiện nay các nghiên cứu xác định rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc clenbuterol vẫn chưa rõ ràng. Trước khi điều trị bằng thuốc này, phụ nữ mang thai hay cho con bú cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và phải cân nhắc giữa những lợi ích và nguy cơ sức khỏe có thể gặp.

6. Tương tác thuốc của Clenbuterol

Các phản ứng do tương tác thuốc giữa clenbuterol và các hoạt chất khác có thể làm thay đổi tác dụng điều trị hoặc tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng (bao gồm theo toa, không theo toa và thực phẩm chức năng) trước khi sử dụng Clenbuterol. Đồng thời trong quá trình điều trị hen suyễn, người bệnh không được tự ý thêm thuốc, ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Người bệnh không nên sử dụng đồng thời thuốc clenbuterol với các thuốc có thể gây hạ kali, thuốc lợi tiểu thiazid hoặc lợi tiểu quai, amphotericin B, corticosteroid vì có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, sử dụng theophylline liều cao cùng lúc với clenbuterol được cho là làm tăng nguy cơ hạ kali máu và tăng nhịp tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan