Statin và vai trò trong việc hạ mỡ máu, bảo vệ tim mạch

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Dương Thu Hương, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Statin là nhóm thuốc đầu tay được sử dụng để hạ mỡ máu. Statin được chứng minh là có hiệu quả trong việc dự phòng tiên phát và thứ phát các bệnh lý về tim mạch. Vì lý do đó, statin là nhóm thuốc ưu tiên được lựa chọn để điều trị hạ mỡ máu cũng như dự phòng biến cố tim mạch cho các đối tượng nguy cơ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin hữu ích về statin và tác dụng mỡ máu của statin

Trước hết, để hiểu được công dụng của statin cần nắm được các khái niệm cơ bản về mỡ máu trong cơ thể. Một bộ xét nghiệm mỡ máu hoàn chỉnh sẽ cho chúng ta biết thông số của 4 loại lipoproteins:

  • Tổng cholesterol: bao gồm tất cả các loại cholesterol tốt và xấu;
  • LDL cholesterol (cholesterol “xấu”): khi tích tụ trong thành mạch có khả năng tạo mảng bám, gây xơ vữa thành mạch và giảm khả năng lưu thông máu. Những mảng bám này có thể vỡ dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não;
  • HDL cholesterol (cholesterol "tốt”): có tác dụng loại bỏ LDL cholesterol ra ngoài cơ thể và bảo vệ thành mạch;
  • Triglycerides: là chất béo trong máu được chuyển hoá từ năng lượng dư thừa trong cơ thể, có nồng độ thay đổi phụ thuộc vào bữa ăn. Tỷ lệ triglycerides cao liên quan đến béo phì, chế độ ăn nhiều tinh bột, uống rượu bia, hút thuốc, ngồi nhiều hoặc bị tiểu đường không kiểm soát.

Vai trò quan trọng nhất của statin là giúp giảm LDL. Statin có thể giảm LDL cholesterol từ 30-63%. Bên cạnh đó, statin cũng làm giảm triglycerides (10-30%) và tăng HDL cholesterol (5-15%). Statin hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với cholesterol tại enzyme HMG CoA reductase, là enzyme quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol tại gan. Việc này dẫn đến giảm tổng hợp cholesterol trong gan, giúp củng cố thành mạch, cố định mảng xơ vữa và giảm sưng viêm.

Một điều cần lưu ý là các statin khác nhau sẽ có tiềm lực giảm LDL khác nhau. Rosuvastatin và atorvastatin có tiềm lực giảm LDL mạnh, trong khi các statin khác như simvastatin, lovastatin, pravastatin hay fluvastatin chỉ có thể giảm LDL ở mức trung bình. Trường hợp đã dùng liều tối đa có thể dung nạp mà LDL vẫn chưa giảm về mục tiêu, statin có thể được phối hợp với nhóm thuốc khác như ezetimibe hay thuốc ức chế PCSK9.

HDL và LDL Cholesterol
Statin giúp giảm LDL trong máu của người bệnh có mỡ máu cao

Liều dùng

Thông thường, để giảm được LDL ở mức cao, cần dùng tối thiểu rosuvastatin 20 mg/ngày hoặc atorvastatin 40 mg/ngày. Tuy nhiên người châu Á có thể có đáp ứng tốt với statin ở liều thấp hơn so với người châu Âu, vì vậy rosuvastatin được khuyến cáo dùng ở liều thấp hơn ở người châu Á, với liều khởi điểm là 5 mg. Không có bằng chứng nào về việc giảm liều ở các statin khác. Liều dùng có thể thay đổi tuỳ vào đáp ứng cũng như khả năng dung nạp thuốc của từng đối tượng cụ thể.

Cách dùng

Phần lớn cholesterol được tổng hợp vào buổi tối, vì vậy statin tác dụng ngắn như simvastatin thường được khuyến cáo sử dụng vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ. Tuy nhiên đối với các statin tác dụng dài như atorvastatin, rosuvastatin, thời điểm dùng thuốc trong ngày không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả thuốc. Lưu ý lovastatin tăng hiệu quả hấp thu khi dùng cùng bữa ăn, vì vậy nên dùng cùng bữa sáng hoặc tối.

Tác dụng phụ

Một trong những lý do chính khiến nhiều người băn khoăn khi dùng statin là các tác dụng phụ của loại thuốc này. Tác dụng phụ của statin thấp hơn so với các thuốc hạ mỡ máu khác. Đau cơ là tác dụng phụ quan trọng nhất ở statin. Suy giảm chức năng gan là một trong những quan ngại, tuy nhiên nguy cơ rất nhỏ.

: tác dụng phụ lên cơ của statin phụ thuộc vào liều và các yếu tố liên quan đến bệnh nhân như tuổi cao (>65 tuổi). Suy giáp hay thiếu vitamin D cũng là những yếu tố tăng khả năng gây đau cơ do statin. Trường hợp đau cơ 2 bên không do các nguyên nhân khách quan khác (như tập thể dục) hay nước tiểu có màu vàng sẫm cần báo lại cho bác sĩ để được theo dõi kịp thời.

Gan: men gan có thể biến động trong vòng 3 tháng đầu dùng thuốc với xác suất 0.5 - 3% và phụ thuộc liều. Rất hiếm các trường hợp tổn thương gan nặng được quan sát khi dùng statin và nhiều nghiên cứu không cho thấy sự gia tăng tình trạng tổn thương so với người bình thường. Tăng men gan ở người dùng statin có tỉ lệ tương tự với nhóm không dùng statin, tuy nhiên xét nghiệm men gan nên được thực hiện trước khi bắt đầu statin, sau 4-12 tuần và 3-12 tháng sau khi dùng statin.

Trường hợp gặp tác dụng phụ trên cơ và gan, tuỳ thuộc vào đánh giá lâm sàng và cân nhắc lợi ích, nguy cơ của việc dùng statin, bác sĩ có thể khuyến cáo giảm liều, đổi sang loại statin, hoặc uống statin cách ngày.

Thận: ngoài tác dụng phụ trên cơ và gan, statin có thể gây protein niệu do ức chế kênh vận chuyển chủ động các phân tử protein khối lượng nhỏ. Tuy nhiên tác động này chỉ mang tính chất tạm thời và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên chức năng thận.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Người bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Tác dụng phụ tăng của statin tăng lên đặc biệt khi được dùng kèm với các thuốc hay thực phẩm có nguy cơ tương tác cao như các thuốc ức chế enzyme CYP3A4, có trong các thuốc huyết áp, thuốc ghép tạng, thuốc điều trị HIV, thuốc trị gout, vv... Statin chống chỉ định trong các trường hợp viêm gan cấp, phụ nữ có thai và cho con bú.

Kết luận: Statin là một thuốc có hiệu quả cao được dùng để dự phòng biến cố tim mạch thông qua việc giảm LDL cholesterol, giúp củng cố thành mạch và ngăn ngừa vỡ mảng bám. Việc dùng statin tương đối an toàn, tuy nhiên cần nhận biết các dấu hiệu bất thường khi dùng statin để có các biện pháp kịp thời xử lý. Tác dụng phụ của statin có thể tăng lên phụ thuộc vào liều cũng như tương tác với thuốc khác.

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, theo dõi chỉ số mỡ máu để điều trị sớm. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan