Sau khi uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao?

Sốt là triệu chứng rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ, khiến người bệnh rất khó chịu và có tâm lý sử dụng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp uống thuốc nhưng sốt vẫn không giảm. Vậy người bệnh uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao?

1. Sốt là gì?

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân uống thuốc hạ sốt mà không giảm người lớn lẫn trẻ em, chúng ta cần có những khái niệm cơ bản về triệu chứng này. Về mặt định nghĩa, sốt là tình trạng thân nhiệt tăng cao hơn bình thường.

Thân nhiệt trung bình khi đo ở miệng là 36.5 độ C, có thể thay đổi giảm còn 35.5 độ C vào buổi sáng và tăng lên 37.5 độ C vào buổi chiều. Thân nhiệt tăng nhẹ (từ 38 đến 38.5 độ C) có thể do những nguyên nhân lành tính như vận động mạnh, bận quần áo dày, tắm nước nóng hoặc khi nhiệt độ môi trường quá nóng. Trường hợp nghi ngờ nhiệt độ cơ thể tăng bất thường do tác động của môi trường cần kiểm tra lại nhiệt độ sau 30 phút.

Lưu ý, sốt là một triệu chứng và không phải là một bệnh lý. Theo các chuyên gia, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể trước một tác nhân nhiễm trùng (bao gồm virus và vi khuẩn). Cụ thể hơn, sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với trẻ em, hầu hết các cơn sốt có nhiệt độ từ 37.8 đến 40 độ C đều không quá nguy hiểm. Các nguyên nhân gây sốt ở trẻ em phần lớn là do nhiễm virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm và chỉ một số ít nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn (như viêm họng hoặc nhiễm trùng tiểu).

Hầu hết triệu chứng sốt do virus chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 ngày. Theo bác sĩ, mức độ nghiêm trọng của sốt không liên quan đến mức độ nặng của bệnh gây sốt. Đáng chú ý, sốt không gây tác hại kéo dài cho cơ thể. Một số trường hợp tổn thương não chỉ xuất hiện khi thân nhiệt tăng cao hơn 42 độ C và may mắn thay là trung tâm điều hòa thân nhiệt của não bộ sẽ kiểm soát thân nhiệt dưới mức này.

Vậy khi nào trẻ sốt cần gặp bác sĩ. Phụ huynh cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ nếu trẻ sốt và kèm theo những tình trạng sau:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
  • Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và uống thuốc hạ sốt mà không hạ sau 2 giờ;
  • Trẻ lừ đừ, kèm theo đau đầu, chóng mặt, cổ cứng, khó thở, nổi hồng ban hoặc không chịu uống nước.

Một vài trường hợp trẻ sốt cần trao đổi với bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu:

  • Trẻ 3 đến 6 tháng tuổi (trừ trường hợp sốt do chích ngừa);
  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ mà không có nguyên nhân rõ ràng và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi;
  • Sốt kéo dài hơn 3 ngày;
  • Hết sốt khoảng 24 tiếng nhưng sau đó sốt tái phát.

2. Uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao?

Trước khi tìm nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt mà không giảm, cha mẹ cần nhớ rằng sốt là cách cơ thể phản ứng chống lại sự nhiễm trùng. Do đó cha mẹ chỉ nên cho bé uống thuốc nếu sốt thật sự khiến con khó chịu và thường là thân nhiệt phải trên 39 độ C.

Các loại thuốc hạ sốt thường bắt đầu có tác dụng sau 30 phút và tác dụng này sẽ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Các thuốc hạ sốt hay được sử dụng bao gồm:

  • Acetaminophen (hay Paracetamol): Hoạt chất này có thể sử dụng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Liều dùng của Acetaminophen cần tính theo cân nặng của bé, thường là 15-20 mg/kg cân nặng và lặp lại mỗi 4-6 giờ. Chú ý: Không cho trẻ uống Acetaminophen quá 5 lần/ngày;
  • Ibuprofen: Được cho phép sử dụng ở trẻ trên 6 tháng tuổi. Ưu điểm của Ibuprofen là tác dụng kéo dài hơn Acetaminophen (khoảng 6-8 giờ). Do đó phụ huynh cần cho con uống đúng liều lượng khuyến cáo theo cân nặng, khoảng 5-10mg/kg và lặp lại sau mỗi 6-8 giờ;
  • Hạn chế hạ sốt bằng Aspirin do có nguy cơ dẫn đến hội chứng Reye (gây phù não và suy gan).

Đa phần trường hợp trẻ sốt sẽ đáp ứng rất tốt với các thuốc kể trên, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt mà không hạ. Vậy lý do nào dẫn đến hiện tượng này? Theo các chuyên gia, trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt có thể do:

  • Phụ huynh chăm sóc trẻ bị sốt chưa đúng cách, khiến bé uống thuốc hạ sốt mà không hạ hoặc có hạ nhưng không đáng kể và sau đó lại sốt cao hơn;
  • Bé mắc phải một số loại bệnh lý nguy hiểm gây sốt cao khó hạ như nhiễm trùng nặng hay sốt xuất huyết Dengue... Khi đó cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đến bệnh viện.

Vậy câu hỏi tiếp theo được cha mẹ đặt ra là trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ phải làm sao? Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau đây:

  • Tăng cường bổ sung nước: Nước trong cơ thể có thể mất đi do sốt cao thông qua đổ mồ hôi. Trẻ uống nhiều nước vừa đảm bảo không thiếu nước vừa giúp cơ thể làm mát khi thân nhiệt tăng cao;
  • Bận quần áo thoáng mát để nhiệt độ được thoát dễ dàng qua da. Cha mẹ không nên trùm hay bận đồ quá dày cho trẻ để tránh sốt cao hơn. Nếu trẻ cảm thấy lạnh hoặc run rẩy, cha mẹ chỉ nên đắp cho con một chiếc khăn mỏng;
  • Lau mình: Lau mình đơn thuần là không phù hợp để hạ sốt và đòi hỏi phải kết hợp với thuốc hạ sốt như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Đặc biệt biện pháp lau mình sẽ hiệu quả khi trẻ đã uống thuốc hạ sốt mà không giảm hoặc khi sốt cao trên 40 độ C. Khi lau mình cho con, cha mẹ nên sử dụng nước âm ấm (khoảng 29-32 độ C). Nếu trẻ run rẩy thì nâng nhiệt độ nước lên hoặc ngừng lau mình cho đến khi Acetaminophen hay Ibuprofen phát huy hiệu quả tối đa. Chú ý: Cha mẹ không nên thêm rượu vào nước lau mình vì có thể khiến trẻ nhỏ hít phải hơi rượu và dẫn đến hôn mê.

3. Những việc nên và không nên khi chăm sóc trẻ sốt

Những việc nên làm khi trẻ sốt:

  • Loại bỏ bớt quần áo dày và gỡ bỏ bớt chăn mền hay khăn quấn quanh người bé;
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm làm mát cơ thể như trái cây tươi và rau củ. Như đã đề cập ở trên, trẻ sốt rất dễ mất nước nên cần chú ý tăng cường cho con uống nước, sau đó nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng và theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ;
  • Cha mẹ chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt thể cao hơn 39 độ C, đồng thời sử dụng liều thấp để hạn chế tác dụng phụ;
  • Nếu thân nhiệt vẫn tiếp tục tăng, bé uống thuốc hạ sốt mà không giảm dù đã thực hiện đầy đủ biện theo khuyến cáo thì nhanh chóng đưa con đến khám bác sĩ.

Những việc không nên làm khi chăm sóc bé bị sốt:

  • Trẻ sốt thường kèm theo biểu hiện bàn chân lạnh hoặc có cảm giác ớn lạnh. Khi đó bố mẹ không nên cho con mặc thêm quần áo, đi tất, quấn chăn hay bôi cao cho bé vì chỉ góp phần giữ hơi nóng trong người và khiến các biện pháp hạ sốt trở nên khó khăn hơn;
  • uống thuốc hạ sốt mà không giảm không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt;
  • Hạn chế thực phẩm gây nóng như gừng, trứng, thịt gà... Đồng thời hạn chế thức ăn quá lạnh như kem hay đá xay...;
  • Tránh tâm lý nôn nóng muốn con hạ sốt nhanh, dẫn đến quá liều và gây nguy hiểm hơn nữa;
  • Không tự ý truyền nước cho trẻ số nếu việc uống thuốc hạ sốt mà không hạ, thay vào cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

177.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan