Saferon là thuốc gì?

Saferon được bào chế dưới dạng viên nén nhai, thuốc giọt hoặc siro. Thuốc có thành phần chính là sắt, giúp bổ sung hoặc điều trị bệnh thiếu máu, thiếu sắt cho cơ thể.

1. Công dụng của thuốc Saferon

Saferon thuốc được bào chế dưới các dạng sau:

  • 1 viên nén nhai chứa: 100mg sắt nguyên tố và 500mcg acid folic;
  • 1ml thuốc giọt chứa: 50mg sắt nguyên tố;
  • 5ml siro chứa: 50mg sắt nguyên tố.

Cả 3 dạng thuốc đều là viên sắt chứa phức hợp sắt (III) hydroxid polymaltose. Đây là phức hợp bền vững, an toàn, ít gây kích ứng dạ dày, dung nạp tốt và ít tương tác hơn so với muối sắt thông thường. Riêng dạng viên nén nhai có thêm acid folic (vitamin B9) là một chất cần thiết trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Thuốc Saferon được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Dự phòng và điều trị thiếu sắt tiềm ẩn, thiếu máu thiếu sắt, chứng thiếu sắt. Các đối tượng thường gặp phải tình trạng này là: Phụ nữ trước, trong, sau mang thai và đang cho con bú;
  • Trẻ em thiếu sắt do chế độ ăn uống hằng ngày.

Nhóm đối tượng sau đây được khuyến cáo chống chỉ định sử dụng thuốc Saferon:

  • Người bị mẫn cảm với thành phần có trong thuốc;
  • Thiếu máu không do thiếu sắt: Ví dụ rối loạn tạo hồng cầu, thiếu máu tán huyết, giảm sản tủy xương;
  • Hội chứng thừa sắt hoặc quá tải sắt;
  • Mắc bệnh về đồng hóa sắt hoặc dự trữ sắt.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Saferon

Tùy theo mức độ thiếu sắt mà liều dùng và thời gian dùng thuốc sẽ khác nhau ở từng người. Liều dùng hằng ngày có thể dùng 1 lần hoặc chia thành các liều nhỏ.

2.1 Dạng thuốc Saferon viên

Cách dùng: Uống nguyên viên thuốc hoặc nhai, uống sau khi ăn để có tác dụng tốt nhất.

Liều dùng tham khảo như sau:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi nhưng đủ lớn để nuốt được cả viên thuốc: Dùng liều 1⁄2 - 1 viên/ngày;
  • Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: Dùng liều 1 - 2 viên/ngày;
  • Phụ nữ có thai: Dùng liều 2 - 3 viên/ngày. Dự phòng thiếu máu thiếu sắt: Dùng liều 1⁄2 - 1 viên/ngày.

Khi giá trị hemoglobin trở lại bình thường thì cần tiếp tục điều trị thêm 3 tháng nhằm bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể.

2.2 Dạng thuốc Saferon giọt

Cách dùng: Uống giọt Saferon trong hoặc sau khi ăn. Có thể trộn thuốc với thức ăn hoặc nước rau, nước hoa quả trước khi cho trẻ ăn.

Liều dùng tham khảo như sau:

  • Trẻ sinh non: Dùng liều 1 - 2 giọt/kg/ngày trong 3 - 5 tháng nếu bị thiếu sắt rõ rệt;
  • Trẻ dưới 1 tuổi: Dùng liều 10 - 20 giọt/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt; 6 - 10 giọt/ngày nếu bị thiếu sắt tiềm ẩn; 2 - 4 giọt/ngày nếu điều trị dự phòng;
  • Trẻ 1 - 12 tuổi: Dùng liều 20 - 40 giọt/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt; 10 - 20 giọt/ngày nếu bị thiếu sắt tiềm ẩn; 4 - 6 giọt/ngày nếu điều trị dự phòng.

Nếu có biểu hiện thiếu sắt rõ rệt, nên điều trị trong khoảng 3 - 5 tháng tới khi giá trị hemoglobin trở lại bình thường. Sau đó, nên tiếp tục điều trị thêm vài tuần với liều chỉ định cho chứng thiếu sắt tiềm ẩn nhằm bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể.

2.3 Dạng thuốc Saferon siro

Cách dùng: Uống siro trong hoặc ngay sau khi ăn.

Liều dùng tham khảo như sau:

  • Trẻ dưới 1 tuổi: Dùng liều 2,5 - 5ml/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt;
  • Trẻ từ 1 - 12 tuổi: Dùng liều 5 - 10ml/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt; 2,5 - 5ml/ngày nếu bị thiếu sắt tiềm ẩn;
  • Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn và phụ nữ đang cho con bú: Dùng liều 10 - 20ml/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt; 5 - 10ml/ngày nếu bị thiếu sắt tiềm ẩn;
  • Phụ nữ có thai: Dùng liều 20 - 30ml/ngày nếu bị thiếu sắt rõ rệt; 10ml/ngày nếu bị thiếu sắt tiềm ẩn; 5 - 10ml/ngày nếu điều trị dự phòng.

Nếu có biểu hiện thiếu sắt rõ rệt, nên điều trị trong khoảng 3 - 5 tháng cho tới khi giá trị hemoglobin trở lại bình thường. Sau đó, cần tiếp tục điều trị thêm vài tuần với liều dùng cho chứng thiếu sắt tiềm ẩn nhằm bổ sung lượng sắt dự trữ cho cơ thể.

Hiện chưa có báo cáo về trường hợp dùng thuốc Saferon quá liều. Triệu chứng quá liều sắt gồm: Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, mệt mỏi, phân như hắc ín, yếu, mạch nhanh, sốt, mê, co giật, tử vong,... Acid folic là vitamin tan trong nước, an toàn với liều cao, nguy cơ độc tính rất thấp. Nếu bị quá liều sắt, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay để được điều trị triệu chứng và hỗ trợ kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Saferon

Các tác dụng phụ do thuốc Saferon rất hiếm khi xảy ra. Tác dụng phụ nếu có gồm: Rối loạn ở đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn ói, đau thượng vị, trong miệng có vị kim loại, táo bón, phân đen, tiêu chảy) hoặc phản ứng quá mẫn cảm. Có thể giảm thiểu các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa nếu có bằng chứng bằng cách uống thuốc với thức ăn và sau khi ăn. Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Saferon, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ.

4. Tương tác thuốc Saferon

Hiện chưa quan sát thấy tình trạng tương tác thuốc với Saferon. Viên sắt ở dạng phức hợp nên hầu như không xảy ra tương tác giữa ion sắt với:

  • Một số chất trong thức ăn: Oxalat, tanin, phytin,...;
  • Kháng sinh nhóm tetracyclin, chloramphenicol, fluoroquinolon;
  • Các thuốc kháng acid như cimetidin;
  • Các thuốc khác: Methotrexate, phenytoin, levodopa, levothyroxine.

Lưu ý: Có thể xảy ra tình trạng thiếu acid folic bởi thuốc chống động kinh, thuốc chống lao, rượu, thuốc tránh thai đường uống, thuốc kháng acid folic (như pyrimethamin, triamteren, methotrexate, trimethoprim và sulfonamide).

Để tránh tương tác thuốc có thể xảy ra, nên uống Saferon cách các thuốc khác tối thiểu 2 tiếng và nên khai báo ngay cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng.

Thuốc Saferon chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng khi sử dụng thuốc, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp, người dùng nên hỏi trực tiếp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan